Sau cuộc nội chiến thì làn sóng di dân mới đến từ Ý, Nga, Áo, Hungary và Ba Lan. Cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Châu Âu đã làm dư thừa nhân công. Các thành phố Châu Âu trở nên đông đúc chật chội, trong khi số tầng lớp trung lưu và lao động ngày càng đông. Di dân tin rằng với kinh nghiệm họ sẽ tìm thấy tương lai nơi miền Tân Thế Giới mảnh đất trù phú đầy hy vọng. Nước Mỹ được xem là Miền Ðất Hứa, là “Miền đất của sữa và mật ong”, là “Vườn Ðịa Ðàng”. Nơi họ sẽ được tự do truyền thông, tự do tôn giáo và tự do làm chính trị. Với một hệ thống quảng cáo từ nước Mỹ đến cả Châu Âu, các công ty vận chuyển hành khách đường biển, các tổ chức di trú tư nhân, các công ty địa ốc và hỏa xa. Báo chí, sách hướng dẫn từ các tác giả “mục sở thị” đã đến Mỹ và trở về Châu Âu đã quảng bá cho miền đất hứa này. Trong số đó dĩ nhiên có các thông tin sai lạc và thêu dệt, nhằm thu hút di dân, gia tăng lợi nhuận.
Hình ảnh di dân trên một chuyến tàu tới Mỹ
Hành trình đường biển của di dân thật gian khổ, nhất là hành khách vé hạng 3. Họ phải đối diện với hiểm nguy sóng gió, bão tố. Họ biết rõ hải trình là chuyến đi một chiều, lìa bỏ quê cha đất mẹ, lìa bỏ một cố quốc yêu dấu, lìa bỏ những tình yêu mặn nồng. Chẳng mấy ai hẹn ngày về, chẳng mấy ai hứa trọn lời thề. Thủ tục và giấy tờ xuất – nhập cũng đầy vất vả. Bắt đầu bằng visa xuất cảnh. Các khai báo về tài sản thế chấp hoặc tư trang để trang trải cho chuyến tàu, sau đó là đóng gói hành lý mang theo. Phần lớn là các va-li, các thùng gỗ có dây cột mang trên vai. Các di dân ở trong đất liền phải mất nhiều lần vận chuyển theo xe ngựa, xe bò, tàu lửa, đường sông đến bến cảng. Ở đó họ phải đối phó với trộm cắp, kẻ gian lừa bịp và cả nhân viên chính phủ ăn chận, gây khó khăn đòi tiền. Khó khăn thực sự khi tàu nhổ neo. Với hải trình dài 2, 3 tháng trời trong những con tàu gỗ cũ kỹ với cánh buồm vải lớn trong trùng khơi bão tố. Ðiều kiện sinh hoạt trên tàu rất tệ từ thức ăn cho đến vệ sinh và chỗ nằm, nhất là khoang chứa hạng 3 dành cho giới bình dân, nơi vừa túi tiền cho đa số di dân. Một số đã chết trên đường đi do bệnh tả, lỵ, thương hàn, lao và cả say sóng. Tàu đắm do bão tố và hư hỏng. Cho đến những năm 1870 thì các tàu chạy bằng hơi nước và bọc thép mới cải thiện hành trình vượt Ðại Tây Dương an toàn và nhanh chóng hơn, chỉ qua 2 tuần lễ.
Với 13 thuộc địa dọc bờ đông, nước Mỹ có nhiều cảng nhập cảnh, nhưng New York là nơi bận rộn nhất. Thoạt đầu, sau khi tàu vào cảng New York, một bác sĩ từ Văn phòng Kiểm dịch ở Staten Island sẽ chèo thuyền nhỏ lên tàu còn đậu giữa biển, khám xét di dân xem có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm. Nếu di dân vượt qua lần khám xét này, họ sẽ được cho lên bờ để làm thủ tục hải quan. Ở cảng New York, di dân luôn bị bao vây bởi các đám du côn, lừa đảo, nhân viên môi giới, cò mồi địa ốc và việc làm, đổi tiền và khuân vác… Hoàn cảnh tồi tệ này cũng như sự than phiền về sinh hoạt trên tàu, buộc chính phủ tiểu bang phải lập ra bộ phận kiểm soát và luật lệ nghiêm ngặt hơn, sở di trú mới xây năm 1855 gọi là Castle Garden ở chóp đất phía Nam Manhattan. Một tài liệu ghi lại vào năm 1856: “…sau bữa ăn đầu tiên trên bờ, họ (di dân) được tắm rửa trong những buồng tắm lớn, sau đó được hướng dẫn chi tiết trong trật tự đi qua các hành lang dài dọc bến cảng. Các nhân viên hải quan và thông dịch làm việc điều tra, các lá thư giới thiệu được trao, tiền bạc được khai báo và các bước hướng dẫn cho việc định cư bắt đầu…”
Miền Tây hoang dã là trọng tâm gợi ý và khuyến khích cho di dân. Tờ New York Herald tháng 5, 1856 viết: “Thật tốt khi thấy các di dân đến sau này trông khá giả hơn các đợt trước đây. Họ mang theo trung bình 72 đô mỗi người. Hãy để họ đến, nhưng đừng để họ xía vào chuyện chính trị trong 5 năm. Còn rất nhiều chỗ cho họ ở Miền Tây.”
