Wednesday, January 12, 2022

CÂY DÂU TẰM TRONG SINH HOẠT CỦA LOÀI NGƯỜI

Cây dâu tằm quan trọng vì lá của cây dâu là nguồn thức ăn của con tằm, một loại côn trùng hữu ích cho loài người. Con tằm Bombyx mori ăn lá dâu và nhả tơ. Tằm Bombyx mori là tằm thuần hóa được nuôi trong nhà. Trong trạng thái thiên nhiên có tằm Bombyx mandarina.


Theo truyền thuyết nghề nuôi tằm bằng lá dâu để tằm nhả tơ đã có ở Trung Hoa cách đây 5,000 năm. Người Trung Hoa cho rằng hoàng hậu Lei Zu (Lôi Chấn) tức Xi Lingshi (Tập Linh Thi) của Huangdi (Hoàng Đế 2697- 2597 trước Tây Lịch) đã phát hiện ổ kén và con tằm khi uống trà dưới một tàn cây dâu (?).

Con tằm và cây dâu trở thành bí mật kinh tế quốc gia. Ai đem trứng tằm ra khỏi nước bị xử tội nặng nề nếu bị bắt. Dù vậy việc trồng dâu nuôi tằm sớm xuất hiện ở Triều Tiên rồi Nhật Bản. Đến thế kỷ VI sau Tây Lịch đế quốc Bizantin mới biết đến việc nuôi tằm để nhả tơ. Nhưng tơ lụa Trung Hoa vẫn được xem là tơ lụa đẹp và quí vào thời Trung Cổ và Phục Hưng ở Âu Châu. Marco Polo (1254-1324), một người Ý gốc ở Venice, đã dùng đường bộ đi từ đông Địa Trung Hải sang Trung Hoa thời nhà Nguyên (Yuan). Đó là con Đường Tơ Lụa xuyên qua vùng núi rừng và sa mạc hiểm trở.

Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến các loại cây dâu tằm, chùm gởi cây dâu tằm (tang ký sinh) và nấm dâu vàng hay tang hoàng khuẩn trên khía cạnh kinh tế và y học trị liệu cổ truyền. Một số kinh nghiệm trị liệu cổ truyền đã được các nhà y học ngày nay công nhận.

CÁC LOẠI CÂY DÂU TẰM

CÂY DÂU TẰM THƯỜNG THẤY


Cây dâu tằm gốc ở Trung Hoa và được du nhập vào các nước Trung Á, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Địa Trung Hải. Ngày nay cây dâu tằm được tìm thấy khắp nơi trên thế giới nhưng tầm quan trọng của nó giảm dần. Ngày xưa người ta trồng dâu tằm để nuôi tằm nhả tơ. Ngày nay cách sản xuất tơ theo lối này chậm chạp và bất tiện: phải tốn nhiều đất đai để trồng cây dâu; mất thì giờ chăm sóc cây và hái lá dâu; việc chăn nuôi tằm rất nhiêu khê vì tằm dễ bịnh và chết khi có sự thay đổi thời tiết bất thường.

Tên khoa học của cây dâu tằm thường thấy là Morus alba, Morus multicaulis, Morus atropurpurea thuộc gia đình Moraceae. Người Anh gọi cây dâu tằm là white mulberryđể phân biệt với loại dâu tằm trái đỏ (red mulberry) hay trái đen (black mulberry). Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi cây dâu tằm là Tuta. Ở Việt Nam người ta phân biệt: cây dâu Lào tức dâu rừng, dâu hoang; dâu sẻ tức cây dâu lá nhỏ; dâu Tàu tức cây dâu lá lớn.

Cây dâu tằm có thể sống trong vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới, Địa Trung Hải. Cây cao từ 10- 15 m; lá mỏng màu xanh nhạt; rìa có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng. Trái nhỏ, sần sùi, kết thành chùm.

Trái và lá non của cây dâu tằm ăn được. Người ta dùng trái để làm si- rô, cất rượu. Trái dâu tằm chín màu đỏ thắm hay màu đen với vị ngọt- chua. Nó có proteins, carbohydrates, chất béo, malic acid, ascorbic acid, nicotinic acid, Ca, Fe, Mg, K, sinh tố A1, B1, B2. Trái dâu tằm được dùng để trị chứng tóc bạc sớm, táo bón, tiểu đường.

Trong Đông Y cây dâu tằm rất quan trọng trong việc trị liệu. Những nghiên cứu gần đây cho thấy hoạt chất lấy từ cây dâu tằm trị bịnh đầu voi (elephantiasis) có kết quả tốt. Để chữa chứng phong đòn gánh (tetanus) người ta cho bịnh nhân uống nhựa cây dâu tằm hòa với đường.

