Phân phối chương trình trung học ngày xưa mô phỏng chương trình giáo dục của người Pháp. Người ta nghĩ rằng học sinh ở Pháp học thế nào thì học sinh VN cùng lứa tuổi và cùng cấp học cũng nên học như vậy. Vì vậy, học sinh VN sau 11 năm học đã thi đậu tấm bằng tú tài 1 (baccalauréat 1) thì bắt buộc phải chốt lại toàn bộ kiến thức về các khoa học đã được học trước đó để dọn mình lên lớp đệ nhất, học thi tú tài 2 (baccalauréat 2). Lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 ngày nay) không học môn văn nữa mà phải học môn triết. Triết học được định nghĩa là khoa học của các khoa học (La philosophie est science des sciences).
Giáo trình triết học lớp đệ nhất gồm 3 hoặc 4 môn tùy theo phân ban. Môn tâm lý học học về thế giới tâm lý, nội quan, ngoại quan, ý thức, vô thức, tâm phân học, cảm xúc, đam mê, liên tưởng, tập quán, tưởng tượng… nhằm giúp cho học sinh “vệ sinh tinh thần” tâm hồn mình. Môn đạo đức học học về hành vi đạo đức, ý thức đạo đức, công bằng, bác ái, bổn phận, trách nhiệm… nhằm giúp học sinh biết thương yêu, biết chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Môn luận lý học học về các nguyên tắc căn bản của lý trí, các phương pháp tổng hợp, phân tích, diễn dịch, triết lý toán học, triết lý khoa học tự nhiên…
Nó nhằm giúp cho học sinh đắc thủ phương pháp lý luận thuần lý. Ba môn này dạy ở các ban A (vạn vật, lý, hóa), B (toán, lý, hóa), C (triết học, Anh, Pháp) và D (triết học, ngoại ngữ, cổ ngữ Latin). Riêng hai ban C và D học thêm 12 tiết siêu hình học; nội dung gồm thuyết tiến hóa, vấn đề linh hồn, tôn giáo, đa thần giáo… Bất cứ vấn đề nào của bốn môn trên, học sinh cũng phải học cách lý luận đi từ chính đề (thèse), qua phản đề (antithèse) rồi đi tới hợp đề (synthèse).
Bộ Giáo dục chế độ cũ không in sách giáo khoa. Mỗi nhà giáo ra trường phải biết mình dạy môn gì, cấp lớp nào, môn ấy gồm những nội dung nào, phương pháp soạn bài ra sao. Phần viết sách giáo khoa được giao cho các nhà giáo đang thực sự dạy trung học, chỉ yêu cầu sách giáo khoa phải có tính phổ quát, bám sát các nội dung cần giảng dạy.
Thí dụ sách giáo khoa triết lớp đệ nhất phải bám sát các nội dung mà chúng tôi vừa giới thiệu và câu định nghĩa “Triết học là khoa học của các khoa học”. Tác giả nào viết sách giáo khoa không hay, khó hiểu, dài dòng thì tự bị thị trường đào thải. Sách giáo khoa nào xem ra có vẻ đắt tiền mà kiến thức không có gì mới (so với sách khác) thì thị trường cũng tự nhiên đào thải. Chính cái tinh thần tự do sáng tạo ấy đã khuyến khích công việc viết sách giáo khoa phát triển.
Bản thảo những quyển sách giáo khoa sẽ được nộp lên cho Nha Tu thư duyệt, xem có phù hợp với lứa tuổi, cấp học, đầy đủ nội dung theo yêu cầu không. Nếu không có vấn đề gì, họ đồng ý cho nhà xuất bản hoặc tác giả in và in bao nhiêu bản cũng được.
Tất cả sách giáo khoa chỉ được phép bán cho học sinh theo hệ thống thị trường; nghiêm cấm tình trạng gửi sách của mình qua trường khác, tỉnh khác nhờ bạn đồng nghiệp bán giúp. Đó là nguyên tắc “ai mua sách cứ ra hiệu sách”. Ngày ấy, không có tình trạng lu bu đưa sách vào trường bán; mua sách của người này, không mua sách của người kia. Nhà giáo viết sách giáo khoa chỉ có một cạnh tranh duy nhất là cạnh tranh về chất lượng.
Học sinh nào thông minh, chăm chỉ có quyền không mua sách giáo khoa, chỉ học theo bài thầy giảng trên lớp. Sách tham khảo cho học sinh chỉ tập trung trong ba môn toán, lý và hóa; chủ yếu nhắm vào các lớp thi. Đó là những đề toán, lý, hóa ra trong các kỳ thi tú tài 2 ở Pháp và các nước thuộc khối Pháp ngữ.
Ngày ấy, giáo sư triết (tên gọi của nền giáo dục cũ) rất hiếm và thiếu. Từ năm 1970, các trường đại học sư phạm không đào tạo giáo sư triết nữa. Đại khái, những thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế… có hai, ba hoặc bốn vị. Mỗi tỉnh còn lại chỉ có một người.