Kiểm tra sức khỏe của di dân, Ellis Island, New York, 1920
Sau khi rời New York và các thành phố miền Ðông, di dân đi về miền Tây rồi theo các nhánh sông Missouri, Mississippi đi đến St. Louis, nơi cổng vào Miền Tây hấp dẫn gọi mời. Khi cuộc nội chiến xảy ra, làn sóng di dân chựng lại, nhưng khi nội chiến kết thúc thì lại rộn ràng. Ðó là những năm 1870 và 1880, có đến 14 triệu di dân đến Mỹ. Một số theo các quảng cáo và gọi mời từ khi có Ðạo luật đất ngụ cư năm 1862. Một số khác tìm tự do, thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi và xã hội tù túng ở quê mẹ. Người Nga, Thụy Ðiển, Na Uy thì đến Minnesota và Dakota. Người Ðức và Pháp thì về Kansas và Nebraska. Nước Mỹ là quê hương mới cho tất cả.
Ðến năm 1890 thì làn sóng di dân lên đến đỉnh cao. Nhiều chuyến tàu phải xếp hàng đợi ngoài khơi hàng tuần trước khi có chỗ cho hải quan làm việc đợt tàu kế tiếp. Ellis Island cấp tốc được xây dựng từ một cù lao nhỏ 3 mẫu đất, sau đó diện tích đảo được tăng gấp đôi bằng đất đào tàu điện ngầm ở New York. Ngày 1 tháng Giêng 1892, Sở di trú đầu tiên lớn nhất nước Mỹ chính thức mở cửa. Ba tàu lớn chở di dân đợi ngoài bến. 700 di dân đi qua cửa hải quan này trong ngày đó và 450 ngàn người di dân đến sau trong năm 1892. Tháng 6, 1897 hỏa hoạn làm thiêu hủy cơ sở và các hồ sơ di trú trước năm 1855, Sở được xây cất lại với mái nhà chống cháy, kiến trúc giống ga xe lửa. Gồm có 1 phòng lớn chứa hành lý, một phòng ăn cho 1 ngàn người, nhà bếp rộng thênh thang, một tòa nhà với 600 giường cho tạm trú, một bệnh viện lớn, có vườn cảnh giải trí rợp cây xanh và gió biển, và cả sân chơi trên sân thượng.
Một gia đình di dân trên bến cảng Ellis Island. 1925 nhìn qua New York. Ảnh: Getty Images
Khi tàu đến cảng New York, các hành khách vé hạng 1 và 2 sẽ được nhân viên hải quan khám sơ qua giấy tờ trên tàu rồi đi thẳng vào New York. Riêng các di dân vé hạng 3 sẽ bị đưa vào Ellis Island, họ được dẫn vào một sảnh đường lớn, bước qua các con mắt khám xét của bác sĩ, việc này chỉ xảy ra trong 6 giây. Những người bị tình nghi hay có dấu hiệu sức khỏe sẽ bị vạch phấn lên vai áo, và bị dẫn đi riêng vào khu điều tra. Di dân sẽ bị hỏi về giấy tờ, khám sức khỏe tổng quát và các dấu hiệu của bệnh tâm thần, truyền nhiễm. Trong vài năm sau các bác sĩ còn đưa ra những test mà di dân phải làm để loại ra những thành phần đần độn, thiếu đạo đức, vô chính phủ hay tội phạm hình sự. Số di dân này sẽ bị giữ lại và trả về cố quốc. Dầu vậy, con số bị trả về rất thấp, chỉ chừng 2 phần trăm trong số 12 triệu di dân đến Mỹ từ 1892 đến 1954. Số di dân không bị vạch phấn sẽ đi vào sảnh đường lớn. Ở đó họ sẽ xếp hàng làm thủ tục hải quan, mất khoảng 3 đến 4 giờ. Họ sẽ khai báo bằng 29 câu hỏi trên tờ đơn, bao gồm tên họ, nghề nghiệp và số tiền mang theo… Làn sóng di dân vẫn tiếp tục lên cao, đảo được bồi thêm rộng hơn 27 mẫu, với một bệnh viện lớn, một trại biệt lập chữa các bệnh truyền nhiễm, một trại tâm thần. Ngày 17 tháng 4, 1907 là ngày kỷ lục với 11,747 di dân đến và năm đó có số di dân đến hơn 1 triệu người. Một phần ba số di dân ở lại New York, số còn lại tỏa về khắp nước.
Vai trò cửa ngõ của Ellis Island suy giảm vào năm 1920 khi mà chính sách nhập cư của Mỹ dần khó khăn, các miền đất Miền Tây có đầy chủ mới và sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt cùng hoàn cảnh thế giới đi vào cuộc Thế chiến thứ I đầy xung đột. Luật Di trú khắt khe năm 1924 giới hạn tổng số di dân và đặt ra những hạn ngạch dựa trên quốc tịch đã giảm mạnh số di dân. Vào năm 1925, chính phủ Mỹ đã dần chuyển mọi hoạt động điều tra di trú đến các sở tại, ở các lãnh sự quán. Ellis Island đóng cánh cửa, trở thành trại tạm giam để điều tra và gởi về nước các tội phạm, các phần tử cực đoan, những người cộng sản. Hòn đảo trở thành trại giam 1,500 tù binh trong Thế chiến II và cuộc chiến tranh lạnh.
Trong số những di dân qua cửa khẩu này có nhiều nhân vật nổi tiếng như danh hề Bob Hope (1908), diễn viên ma cà rồng Bela Lugosi (1921), và tài tử đẹp trai Cary Grant (1920)…Ước chừng 40% công dân quốc tịch Mỹ có nguồn gốc tổ tiên đến từ Ellis Island. Ðối với phần lớn di dân, Ellis Island là hòn đảo của hy vọng, nơi tượng Nữ Thần Tự Do làm ngọn hải đăng soi đường hạnh phúc…Nhưng nơi này còn được xem là hòn đảo của nước mắt, nơi chứng kiến bao cuộc chia tay nghìn trùng.
Sean Bảo