Trong chương trình phát thanh kỳ này, Nguyễn Phương xin trình bày về tập tục gỗ Tổ cải lương, thường niên nhằm ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch, năm 2011, nhằm ngày 8 và 9 tháng 9 dương lịch là ngày giỗ Tổ cải lương.
Trước khi ra sân khấu trình diễn, các nghệ sĩ chấp tay, quay vào trong, xá Tổ ba cái rồi mới ra hát. Các nghệ sĩ cải lương và một số nghệ sĩ tân nhạc ở trong nước vẫn tuân thủ tập tục đó từ xưa đến nay, khi đi định cư nước ngoài, tôi thấy các nghệ sĩ ở bên Cali, bên Pháp, ở Canada hay ở Úc Châu vẫn theo cổ lệ của các nghệ nhân tiền bối, tôi mừng lắm. . .
Tôn giáo nào, ngành nghề nào cũng có những mỹ tục được người trong đạo hay trong giới đó tôn trọng, gìn giữ. Ví dụ, ta thấy Thiên Chúa có lễ Pâques, lễ Assomption ( Lễ Thăng Thiên ) Lễ Toussaint, lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh, vân. . .vân. . . Phật Giáo có 3 lễ lớn: Lễ Phật Đản, Lễ Thành Đạo, Lễ Tịch Diệt, có 3 ngày rầm lớn: Rầm Thượng Ngươn tháng giêng, Rầm Trung Ngươn Tháng bảy cúng xá tội vong nhân, Rầm Hạ Ngươn tháng 10 , Lễ Vu Lan, Cao Đài có Lễ Cao Đài Đạo Khai, Tam Tông Miếu có lễ Minh Lý Đạo Khai, phiá dân chúng thường dân có ngày lễ Cha( fête des pères) , ngày lễ Mẹ( fête des Mères), ngày Tình Nhân( Valentine ), ngày lễ chủ nhân, ( Fête des patrons ) lễ những người thợ ( fête des ouvriers) , người dân Việt Nam có lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Thánh Gióng, lễ Hai Bà Trưng. . . .v.v. . . Cải Lương cũng có ngày giỗ Tổ.
Nói tới cúng Tổ nghề, người ta thường liên tưởng đến tập tục của giới nghệ sĩ sân khấu , vì một lẽ dể hiểu là ở trong nước có hơn trăm đoàn hát cải lương và hát bội, mỗi đoàn có từ bốn đến năm, sáu chục nghệ sĩ và công nhân sân khấu, đó là chưa kể các nghệ sĩ hành nghề tự do trong các đài phát thanh, hãng dĩa, quán ăn có ca nhạc, các lớp dạy cổ nhạc, trường sân khấu kịch nghệ. Lễ cúng Tổ hàng mấy ngàn người, cùng cúng đồng loạt trong hai ngày, ở hàng trăm địa điểm, tự nhiên thấy rất là long trọng.
Trước hết, phải hiểu là cúng Tổ nghề là một tập tục cúng bái có tầm vóc quan trọng như việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình Việt Nam. Hồi xưa, mỗi dòng họ trong dân gian có một từ đường thờ gia tiên, mỗi triều đại của dòng Vua nào thì có Thái Miếu thờ Tiên Đế, mỗi phường nghề đều phải có miếu thờ vị Tổ Sư của nghề đó.
Vị Tổ Sư một nghề có thể là người phát minh ra nghề đó hoặc là người đầu tiên đem nghề đó ở một nơi khác, về truyền dạy cho dân chúng trong làng hay ở một vùng nào đó.
Người ta không những thờ cúng vị Tổ Sư như một hành động biết ơn công khai sáng mà còn là sự khẩn cầu xin bảo hộ cho nghề nghiệp và bảo hộ người đang hành nghề.