Lá dâu tằm dùng để nuôi tằm. Hiện nay ở Trung Hoa lục địa có 6,200 km2 đất dành để trồng cây dâu tằm. Lá là nguồn thức ăn rất tốt cho trâu, bò, ngựa, dê, trừu. Lá phơi khô dùng để làm trà.

Lá dâu tằm nói văn vẻ theo Hán- Việt là tang diệp có tính kháng nấm, kháng trùng. Nó nhuận tiểu, nhuận trường, lợi phế (phổi) và được dùng để cầm máu, hạ đường trong máu, trị bịnh nhãn khoa, gây phát hạn (đổ mồ hôi), củng cố nướu răng, trị cảm cúm, chảy máu cam, hạ huyết áp, tiểu đường.

Vỏ cây dâu tằm (tang bì) nhuận tiểu dùng để trị táo bón, xổ lãi, ho, cước khí, sốt, nhức đầu, đau mắt (nấu nước để rửa mắt).

Rễ dùng để trị ho, suyển, làm thuốc nhuận tiểu, nhuận trường. Rễ cây dâu tằm có mulberrin, mulberrochromene, cyclomulberrin, cyclomulberrochromene, mulberranol, albactalol, albanol A và albanol B. Lõi cây dâu tằm có morin (flavonol) C15 H10 O7 có tác dụng làm giảm đường. Trong lá ổi cũng có morin. Albanol A tức mulberrofuranG C34 H26 O8 kháng viêm, trị viêm gan, ung thư máu.

Ngôn ngữ Việt Nam đề cập rất nhiều về cây dâu tằm. Theo Hán- Việt cây dâu tằm được gọi là tang mộc. Chúng ta có:

- Tang bạch bì tức lớp vỏ trắng của cây dâu là một vị thuốc (xem tính năng trị liệu của tang bì ở phần trên).

- Tang bộc: việc trăng hoa trai gái trong vườn cây dâu hay dưới tàn cây dâu.

- Tang bồng hồ thỉ: chí anh hùng, dọc ngang của người trai. Khi sinh con trai người ta (bên Trung Hoa) lấy gỗ cây dâu làm cung và cỏ bồng làm mũi tên.

- Tang du: cây dâu và cây du ám chỉ con người lúc về chiều của cuộc đời.

Một cây bóng ngả trên cành tang du
(Nhị Độ Mai)

- Tang tử: cây dâu tằm và cây thị, hai loại cây được trồng ở đầu làng ở Trung Hoa ngày xưa. Tang tử hàm ý nói đến quê quán, nơi chôn nhau cắt rún.

- Tàm thực (tằm ăn dâu): Nguyễn Cư Trinh dùng chánh sách tàm thực để hoàn thành cuộc Nam Tiến vào thế kỷ XVIII, âm thầm nhưng nhanh chóng như tằm ăn dâu.

- Tang điền thương hải: ruộng giâu biến thành biển (biển giâu) ám chỉ sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng trên đời.

Trải qua một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng


*
Cơ Trời dâu biển đa đoan
(Đọan Trường Tân Thanh)

Việc tàm tang (sericulture) là một hoạt động kinh tế gia đình của người phụ nữ ngày xưa. Nó mang nhiều lợi tức cho gia đình. Trong lịch sử Việt Nam có một thiếu nữ hái lá dâu ở làng Thổ Lội (Siêu Loại, Bắc Ninh) được vua Lý Thánh Tôn (1054- 1072) để ý và rước về cung vì người thôn nữ không bị thu hút bởi sự hiện diện của một vị quân vương trong làng như những thôn nữ khác. Đó là Ỷ Lan Thái Phi sau này.

Trong ca dao Việt Nam nói về cây dâu tằm có câu:

Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Hái dâu không hái, nhớ câu ân tình.



CÂY DÂU TẰM ĐEN


Cây dâu tằm đen mang tên khoa học Morus nigra (vì trái màu đen sẫm) thuộc gia đình Moraceae, gốc ở Trung Á và Tây Á tức Trung Đông bây giờ. Người ta gọi là cây dâu tằm đen để phân biệt với cây dâu tằm thường thấy được gọi là dâu tằm trắng Morus alba (white mulberry) và cây dâu tằm đỏ ở Bắc Mỹ Morus rubra (red mulberry). Người Anh gọi cây dâu tằm đen là toot tree, black mulberry, Persian mulberry (cây dâu tằm Ba Tư). Người Trung Hoa gọi là Hei sang (hắc tang- tang: cây dâu).

