Monday, October 15, 2018

DƯƠNG LIỄU CHI TỪ - ĐÀO TẤN


Dương liễu chi từ kỳ 2 - Đào Tấn

Hàn thực đông phong dĩ mãn thành, 
Tiểu chi tiêm nhược phất đề oanh. 
Đông quân bất tích ly nhân khổ, 
Hựu hướng tiền niên chiết xứ sinh.


楊柳之詞其二 - 陶進

寒食東風以滿城, 
小枝纖弱拂啼鶯. 
東君不惜離人苦, 
又向前年折處生.


Bài ca cành liễu kỳ 2 (Người dịch: Xuân Diệu)

Gió đông "hàn thực" ngập đầy thành 
Cành tơ mềm mại vẫy chim oanh 
Chúa xuân chẳng xót người ly cách 
Ngay nơi chỗ bẻ nẩy chồi xanh


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Đào Tấn (1845 - 1907), tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang và Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng, là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông được coi là ông tổ hát bội và là vị tổ thứ 2 trong 3 vị tổ nghề sân khấu Việt Nam (Phạm Thị Trân, Đào Tấn & Cao Văn Lầu). Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Công Bộ Thượng thư.

Ông tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (tức 3 tháng 4 năm 1845), tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Do tránh quốc húy nên bỏ chữ Đăng, nên gọi gọn Đào Tấn.


Ông thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng trong đầu thế kỷ XVII. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.

Thuở nhỏ, ông thọ giáo với cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân (nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện); không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ ấy.

Năm 23 tuổi, ông đỗ thứ 8 Cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, dù văn tài xuất chúng, ông không vượt được kỳ thi hội tiếp theo đó.

(theo Wikipedia)