Saturday, October 20, 2018

VỀ CÂU ĐỐI “AI CÔNG HẦU, AI KHANH TƯỚNG…”

Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim và Việt Nam thơ văn hợp tuyển của học giả Nguyễn Hiến Lê là những công trình tin cậy về lịch sử và văn học sử. Cả hai sách này đều có chép chuyện về hai nhân vật lịch sử Ngô Thời Nhiệm, Đặng Trần Thường và lai lịch câu đối nổi tiếng trong kho tàng câu đối Việt Nam. 


Người ra vế đối là Đặng Trần Thường:

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ hơn ai

Ngô Thì Nhậm đối lại:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế

Câu đối có nhiều dị bản nhưng hai câu trên đây phổ biến nhất.

Xin mở ngoặc về tên gọi nhân vật Ngô Thì Nhậm. Có sách, tên đường phố viết là Ngô Thời Nhiệm, lý do là vì kỵ húy vua Tự Đức có tên là Hồng Nhậm và Nguyễn Phúc Thì nên phải cải tên thành Ngô Thời Nhiệm.

Có chuyện rằng khi Ngô Thời Nhiệm ra làm quan triều Tây Sơn, Đặng Trần Thường có vào nhờ Nhiệm tiến cử nhưng thấy vẻ khúm núm của Thường nên Ngô nói: Ở đây cần dùng người vừa có tài, vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác. Thường ôm mối hận này vào Nam theo phò Nguyễn Ánh, lập được nhiều công trạng. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, bổ Thường làm Binh bộ Bắc Thành, tức Thăng Long và sau lên đến Binh bộ thượng thư.

Khi Ngô Thời Nhiệm bị bắt, giải về Văn miếu trị tội. Trước khi đánh bằng roi, Đặng Trần Thường ra vế đối trên, Ngô Thời Nhiệm đối lại. Thường bảo Ngô phải sửa “thế đành theo thế”, Ngô không sửa, Thường tức giận sai đánh bằng roi có tẩm thuốc độc nên sau đó Ngô Thời Nhiệm phải chết.

Cuối đời Đặng Trần Thường là cả một bi kịch. Hai lần ông bị Gia Long kết tội, giam vào ngục, nên làm bài Hàn tôn vương phú bằng quốc âm, ví mình như Hàn Tín thời Lưu Bang Hán Cao Tổ, sau bị xử giảo.

Câu chuyện có tính lô gic như trên được lưu truyền, ai cũng tưởng là chính sử nhưng niên đại trải qua của hai ông cho thấy có nhiều điều không ổn. Ngô sinh năm 1746, Đặng sinh năm 1759, hơn nhau 13 tuổi, có sách nói là bạn của nhau thì không phải. Năm 1775, Ngô Thời Nhiệm đỗ tiến sĩ thì Thường mới đi thi tứ trường (cử nhân) nhưng cha mất nên không đi thi. So sánh thời gian, tuổi tác, hành trạng thì Ngô và Đặng khó có thể quen biết nhau trước khi Ngô Thời Nhiệm bị giải ra Văn miếu trị tội năm 1803.

Sách Tuyển tập thơ Ngô Thời Nhiệm của hai tác giả Cao Xuân Huy và Thạch Can có viết trong lời giới thiệu: Câu chuyện và đôi câu đối giữa ông và Đặng Trần Thường chỉ có thể là một giai thoại do nhân dân dựng lên, cho đến nay chưa có một văn bản nào chính thức xác nhận sự có thật của hai vế đối đó. Xét về giá trị văn chương thì không có gì tỏ ra là sản phẩm của những người có trình độ nho học cao đẳng như Ngô và Đặng. Học giả Nguyễn Văn Xuân đặt vấn đề: Hai vị khoa bảng như hai ông Ngô và Đặng, có tài giúp hai vua thuộc vào hàng trọng thần, không thể vì hiềm khích cá nhân mà sai đánh đối phương bằng roi tẩm thuộc độc, trong khi với Phan Huy Ích thì không, Đặng không tiểu nhân đến vậy.


Khi cho là một sản phẩm dân gian thì câu đối lại càng thêm có sức sống, thể hiện qua nhiều dị bản và nhiều chi tiết. Như Ngô trước khi chết, có làm bài tứ tuyệt và kết cục Thường như Hàn Tín:

Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp ai ương?


Và Đặng Trần Thường bị chính Gia Long giết chết như Hán Cao Tổ giết Hàn Tín. Giai thoại câu đối bênh vực Ngô Thời Nhiệm, điều này có lý do vì Ngô là trọng thần Quang Trung Nguyễn Huệ, người anh hùng đánh tan 29 vạn quân Thanh. Có chi tiết này là chính sử: Khi vua Quang Trung mất, Ngô về kế tục Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang làm đệ tứ tổ Thiền phái Trúc Lâm. Một người hạnh như vậy, nhân dân bênh vực là phải, chưa kể những chiếu, hịch của vua Quang Trung do ông viết…

(trích trong gacvandongnai.blogspot.com)