Cây dâu đen cao từ 10-15 m; lá hình bầu dục hay hình trái tim; mặt lá sần sùi; rìa có răng cưa. Hoa nhỏ, màu trắng, kết thành chùm. Trái nhỏ màu đen khi chín. Trái có chùm; hột nhỏ. Cây dâu đen được tìm thấy ở Trung Hoa, Trung Á, Nam Á, Tây Á, Âu Châu. Người Anh trồng với hy vọng lấy lá để nuôi tằm nhưng không thành công vì tằm thích ăn lá cây dâu trắng Morus alba.

Trái cây dâu tằm đen ngọt và có proteins, pectin, glucose , malic acid, tartaric acid. Trái dâu đen ngọt. Nó được dùng làm thạch, mứt, si-rô, thức uống hay làm rượu trái cây (black mulberry wine). Nước vắt của trái dâu đen hượt trường, hạ sốt. Nó có nhiều antioxidants, flavonoids, anthocyanins làm cho máu lưu thông điều hòa, bổ máu, trung hòa độc chất trong cơ thể, tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Trái dâu đen nhuận tiểu, lợi cho thận (kidneys), làm cho tóc chậm bạc, trị chứng ù tai (tinnitus).

Hoạt chất lấy từ lá dâu tằm đen có tính cầm máu, hạ đường trong máu, trục lãi. Nó được dùng để trị bịnh đầu voi, phong đòn gánh, táo bón, cảm, chảy máu cam, đau mắt vì nhiễm trùng (eyes infection). Lá dâu tằm đen có tính sát trùng.

Vỏ và rễ cây dâu tằm đen lợi phế, hạ huyết áp, nhuận tiểu, trị ho, suyển, cước khí, viêm phế quản, cao máu, tiểu đường.

Vỏ có nhiều sợi dùng để bện dây.

Trái được dùng để sản xuất màu nhuộm đỏ- tím hay tím sẫm.

Lá dùng để làm màu nhuộm vàng- xanh.


CÂY DÂU TẰM ĐỎ


Gọi là cây dâu tằm đỏ vì cây thuộc dòng dâu tằm Morus và gia đình Moraceae và có trái chín màu đỏ tươi hay đỏ- tím. Loại cây dâu này gốc ở miền đông Bắc Mỹ.

Tên khoa học của cây dâu tằm đỏ là Morus rubra hay Morus tomentosa thuộc gia đình Moraceae. Người Anh gọi cây dâu tằm đỏ là Red mulberry.

Cây cao 10- 15 m; lá hình trái tim; mặt dưới có lông; rìa lá có răng cưa. Cuống lá có nhựa. Hoa nhỏ, màu vàng- xanh; trái nhỏ màu đỏ hay đỏ- tím khi chín. Trái ngọt và được dùng làm thạch, mứt, thức uống hay làm rượu.

Cây dâu tằm đen và đỏ thực tế không có công dụng nuôi tằm trong quá khứ lẫn hiện tại. Trong quá khứ tằm chỉ ăn lá cây dâu trắng Morus alba mà thôi. Hiện tại việc tàm tang không còn quan trọng nữa. Cây dâu tằm trắng không còn quan trọng trong việc dùng lá nuôi tằm như xưa. Cây dâu tằm đỏ gốc ở Bắc Mỹ có công dụng khác:

- Trái là thức ăn của chim và người. Lá non của cây dâu tằm đỏ cũng ăn được.

- Vỏ và rễ dùng để trị lãi, gây tẩy xổ, hạ sốt.

- Nước sắc của rễ cây dâu tằm đỏ nhuận tiểu, trị kiết lỵ, trùng lãi.

- Nhựa dùng để trị hắc lào (ringworm). Trái dùng để trị sốt.

- Vỏ cây dâu tằm đỏ có nhiều sợi dùng để làm đay hay làm một loại vải thô.

- Gỗ láng, nhẹ khá bền bĩ dùng để làm thuyền, đóng thùng.

Đó là những ích lợi kinh tế, y học và văn hóa của cây dâu tằm trắng (Morus alba), đen (Morus nigra) và đỏ (Morus rubra) trong sinh hoạt của loài người.


TANG KÝ SINH tức CHÙM GỞI CÂY DÂU TẰM


Tang ký sinh là chùm gởi (tầm gởi), một loại dây leo sống bám vào cây dâu tằm để hấp thụ chất dinh dưỡng của loài thảo mộc hữu ích này. Các loài chùm gởi đều có dược tính hay độc tính nhất định tùy theo loại cây mà chúng sống bám vào. Nếu cây mà chùm gởi sống ký thác có nhiều dược tính thì dây chùm gởi cũng có nhiều dược tính. Đó là lý do tại sao người ta quan tâm đến chùm gởi cây dâu tằm gọi văn vẻ là tang ký sinh.