Tôi muốn nói về Tổ nghiệp sân khấu và các nghi lễ ngày xưa cúng Tổ như thế nào, vì hiện nay trong hoàn cảnh định cư nước ngoài, có nhiều người không còn nhớ hoặc không coi trọng tập tục cũ nữa. Tôi kể tỉ mỉ ra đây với hy vọng là lưu giữ lại một chút gì những tập tục cũ trong ngành sân khấu để mai sau các nhà nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dùng làm tư liệu trong chương trình nghiên cứu của mình. Các bạn trẻ sanh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài, khi nhìn về quê hương Việt Nam, có thể hiểu ngày xưa các bậc trưởng thượng của mình đã có một niềm tin như vậy để mà đeo đuổi theo nghề nghiệp, có niềm tin đó mới cống hiến cả đời mình và nhiều thế hệ nối tiếp để làm cho nghề hát ngày thêm tiến bộ hơn, hay hơn, xứng đáng có một vị trí trên nền văn hóa nghệ thuật của thế giới.
Theo tài liệu sử sách, Tổ nghề Hát Bội là Lý Nguyên Cát và Liên Thu Tâm. Liên Thu Tâm vốn là kép hát Trung Quốc được vua Lê Ngọa Triều giao cho dạy cung nữ cách hát tuồng từ năm 1005. Lý Nguyên Cát vốn là người Tàu theo đoàn quân Nguyên qua xâm lược nước ta, bị bắt làm tù binh. Vì Lý Nguyên Cát có tài hát xướng nên vua Trần dùng để dạy hát trong cung vua.
Không biết các đoàn hát bội ở miền Trung có thờ hai ông này không, chớ ở miền Nam thì thờ Ông Làng, giống như hát Tiều thờ Lão lang Quân.
Ở nhà Truyền Thống của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ ở số 133 đường Cô Bắc, Quận Nhứt, khánh thờ Ông Tổ làm bằng một loại danh mộc, chạm trổ rất công phu, bên trong có 12 cốt ông, tính đến nay có gần một trăm năm rồi, do bà Tám Đội tặng cho giới nghệ sĩ. Bà Tám Đội là một nhà phú hào, có đồn điền cao su ở Củ Chi và là chủ gánh hát bội và rạp hát tên là Rạp Bà Tám Đội ở đường Les Marins , nay là đường Trần Hưng Đạo Chợ Lớn, người bỏ tiền ra xây cất đình Phú Nhuận.
Theo khái niệm chung của những nghệ sĩ tiền phong trong nghề hát thì Tổ Nghiệp của nghề hát là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan tới sân khấu như các vịá: Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo Sư, Lão lang Thần ( tức Ông Làng theo cách gọi miền Nam) Thập Nhị Công nghệ, nghĩa là mười hai ông Tổ các ngành nghề như nghề thợ mộc, nghề dệt vải, ngành âm nhạc, nghề múa, nghề kim khí, nghề vẽ, vân. . . vân. . . Hồi xưa, các nghệ nhân không dùng danh từá: sân khấu là một ngành nghệ thuật tổng hợp, gồm có văn, thơ, họa, nhạc, vũ đạo, trang trí mỹ thuật như ngày nay, nhưng trong khái niệm chung về nghề hát, các nghệ nhân tiền bối đã biết đến công lao của những ngành nghề khác như nghề dệt vãi để may y phục hát, ngành kim khí làm gươm giáo, đạo cụ sân khấu, ngành vẽ ,vẽ phong cảmh. . .12 cốt ông là tượng trưng Thập Nhị Công Nghệ đó, tức là 12 ông Tổ của các ngành nghề có liên quan tới nghề sân khấu như vừa mới kể.
Hàng năm, đúng vào ngày 11 tháng 8 âm lịch thì lễ giỗ Tổ Sân Khấu. Đêm 11, lễ cúng chay với chè xôi, hoa trái. Sáng 12 là chánh lễ, cúng mặn với heo quay, gà luộc, bánh trái. Năm 2000 , tôi có về Việt Nam và đúng vào dịp cúng Tổ. Tôi có quây phim lễ cúng Tổ.
