Tôi không thích bàn về chánh trị nhưng có một bài này đọc nghe thì thấy có lý lắm nên post cho các bạn đọc chơi. Ai đọc không vô thì bỏ qua và đừng comment vì tôi sẽ xóa nha:
CÂU CHUYỆN TIỆM VÀNG VÀ NGHỆ THUẬT CAI TRỊ
Báo chí hôm nay phản ánh câu chuyện đổi từ 100 đô la sang tiền Việt xảy ra ở Cần Thơ, người bán là anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng và chủ tiệm vàng mua vào bị phạt 80 triệu đồng dường như cho thấy, các quy định pháp luật Việt Nam luôn đặt người dân vào tình trạng “buộc phải vi phạm pháp luật”.
Bởi lẽ, hoạt động mua bán, trao đổi ngoại tệ là một tập quán thương mại đã được hình thành hơn cả ngàn năm trước kể từ khi có giao thương quốc tế. Tập quán này ra đời ngay cả khi chưa có luật điều chỉnh và được duy trì mãi đến tận ngày nay.
Tại Việt Nam, ai cũng biết – và trên thực tế không có một tiệm vàng nào mà không thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ. Mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng ở Việt Nam hoạt động công nhiên đến mức có thể làm cho nhiều người lầm tưởng nó là một hoạt động hợp pháp.
Trong khi đó luật pháp Việt Nam quy định hình phạt rất nặng đối với hành vi này. Theo đó, tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, và tịch thu toàn bộ số ngoại tệ đã mua bán, và có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Tổ chức được phép thu đổi ngoại tệ theo luật hiện nay duy nhất chỉ có các Ngân hàng (và các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng). Các Ngân hàng mua vào ngoại tệ với tỉ giá luôn thấp hơn thị trường tự do ở các tiệm vàng, nhưng khi bán ra lại ngang ngửa với các tiệm vàng và kèm theo yêu cầu người mua vào phải làm hồ sơ, phải giải trình lý do của việc mua ngoại tệ và các giấy tờ kèm theo để chứng minh. Chính sách đi mua ngoại tệ hợp pháp chẳng khác nào đi xin.
Với các quy định này rõ ràng người dân sẽ tìm đến thị trường tự do là các tiệm vàng khi cần mua bán ngoại tệ, bất chấp việc này là phạm pháp.
Từ đó có thể nói rằng, không một sự tồi tệ nào hơn khi người dân phải giải quyết nhu cầu và tìm kiếm lợi ích chính đáng của mình không phải bằng cách tuân thủ pháp luật, mà lại là thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Từ vấn đề này đưa đến một câu hỏi lớn hơn, vì sao Luật ra đời lại muốn biến người dân thành những người phạm pháp hoặc những người phạm pháp tiềm năng? Mục đích của nó để làm gì? Và khi nó diễn ra sao xã hội không loạn?
Câu trả lời có tất cả trong câu chuyện tiệm vàng mua bán ngoại tệ. Nơi nào có tiệm vàng là nơi đó có sự vi phạm về mua bán ngoại tệ. Dù sự vi phạm này mang tính phổ biến và công nhiên ở tất cả các tiệm vàng, nhưng thực tế là các cơ quan chức năng tiến hành bắt và xử lý các trường hợp này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ra luật là để cấm. Dù cấm nhưng giả lơ để mọi người làm. Khi cần mới mang ra xử. Đó chính là “nghệ thuật cai trị”!
Sức mạnh của chính quyền là ở điểm đó. Nó được tạo dựng không phải nằm ở chỗ người dân tuân thủ pháp luật, mà nằm ở nơi người dân luôn có sự vi phạm pháp luật. Rõ ràng, khi người dân có sự vi phạm pháp luật do sự khách quan bởi luật gây ra, muốn yên thân, họ cần biết phải làm gì đối với hệ thống chính quyền. Điều phải làm không gì khác ngoài sự phục tùng và sự o bế giới chức chính quyền, bằng không sẽ gặp rắc rối bất kỳ lúc nào.
Thật sự việc bắt các hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép diễn ra tại các tiệm vàng là vô cùng dễ dàng, vì tiệm vàng nào cũng trang bị camera an ninh ghi lại mọi hoạt động của tiệm. Điều này vô tình cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi khi cơ quan chức năng muốn tiến hành bắt các hoạt động này.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “nuôi cho béo, rồi thịt”. Nhưng đừng quá lo lắng, vấn đề này sẽ được giải quyết bởi “nghệ thuật cai trị” của giới chức chính quyền. Họ có thể xem bạn là người yêu hoặc người thân thuộc để sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của bạn, hay họ sẽ xem bạn là một miếng mồi ngon đợi ngày “xẻ thịt” là hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và cách thể hiện tình cảm của bạn dành cho họ.
Giờ thì, những người đã phạm luật hay những người phạm luật tiềm năng, chắc các bạn đã biết cần phải làm gì…
LS. PHẠM LÊ VƯƠNG CÁC