Tên khoa học của tang ký sinh là Loranthus parasiticus, Scurrula gracilifolia, Loranthus gracifolius, Loranthus graciliflorus, Loranthus yadoriki thuộc gia đình Loranthaceae.

Tên gọi theo quốc gia
AnhTrung HoaNhậtMã LaiIndonesia
Mulberry mistletoe

Sang Jisheng
Honghua Jisheng
Baso-Kisei

Benalu

Pasilam



Người Việt Nam gọi nôm na là chùm gởi dâu tằm. Người Trung Hoa gọi là Sang ji sheng (tang ký sinh). Họ cũng gọi tang ký sinh là hồng hoa ký sinh (hong hua jisheng).

Dây tang ký sinh cứng, dẻo và có nhiều nhánh nhỏ màu xanh tươi. Lá giẹp, dày màu xanh nhạt. Hoa màu đỏ hay vàng- xanh. Trái nhỏ màu trắng.

Tang ký sinh triterpenes như oleanic acid, beta- amyrin, inositol, hợp chất flavolic, flavonoids như aviculin.

Người Trung Hoa có nhiều kinh nghiệm trong việc dùng tang ký sinh làm thuốc và cho nó một vị trí đặc biệt trong y học trị liệu. Theo Đông Y tang ký sinh liên hệ nhiều đến Can kinh và Thần kinh. Tang ký sinh có những đặc tính trị liệu như: nhuận tiểu, an thần, bảo vệ thận kinh, hạ huyết áp, tăng cường hệ thống miễn nhiễm, kháng viêm, kháng khuẩn, giải độc trong gan, giải độc trong thận. Các nhà khoa học ngày nay đang nghiên cứu về tính năng trị liệu của tang ký sinh dựa vào kinh nghiệm của Hoa Y. Tang ký sinh ức chế vi khuẩn picornavirus dòng Enterovirus gây ra bịnh sốt tê liệt (poliomyelitis).

Trong Đông Y tang ký sinh được dùng làm thuốc chữa bịnh đau xương cụt, chứng hay sẩy thai (miscarriage), xuất huyết tử cung trong thời kỳ mang thai, sản phụ ít sữa, làm cho tóc mọc mạnh. Trái chùm gởi dâu tằm có tác dụng gia tăng thị lực. Với đặc tính bảo vệ thận kinh, giải độc gan thận, tang ký sinh có triển vọng được dùng để chữa chứng Alzheimer, viêm gan, viêm thận v.v.


NẤM DÂU VÀNG hay TANG HOÀNG KHUẨN


Như đã thấy, cây dâu tằm có một chỗ đứng quan trọng trong sinh hoạt của loài người. Chùm gởi (tang ký sinh) và nấm mọc trên cây dâu tằm cũng có giá trị đặc biệt trong y học trị liệu và trong ẩm thực (nấm tang hoàng hay tang hoàng khuẩn ăn được).

Nấm dâu vàng rất hiếm. Đó là loại nấm mọc trên cây dâu tằm Morus alba có từ 100 năm tuổi trở lên. Loại nấm này được tìm thấy nhiều ở Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản.

Tên khoa học của nấm dâu vàng (tang hoàng khuẩn) là Phellinus linteus, Phellinus vaninii, Popyporus igniarius thuộc gia đình Hymenochaetaceae.

Nấm cũng giống như hình dạng nấm ăn thường (nấm mối, nấm rơm). Phần trên tai nấm hình cầu màu hung đỏ- đen. Chân nấm màu vàng tươi. Nấm mọc trên những cây dâu tằm già hay cây xồi (oak tree), cây liễu cổ thụ (willow). Nấm có nhiều lỗ nhỏ li ti trên mặt như chữ Polyporus igniniarus trong một trong những tên khoa học của nấm.

