KHANG HI NGŨ ĐÀI SƠN TẦM PHỤ BÍ SỬ
Khang Hi 康熙 tên Ái Tân Giác La . Huyền Diệp 爱新觉罗 . 玄烨, con thứ 3 của Thanh Thế Tổ Thuận Trị 清世祖顺治, sinh năm 1654. Ông là hoàng đế đời thứ 2 của triều Thanh khi đã vào trung nguyên.
Khang Hi lên ngôi lúc 8 tuổi, trong thời gian trị vì, ông luôn nhớ đế tiên hoàng Thuận Trị, phụ thân của mình. Khang Hi thường hỏi mẫu thân:
- Cha đi đến nơi nào rồi? Mẹ có biết không?
Mẫu thân của Khang Hi nhũ danh Niệm Cẩm 念,锦 là một phụ nữ thông minh. Bà biết hoàng đế Thuận Trị thích những nơi xa vắng yên tĩnh, thích du lãm danh sơn đại xuyên, thường ngày luôn nhắc đến phong cảnh đẹp và yên tĩnh ở vùng Ngũ Đài sơn 五台山. Nhân đó, khi Khang Hi một lần nữa hỏi về tung tích của phụ thân, bà liền đáp rằng:
- Cha con xuất gia. Nếu con muốn tìm ông ấy, thì có thể đến vùng Ngũ Đài sơn hỏi thăm thử.
Khang Hi nghe qua lời mẫu thân tin đó là thật, quyết định đi đến Tam Môn hiệp 三门峡tìm phụ thân. Ông cởi bỏ hoàng bào, thay vào bộ thường phục, giả trang thành bách tính bình thường, sau đó từ biệt mẫu thân, đi đến Ngũ Đài sơn.
Khi Khang Hi đến Ngũ Đài sơn, nhìn thấy sông núi nơi đây mĩ lệ, hiệp cốc hùng vĩ, nước Hoàng hà tung lên đến hiệp khẩu, chảy xuôi ngàn dặm. Cảnh sắc tự nhiên mĩ lệ nơi đây chưa từng thấy tại kinh thành Bắc Kinh. Khang Hi nghĩ rằng: Đây đúng là nơi mà phụ thân Thuận Trị ưa thích, không chừng phụ thân ở nơi đây.
Thế là, Khang Hi bèn trú lại nơi đó, vừa tìm phụ thân, vừa có thể du sơn ngoạn thuỷ.
Một ngày nọ, Khang Hi đi đến một ngọn núi, dạo qua dạo lại, bất giác trời tối, trên đường không có lấy một người. Núi này phong cảnh tuy đẹp, nhưng hoang vắng quá, trước mặt chẳng có thôn xóm, sau lưng chẳng có hàng quán. Đêm nay nghỉ lại nơi đâu đây? Khang Hi đang lo lắng, ngẩng đầu lên nhìn, thấy trước mặt không xa có một chiếc chiếu. Bên trái chiếu có để 3 cây gậy táo. Khang Hi vội đến, nhặt lấy một cây gậy táo thô nhất làm vũ khí tự vệ, đề phòng dã thú, sau đó nằm trên chiếu ngủ qua đêm.
Sáng sớm hôm sau, Khang Hi thức dậy, lại đi lên núi một vòng nữa, dọc đường hỏi thăm tung tích của phụ thân, nhưng kết quả không có chút tin tức gì, đành phải quay về.
Về đến Bắc Kinh, mẫu thân của Khang Hi hỏi rằng:
- Có gặp được cha không?
Khang Hi đáp rằng:
- Dạ không gặp.
Mẫu thân Khang Hi lại hỏi:
- Thế trên đường con có gặp thứ gì không?
Khang Hi đáp:
- Buổi tối nọ trên núi con không tìm được một chỗ trú, nhìn thấy một chiếc chiếu, bên trái dựng 3 cây gậy táo. Con lấy gậy táo cầm trong tay làm vũ khí, ngủ qua đêm trên chiếu.
Mẫu thân Khang Hi suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đúng rồi, cha con nhất định ở nơi đó. Con viết xem thử, phía trước chữ 页 (hiệt – lượng từ của chiếc chiếu) thêm 3 nét sổ.
Khang Hi cầm bút, phía trước chữ 页 thêm 3 nét sổ, nhìn qua đúng là chữ 顺 (thuận) trong từ 顺治 (Thuận Trị). Lúc bấy giờ Khang Hi mới hiểu, hối hận là đã bỏ mất thời cơ. Khang Hi nói với mẫu thân:
- Con đi lại một lần nữa, nếu như không gặp thì sẽ đem chiếc chiếu và 3 cây gậy táo về làm kỉ niệm.
