Thursday, September 20, 2018

CHO EM QUÊN TUỔI NGỌC!



C’est toi qui emportes mon coeur au firmament
Et qui me fais envie à chaque instant
À chaque moment…
Il n’y a que la mort qui change mon sort.

(Ca khúc : Cho em quên tuổi ngọc)

Ðây, có lẽ, là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Lam Phương viết bằng tiếng Pháp. Chính xác hơn, ông đã viết lời bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt. Năm 1984, xa quê hương ngộ cố tri là danh ca Bạch Yến tại Pháp, ông đã viết tặng bà bản nhạc này. Lúc ấy, ông quen biết Bạch Yến đã hơn 30 năm nên từng lời ca nốt nhạc đều được soạn riêng cho tiếng hát của bà. Kể từ ấy, bài hát đã trở nên nổi tiếng qua giọng ca Bạch Yến và… nhiều nữ ca sĩ khác.


Hình như, chưa có nam ca sĩ nào chọn bài này để trình diễn trước công chúng. Còn hát riêng ở nhà hoặc với bạn bè chắc là có. Lý do có thể vì người ta cho rằng nội dung ca khúc này dành cho con gái. Ngay như… đàn bà hát còn thấy khó, huống chi đàn ông !

Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào
Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào
Ðến muôn đời sau…
Em không còn nhớ yêu thương bên nhau lần đầu.


Thực ra, tùy cách biểu cảm, đàn bà hoặc đàn ông (gì) hát cũng được, không cứ phải là con gái. Khi Bạch Yến trình diễn bài này lần đầu, bà (đã) ngoại tứ tuần. Giọng của bà có lẽ lúc ấy cũng chả còn “xoan” nữa. Sau này có nhiều giọng ca trẻ hơn như Thanh Lan, Ngọc Lan, Ý Lan… diễn tả mỗi người mỗi vẻ, nhưng không vượt qua Bạch Yến. Gần đây có một giọng ca nữ trẻ hơn… nữa, ca sĩ Ngọc Hạ, hát rất hay nhưng cũng… vậy. Thực sự, những ca sĩ ấy, kể cả Bạch Yến, giọng hát và cách diễn tả đều thật là hay, nhưng “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” ! Tất cả giọng ca ấy đều như toát lên một sự tiếc nuối, ngậm ngùi. Tuy mỗi người một phong cách, khi hát lên vẫn cho người nghe một cảm nhận gì đấy giống giống nhau. Mãi cho đến lúc nghe được tiếng hát của một cô gái vừa tròn 19 tuổi, khi trình diễn lần đầu trong buổi thu hình ca nhạc cho cuốn video Asia số 77.


Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình
Em xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình
Thế gian còn ai?
Em xin từ giã thơ ngây xuôi theo dòng đời…


Cô tên là Kimberly Trương, tên Việt là Trương Hoàng Thiên Kim, sinh trưởng tại Mỹ. Có lẽ vì thế nên nếu để ý… kỹ, nghe giọng của cô hơi lơ lớ… chút xíu ! Cái chút xíu ấy, vô hình trung, đã giúp tăng thêm nét ngây thơ trong trắng còn đọng lại ở tuổi mười chín. Mười chín là năm cuối cùng của tuổi ngọc dù người con gái đã trưởng thành (về tâm sinh lý) hay chưa.

Cô hát mà không diễn, như những ca sĩ đã từng trình bày nhạc phẩm này. Mọi thứ đều toát lên vẻ tự nhiên của một người con gái đang toan bước vào tuổi hai mươi. Mai sau, dẫu giọng ca có điêu luyện thêm, chắc cô vẫn không thể hát bài này hay hơn. Ngoài lợi thế về tuổi tác, cô còn hơn nhiều ca sĩ khác ở giọng nữ rất cao của mình.


Danh ca Bạch Yến vốn có thể ca các nốt nhạc rất thấp hoặc cao đều được. Cho nên nhạc sĩ Lam Phương viết giai điệu cho ca khúc này với âm vực rất rộng, đến gần 2 quãng tám. Quãng là khoảng cách giữa 2 nốt nhạc mà quãng tám là lớn nhất.

Ðại khái, trong âm nhạc Tây phương, cao độ được chia thành 7 nốt căn bản. Hễ lên cao hoặc xuống thấp nữa thì vẫn dùng tên của 7 nốt ấy. Khoảng cách giữa 2 nốt cùng tên là một quãng tám. Nói khác đi, mỗi quãng tám gồm 7 nốt; nhìn trên đàn piano là 7 phím màu trắng nằm kế nhau. Âm vực của người bình thường có chừng khoảng 10 nốt. Ca sĩ chuyên nghiệp có thể hát nhiều nốt hơn mà giọng ca vẫn không bị “rè”.


Thành ra, người có giọng bình thường hát không nổi bài này. Nhiều ca sĩ hát đến đoạn “có nhớ phút (giây lầm lỡ)” thì giọng yếu đi vì đụng phải (những) nốt cao nhất trong bài. Nếu hạ tông thấp xuống một chút cũng không được. Lý do vì nếu vậy, khi hát đến “hơi men… nồng” là nốt thấp nhất thì nghe như thì… thào ! Vậy mà trong Asia cuốn này, nhạc sĩ Trúc Hồ còn mở rộng âm vực khi soạn hòa âm; thiếu một nốt là đầy 3 quãng tám. Ðây chỉ là một “mẹo” thông dụng trong hòa âm.

Bài hát được bắt đầu ở tông Mi thứ. Ðến gần cuối, tăng lên tông La thứ. Nếu tăng bình thường chỉ hơn nhau có 3 nốt. Ðằng này, nhạc sĩ Trúc Hồ tăng 3 nốt cộng thêm một… quãng tám; tức là tổng cộng 10 nốt. Soạn hòa âm kiểu đó chỉ có danh ca Thái Thanh may ra mới hát nổi! Tuy nhiên, giọng Thái Thanh dù hát được tông cao nhưng nghe không êm dịu. Nói hơi thậm xưng là nghe như xoáy vào lỗ tai. Còn Kimberly, dù ở nốt rất cao như vậy, giọng của cô vẫn êm ái, tròn đầy rất… tự nhiên. Chừng đấy thôi, đủ chứng tỏ cô xứng đáng vào hàng ca sĩ chuyên nghiệp.


Cô đang là sinh viên đại học có chí hướng theo ngành y khoa, với mơ ước trở thành bác sĩ. Tuy chưa biết chắc về nghiệp cầm ca, cô lấy nghệ danh là Hoàng Kim. Bước ra sân khấu Asia, trong tà áo dài tím thướt tha, cô trông như một nữ sinh trung học, chưa biết yêu… là đau khổ.

Mai đây khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi
Em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi
Giấc mơ nhỏ nhoi…
Ðưa em vào cõi thiên thu yêu thương đời đời.

(theo NT)