Người ấy phải tốt nghiệp chuyên ngành triết; có nhiệm vụ dạy môn triết chính ở trường công lập (ăn lương); ngoài ra còn có nghĩa vụ phải đi thỉnh giảng ở các trường tư thục, Bồ Đề, bán công trong tỉnh (hưởng tiền thỉnh giảng). Ai không làm tròn nhiệm vụ dạy chính và nghĩa vụ thỉnh giảng phải chịu kỷ luật. Thí dụ tỉnh Bạc Liêu chỉ có một mình tôi, dạy ở trung học công lập 6 lớp (24 giờ); thỉnh giảng trường bán công 2 lớp (8 giờ), trường Bồ Đề 2 lớp (8 giờ). Cộng lại, mỗi tuần tôi dạy 40 giờ, “quần thảo” cả sáng, chiều và tối.
Nhà giáo nào không có nhã hứng viết sách giáo khoa triết, có thể bảo học sinh ra hiệu sách chọn mua sách của các tác giả khác về học. Từ năm 1970, các nhà giáo viết sách giáo khoa triết cho bậc trung học có thể kể đến: linh mục Cao Văn Luận (Huế), ông Trần Văn Hiến Minh (Huế), ông Nguyên Sa (nhà thơ Trần Bích Lan – Văn Hiến, Sài Gòn), ông Vĩnh Đễ (Gia Long – Sài Gòn), tôi – Vũ Đức Sao Biển (Trung học Bạc Liêu)… Học sinh có toàn quyền chọn mua sách giáo khoa triết của bất cứ ai; miễn là phải học, phải hiểu và… thi đậu. Nhà giáo không được đứng ra bán sách của mình và không được buộc học sinh phải mua sách của mình.
Bộ sách giáo khoa của tôi viết năm 1972 tại Bạc Liêu có tên là Triết học toàn thư, gồm 3 quyển tâm lý học, đạo đức học và luận lý học. Học sinh tỉnh Bạc Liêu và vài tỉnh lân cận cũng thường dùng quyển sách này. 39 năm sau (2011), Nhà xuất bản Trẻ đã cho dọn lại bộ sách này ngắn gọn hơn, dễ hiểu hơn và in ra với cái tựa đề mới Hướng đến chân thiện mỹ – triết lý dành cho tuổi thanh niên. Quyển sách được các bạn thanh niên mua đọc và thích bởi nội dung của nó rất mềm mại, chẳng có gì là “cứng” như sách giáo khoa cả. Có thể gọi quyển sách giáo khoa này là quyển sách đầu tay của đời tôi.
Bạn hỏi, một quyển sách giáo khoa hình thành từ những cơ sở nào? Thứ nhất, nó là một sự hiện thực hóa những cái “toa căn bản” mà người sinh viên sư phạm đã được học trong trường đại học sư phạm. Thứ hai, nó là một sự phong phú hóa những nội dung cứng mà Nha Tu thư yêu cầu nhà giáo phải giảng dạy trong từng cấp lớp, từng lứa tuổi.
Thứ ba – mà điều này rất quan trọng – nó phải tích lũy được những kinh nghiệm của nhà giáo khi lập thang điểm và chấm thi bộ môn cấp quốc gia của nhà giáo. Ngày ấy, toàn bộ bài thi của văn bằng tú tài 1 và tú tài 2 từ Quảng Trị tới Cà Mau phải tập trung về Sài Gòn chấm. Tất cả bài thi đều cắt phách; nhà giáo không biết mình chấm bài của thí sinh trường nào, tỉnh nào.
Nhà giáo dạy môn nào thì chấm thi môn ấy. Trong quá trình lập thang điểm và chấm thi, các nhà giáo cùng bộ môn trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm để điều chỉnh cách dạy và cách viết sách giáo khoa của mình. Ai dạy hay dở ra sao; ai viết sách giáo khoa hay dở ra sao đều có thể tự đo lại năng lực của mình khi ráp phách lên mâm điểm cho thí sinh. Chuyện điều chỉnh là tự nhà giáo lo. Ngành giáo dục không tập trung nhà giáo bộ môn lại để tập huấn hay học chuyên môn gì cả.
Đối với học sinh, động cơ mục đích học rất rõ ràng. Họ phải học và thi đậu bằng tú tài 2 mới mong vào đại học, tiếp tục con đường học tập. Em nào có hoàn cảnh ngặt nghèo, đậu tú tài 2 có thể xin việc làm, kể cả làm nhà giáo dạy từ lớp đệ tứ trở xuống ở các trường tư thục. Nữ sinh rớt tú tài 2 cũng chưa sao nhưng nam sinh rớt thì thật khốn đốn bởi sẽ bị bắt lính ngay.
Đậu tú tài 1 có thể đi Thủ Đức ra chuẩn úy nhưng rớt thì phải đi trung sĩ! Có thơ làm chứng như vầy “Rớt tú tài, anh đi trung sĩ/Em về nhà lấy Mỹ nuôi con/Khi nào yên chuyện nước non/Anh về, anh có Mỹ con anh bồng”. Người thanh niên nào không muốn… bồng nhầm Mỹ con thì phải ra sức học.
Chuyện học triết, dạy triết và viết sách giáo khoa triết trở thành một vốn liếng quý giá đối với riêng tôi. Tôi thẩm thấu được nhiều thứ khoa học trên đời. Tôi tự rèn luyện những kỹ năng lý luận thuần lý. Tôi đã dùng các thứ đắc thủ được để sau này làm một nhà báo. Chưa được học một giờ nào về nghiệp vụ báo chí, tôi chỉ nhờ có “nội công” đa dạng và “chiêu thức” khinh linh để viết báo mà thôi.
Vũ Đức Sao Biển / Thanh Niên