Quan khách và nghệ sĩ tề tựu đông đủ trước bàn thờ Tổ, mở đầu, ông chấp sự, là người đạo cao đức trọng, được người trong giới nghệ sĩ đề cử thay mặt làm lễ xây chầu, tức là lễ khai tràng. Ông Chấp sự nâng cặp roi trống chiến, xá ba cái, ban ba hồi thỉnh tổ .
.. . . . . . . . . . ( ba hồi trống chiến thỉnh Tổ ).. . . . . . . . . . . . .
Một hồi trống chầu , ba hồi trống chiến, vì vậy mới có câu: Đuôi trống Chầu là đầu trống chiến.
Ông Bầu , Bà Bầu, Hội Trưởng Cô Bảy Phùng Há vào niệm hương.. . .
(. Người xướng: Thỉnh Hương. Dâng Hương. . . Quỳ. . .bái. . .v. v. . )
Các năm xưa đến đây là có pháo nổ, lân múa từ ngoài vô lạy Tổ, năm nay chỉ có lân, không có pháo. Kế đó lễ Đại Bội truyền thống do các nghệ sĩ hát bội đoàn Tấn Thành Cầu Muối phối hợp với nghệ sĩ Bầu Thắng đình Cầu Quan múa Điểm Hương.
Mở đầu là Điểm Hương, một anh kép sắm mặt tướng, vai Thiên Lôi, cầm bó nhang đốt sẳn, múa bộ mở rộng, xoay bốn phương, tám hướng. Vai Thiên Lôi cắm nhang trên lư huơng bán thờ Tổ, chấp tay xá xá, lui ra. Trống vẫn đánh theo nhịp múa.
Múa Xang Nhật Nguyệt do một nam diễn viên mặc mãng bào, đội mão vua, tay cầm Mặt Nhựt, (1 tấm bảng vẻ hình mặt trời, có chữ Nhựt viết theo chữ nho), một nữ diễn viên sắm vai mụ văn, mặc mãng bào, đội mũ cữu phụng, tay cầm mặt Nguyệt, cả hai múa điệu Âm Dương phối họp.
Kế đó ba người sắm vai ba ông Phước Lộc Thọ , múa điệu múa Tam Hiền, chúc lành cho mọi người.
Tiếp theo, múa Ngũ Hành, một diễn viên đứng tuổi, sắm mặt đẹp, đội mão văn và bốn cô đào con, tượng trưng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, múa lễ tạ thánh Tổ, cầu an và chúc lành cho bá tánh.
Sau đó 4 võ tướng múa Tứ Thiên Vương, tượng trưng cho bốn Thiên Vương trấn giữ bốn cõi trời Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi Tứ Thiên Vương trụ bộ lại, xổ ra bốn cuộn liễng có viết 4 câuá: Quốc Thái Dân An, Phong Hòa Vũ Thuận, Hà Thanh Hải Yến, Nông Ngư Đắc Lợi. chúc mọi điều may mắn cho tất cả mọi người chớ không riêng gì giới nghệ sĩ.
Chót hết là Ông Địa ra múa, dâng liễng Gia Quan Tấn Tước. Từ sau 75 đến nay, ông Địa chỉ ra múa vui với lân, không dâng liễng Gia Quan Tấn tước nữa.
Trên đây là nghi lễ cúng Hội Kỳ Yên, tạ Thần Hoàng Bổn Cảnh, cúng Giỗ Tổ Hùng Vương, Cúng Giỗ Tổ Cải Lương, nói chung phần đầu nghi thức là cúng như vậy. Do đó ta thấy trong phần cúng tế các tiền nhân hay thánh thần, lời nguyện luôn luôn là cầu Thái Bình cho đất nước, dân được an cư lạc nghiệp, mưa thuận gió hoà, nông dân hay ngư phủ đều làm ăn phát đạt. Có lẽ các tiền nhân nghệ sĩ ngày xưa đã nghĩ rằng khi đất nước thái bình, dân an cư lạc nghiệp thì họ mới có tiền để coi hát, do vậy khi cầu cho nghề hát phát triển, bao giờ người nghệ sĩ cũng nhớ là phải cầu cho toàn dân an cư lạc nghiệp, đất nước thái bình.
