Thursday, September 6, 2018

DI CHÚC

Ikkyu, một thiền sư nổi tiếng thời Ashikaga, là con của Thiên hoàng. Khi thiền sư còn nhỏ, mẹ của thiền sư rời bỏ cung điện và vào chùa học thiền. Bởi vậy hoàng tử Ikkyu thành thiền sinh. Khi mẹ của Ikkyu qua đời, bà để lại cho thầy một lá thơ, viết rằng:


Gởi Ikkyu:
Mẹ đã xong việc ở đời này và bây giờ mẹ trở lại với Vĩnh Hằng. Mẹ mong con thành một thiền sinh giỏi và sẽ đạt được Phật tánh. Con sẽ biết là mẹ ở trong địa ngục hay không và mẹ có luôn ở cùng con không.
Nếu con thành một người hiểu được rằng Phật và đệ tử của ngài là Bồ Đề Đạt Ma là tôi tớ của con, con có thể ngưng học và đi cứu nhân độ thế. Phật giảng 49 năm và trong khoảng thời gian đó thấy chẳng phải nói một chữ nào. Con nên biết tại sao. Nhưng nếu con không biết nhưng muốn biết, tránh suy nghĩ vô ích.
Mẹ,
Không sinh, không chết.
Ngày 1 tháng 9
Tái bút: Giáo pháp của Phật là cốt để giác ngộ người khác. Nếu con lệ thuộc vào bất cứ pháp môn nào, con cũng chỉ là một côn trùng dốt nát. Có đến 80 nghìn quyến sách về Phật học và nếu con phải đọc hết các sách này mà vẫn không thấy được tánh thật của con, con sẽ không hiểu được lá thơ này. Đây là di chúc của mẹ.



Bình:
• Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung quốc truyền dạy Thiền và được xem là Tổ sư sáng lập Thiền tông của các tông phái đại thừa ngày nay (Mahayana).
Phật và Bồ Đề Đạt Ma là thầy. Nhưng các vị thầy này chỉ có một mục đich duy nhất là phục vụ học trò, giúp học trò đắc ngộ, các vị thầy này chẳng có mục đích gì khác cho chính các vị, nên nói là “Phật và Bồ Đề Đạt Ma là tôi tớ của con.”
Người thực sự nhận thức được điều này, thì:
1. Không tôn thờ Phật hay Tổ sư là người giải thoát mình; biết rằng chính mình phải tự mình giải thoát mình;
2. Thuyết giảng giáo pháp và giúp đở thế nhân với thái độ là mình là tôi tớ của họ;


3. Và như thế tức là đã đạt được “vô ngã”, tức là đã ngộ.
Cho nên lúc này là lúc có thể ngưng học để ra đời cứu nhân độ thế.
• Phật thuyết giảng 49 năm nhưng chẳng nói lời nào: Trong Kinh Đại Niết Bàn, trước khi nhập diệt, Đức Phật nói: “Như Lai thường không thuyết pháp… vì pháp vốn vô tánh. Như Lai dầu giảng nói tất cả pháp nhưng thường không chỗ nói.” (Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Qúy Đức Vương Bồ Tát, thứ 22).
Ngôn từ không bao giờ chính xác để nói lên điều gì. Nói chỉ là nói tạm, vì chẳng cách nào khác để truyền đạt tư tưởng cho đa số người. Vì vậy, dù là Phật đã giảng thuyết 49 năm, nhưng không có lời nào là tuyệt đối đến mức mọi người cứ khư khư nắm giữ nó. Tùy nghi liệu thế mà hiểu. Cho nên, giảng thuyết nhiều mà lại chẳng nói lời nào là thế.
Muốn đắc ngộ, phải rời bỏ văn tự, không mắc kẹt vào ngôn từ: “Vì Như-Lai và chánh giải thoát rời danh tự. Do đó nên đức Như-Lai đối với tất cả pháp, không chướng ngại, không đắm-trước mà đặng chơn thật giải thoát.” (Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Văn Tự, thứ 13).


• Nếu hiểu điều này thì tốt. Nếu không hiểu được, thì “tránh suy nghĩ vô ích”, vì đã suy nghĩ thì phải suy nghĩ bằng văn tự trong đầu mình, tức là lại càng kẹt vào văn tự, không thoát ra được.
• Mẹ “không sinh không chết”: Vì mẹ, cũng như tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ, là một biểu hiện của Sự Thật, Chân Như, Như Lai, Phật tính, Vĩnh Hằng… như sóng là biểu hiện của đại dương. Sóng có và mất, nhưng đại dương luôn ở đó. Biểu hiện phù du thấy đó mất đó, nhưng Sự Thật thì thường hằng, luôn ở đó, không sinh không diệt.
Cho nên lấy cái nhìn bằng mắt mà nói thì mẹ có sinh có tử, nhưng lấy Sự Thật mà nói thì mẹ là (một phần của) Sự Thật, mẹ không sinh không tử, “mẹ đã xong việc ở đời này và bây giờ mẹ trở lại với Vĩnh Hằng.”
• Giáo pháp cũng chỉ là văn tự và lời nói, tức là không tuyệt đối được, và ta không thể mắc kẹt vào, chấp vào giáo pháp. Giáo pháp chỉ là phượng tiện giúp ta qua sông. Qua sông bỏ bè.


• Tánh thật (chân tánh) của con, cũng như của mẹ và của tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ, là Phật, là Sự Thật, là Chân Như, là Như Lai, là Vĩnh Hằng. Nếu con không biết được điều này, con chẳng hiểu được mẹ nói gì trong thơ.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.