Lần thứ 2 Khang Hi đến Ngũ Đài sơn, lại lên ngọn núi đó, muốn đem chiếc chiếu và 3 cây gậy táo về. Nhưng lên tới đỉnh, không thấy chiếu và gậy táo không thấy đâu, nghĩ rằng chắc phụ thân đã lấy về rồi. Thế là Khang Hi lại đi về phía trước tìm. Qua khỏi núi là một vùng đất bằng phẳng, mùa màng xanh tươi nhìn như mặt biển mênh mông, mắt nhìn không thấy bờ. Khang Hi cứ đi, trời lại tối. Lúc này Khang Hi không dám tiến về phía trước, lại sợ giống như lần trước không tìm được chỗ trú, bèn đứng bên đường nhìn chung quanh, bỗng nhiên nhìn thấy trong thôn phía trước, thấp thoáng một ngôi miếu, Khang Hi liền đi về phía đó. Đến trước miều nhìn qua, thấy trên cửa viết 2 chữ 八 x (bát x), không biết chữ gì. Nhìn bên trong, trong miếu chỉ có 1 chiếc giường và 1 cái bàn, ngay cả tượng thần cũng không có, càng không biết đây là miếu gì. Khang Hi đi đã rất mệt, vừa bước vào miếu đã nằm trên giường ngủ ngay. Nửa đêm, bỗng nghe có tiếng gõ cửa, Khang Hi mở cửa nhìn, một lão hoà thượng đứng phía trước, Khang Hi liền hỏi ông ta từ đâu đến, pháp hiệu là gì.
Lão hoà thượng đáp rằng:
- Ta là hoà thượng 八 x (bát x), đến từ phía bắc núi. Còn ông từ đâu tới?
Khang Hi đáp:
- Tôi từ kinh sư tới.
Niệm Cẩm 念锦 ở kinh sư khoẻ không? (1)
- Tình hình kinh sư rất tốt, ngũ cốc được mùa.
Lão hoà thường mỉm cười, bảo rằng:
- Tốt rồi. Ông cứ ở đây, ta đi tìm chỗ khác.
Khang Hi quả thực muốn ngủ, nên không chối từ. Sau khi lão hoà thượng rời khỏi, Khang Hi lại ngủ.
Lần nầy đi tìm phụ thân, cũng không có kết quả, gậy táo và chiếu cũng không tìm thấy, Khang Hi đành tay không trở về.
Sau khi về đến kinh sư, mẫu thân Khang Hi hỏi:
- Chiếu và gậy táo có mang về không?
Khang Hi đáp rằng:
- Dạ không. E là cha đã lấy đi rồi.
Bà lại hỏi:
- Thế con có gặp cha không?
Khang Hi đáp:
- Cũng không gặp, núi đó hoang vắng, ngay cả một người cũng không gặp. Dưới núi chỉ có một ngôi miếu nhỏ, con ở trong miếu đó qua đêm. Nửa đêm có hoà hượng 八 x đến, hỏi con tình hình ở kinh sư tốt không, con nói là ngũ cốc được mùa, ông ấy đi tìm chỗ khác để nghỉ.
Mẫu thân Khang Hi suy nghĩ một lúc rồi nói với Khang Hi:
- Phía dưới chữ 八 (bát) con viết thêm chữ ‘x’ vào, xem thử là chữ gì?
Khang Hi cầm bút viết vào, lúc bấy giờ mới phát hiện đó là chữ 父 (phụ). Mẫu thân Khang Hi lại than:
- Con gặp cha mà không nhận ra, cơ hội lần này lại mất nữa rồi. “Niệm Cẩm” là nhũ danh của mẹ, cha con hỏi mẹ có khoẻ không, đáng tiếc là con trả lời mà coi như không.
Khang Hi nghe qua những lời của mẫu thân, vô cùng ân hận. Nghĩ rằng từ nơi xa ngàn dặm không ngại gian khổ, bôn ba đến Ngũ Đài sơn là để tìm phụ thân, nhưng không ngờ nhân vì sơ ý nên đã lỡ mất cơ hội cực tốt. Khang Hi suy đi nghĩa lại, trong lòng rất không vui.
Thế là Khang Hi quyết định cho xây một toà cung điện trên Ngũ Đài sơn để phụ thân Thuận Trị ở. Thuận Trị sẽ vui với lòng hiếu thảo của người con thứ 3 chăng?
Chú của người dịch
1- Thuận Trị hỏi “Niệm Cẩm” 念锦 có khoẻ không, Khang Hi nghe thành “niên cảnh” 年景 .
“Niệm Cẩm” bính âm là “nian (thanh 4) jin (thanh 3 )”; “niên cảnh” bính âm là “nian (thanh 2) jing (thanh 3). Hai từ có âm đọc gần giống nhau, nên Khang Hi nghe nhầm.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguồn:
ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ
大清皇帝奇闻秘史
Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004