Bầu không khí thật là trang nghiêm, khói hương bay quyện, các nghệ sĩ lần lượt vào lên hương, lạy Tổ theo thứ tự vai vế trong đoàn và thứ tự theo tuổi tác, kính lão đắc thọ.
Người nghệ sĩ hát bội và nghệ sĩ cải lương, trăm người như một đều có lòng thành kính tin Tổ Nghiệp. Dù nghệ sĩ đang ở Việt Nam hay đã đi định cư nước ngoài, bất kỳ ở đâu, khi nhớ ngày giỗ Tổ, khi có tổ chức giỗ Tổ thì mọi người đều tề tựu lại, chung phần tổ chức cúng Tổ. Còn một tập tục rất hay là hát hầu Tổ. Ngày xưa thì tập tục này rất được người trong giới tuân theo, bây giờ đơn giản hóa, có chỗ làm, có chỗ không.
Hát hầu Tổ là khi tề tựu, niệm hương, vái lạy xong, các diễn viên tùy theo niên kỹ, người lớn hát trước, tới xá Tổ rồi hát một câu hay một đoạn cho tổ nghe, câu hát mà người hát cho là hay nhứt. Xong rồi, tới người khác..
Trước hết là lão nghệ sĩ Minh Biện hát mấy câu trong vai Tạ Ôn Đình.
Nhạc và các câu hát hoặc trống, đờn của ngành hát bội.
Có nghệ sĩ chỉ cầm roi ngựa, biểu diễn lên yên, gò cương, tế ngựa...vân..vân..
Có nghệ sĩ múa một đường đao,
Có nghệ sĩ hát khách, hát một câu trong vai Lưu Bị cầu hôn giang tả.
Có người thủ vai Triệu Tử Long, múa thương đương dương trường bản.
Mỗi người chỉ hát một câu, múa vài điệu bộ rồi lui ra nhường cho người khác vào hát hầu Tổ. Nhạc, trống cứ tự do tấu cho cuộc biểu diễn tự do của nghệ sĩ.
Đổi nhạc hoà tấu cải lương.
Đến đây đến phần các nghệ sĩ cải lương.
Càng về khuya, anh em ăn nhậu rồi có người ngủ, dàn đờn cũng dẹp, không có đờn nữa, bởi vì đó là khuya rồi, có ông Năm Đại, ổng đi hát chầu về trễ, một mình ổng không có đờn trống gì hết, ổng ca một câu bái trước Tổ rồi ổng thổi kèn miệng…
Lệ hát hầu Ông trong lễ giỗ, mang một ý nghĩa rất tốt đẹp. Đây là dịp mà các đào kép đem hết khả năng ca diễn của mình, nói là hát cho Tổ coi, thật ra có ý tôn sư trọng đạo, trình cho các bậc đàn anh đàn chị nghệ sĩ thấy sự tiến bộ của từng người, và đặc biệt cho các ông Bầu, ông Nhưng, Thầy tuồng đánh giá khả năng của từng người để giao vai tuồng mới, để định vị trí diễn viên. . .
Tôi nghĩ, loại trừ một vài yếu tố có tính cách mê tín trong hình thức tổ chức nghi lễ, tục lệ giỗ Tổ của giới sân khấu cũng như các ngành nghề khác biểu hiện lòng Tôn Sư Trọng Đạo, Uống Nước Nhớ Nguồn, đó là truyền thống của dân Việt Nam. Lễ Giỗ Tổ theo tôi là nên duy trì, bảo tồn để kết chặt tình tương thân tương ái giữa những người làm nghệ thuật hoặc giữa những đồng nghiệp với nhau.
Soạn giả Nguyễn Phương
Theo: RFI Tiếng Việt