Tên gọi thông thường
AnhTrung HoaNhậtTriều Tiên
Meshima
Black hoof mushroom
(vì nấm có hình như cái móng đặc của động vật có vú)

Song gen



Meshimakoku



Sang hwang




Từ nhiều thế kỷ trước Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản đã biết dùng nấm dâu vàng để làm thuốc trị bịnh. Năm 1968 các nhà khoa học Nhật gợi lại tầm quan trọng của nấm dâu vàng. Năm 1993 các nhà khoa học Triều Tiên làm sống dậy việc nghiên cứu tang hoàng khuẩn mà ngày xưa người ta gọi là nấm huyền diệu. Tang hoàng khuẩn đứng hàng đầu trong các vị thuốc Đông Y như nấm linh chi hay nấm Reishi Ganoderma lucidum, đông trùng hạ thảo (Dong chong xia cao- Nhật gọi là Tochu kaso. Tên khoa học: Cordiceps sinensis hay Sphaeria sinensis <tên cũ> và tên khoa học mới bây giờ là Ophiocordiceps sinensis.) Nhưng nghiên cứu gần đây của Đại Hàn và Đại Học Y Khoa Harvard, Hoa Kỳ, làm cho người ta lưu ý đến tính năng trị liệu các loại ung thư điển hình là ung thư vú của loại nấm hiếm và ít được biết đến này.

Tang hoàng khuẩn được dùng làm thuốc trị: tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, ung thư. Beta- D- glutan lectin trong trà nấm dâu tằm vàng tăng cường miễn dịch tính, điều hòa lượng đường trong máu. Theo sự nghiên cứu của Đại Học Y Khoa Harvard, Hoa Kỳ, nấm dâu tằm vàng trị ung thư vú. Nấm có nhiều antioxidants kháng viêm, bảo vệ gan, trị các chứng ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú. Tang hoàng khuẩn có thể trị khỏi chứng đồng huyết tính (hemophilia), chứng bịnh của hoàng tử Tsesarevich Alexei (1904- 1918), con trai của Nga hoàng Nicholas II (1868- 1918- ngự trị từ 1894 đến 1917) làm cho các thầy thuốc ở Nga chịu bó tay nhưng một nông dân phù thủy gốc Tây Bá Lợi Á tên là Rasputin (1869- 1916) chữa khỏi! Rasputin trở nên lộng hành trong triều khiến Nga hoàng Nicholas II càng thất nhân tâm nhiều hơn. Năm 1916 Rasputin bị hoàng thân Felix Yesupov bắn chết. Nếu tang hoàng khuẩn trị được chứng đồng huyết tính thì đó là một tin mừng cho nhân loại.

Trong Đông Y tang hoàng khuẩn được dùng làm thuốc trị mất ngủ, máu cam, xuất huyết tử cung giữa kỳ kinh nguyệt, loét dạ dày, đau khớp xương, viêm thận, suyển, viêm phế quản, huyết áp cao, huyết áp thấp, trúng độc, thần kinh căng thẳng, bắp thịt teo.

Tang hoàng khuẩn (nấm dâu vàng) có: caffeic acid, ellagic acid, hispidin, davalliactone, hypholomine B C20 H18 O10, interfungins A, inoscavin A C25 H18 O9, polysaccharides, phelligridimer A.

****
Vạn vật trong vũ trụ có những định luật chung. Trong xã hội loài người chúng ta nhận thấy:

Cha nào con (con trai) nấy 
Mẹ nào con (con gái) nấy 
Tướng giỏi thì quân giỏi
Thầy giỏi thì trò giỏi
Chủ nhân từ, tớ nhân hậu.

và ngược lại v.v.

Trong rừng thảo mộc bao la chúng ta cũng có những nhận xét tương tự. Loại chùm gởi và nấm mọc trên thân cây trở nên hữu ích hay độc hại chết người tùy vào cây mà chúng bám để hút chất dinh dưỡng. Do đó không phải bất cứ loại chùm gởi hay nấm nào mọc trên cây đều ăn được hay có dược tính như nhau. Đôi khi chúng có độc tính hơn là dược tính nếu chúng sống bám trên cây có nhựa độc. Cây dâu tằm Morus alba là một cây hữu ích trên nhiều khía cạnh từ trái, lá, nhựa, vỏ cây, rễ cây. Chùm gởi dâu tằm (tang ký sinh) và nấm dâu tằm (tang hoàng khuẩn) sống bám trên cây dâu tằm cũng được thừa hưởng mọi lợi ich và tính năng trị liệu mà cây dâu tằm trao cho chúng. Tính năng trị chứng đồng huyết tính và các dạng ung thư của tang hoàng khuẩn Phellinis linteus khích lệ các nhà khoa học tìm hiểu sâu rộng hơn về hiệu quả và kinh nghiệm trị liệu cổ truyền bằng dược thảo đơn giản của các dân tộc và bộ lạc trên thế giới trong quá khứ xa xưa.

Mọi cao ốc đều được xây lên từ cái nền và bằng từng viên gạch.

PHẠM ĐÌNH LÂN F.A.B.I.