Khi đột nhiên nhìn thấy ba chữ “Lười một chút”, có lẽ đa phần mọi người sẽ nghĩ rằng điều này không mấy tích cực. Nhưng, nếu “lười” để tâm tới những chuyện phiền lòng, “lười” so đo tính toán, thì chẳng phải tâm người ta càng rộng rãi, cuộc sống càng thêm tiêu diêu, tự tại hay sao?
“Lười” động miệng: Bớt bàn luận một chút
Trong cuốn “Cách Ngôn Liên Bích”, Triêu Kim Anh có câu:
Tĩnh toạ thường tư kỷ quá,
Nhàn đàm mạc luận nhân phi.
Nghĩa là:
Tĩnh toạ thường ngẫm về sai sót của bản thân,
Khi trò chuyện đừng nói về lỗi lầm của người khác.
Nhiều khi những lời bàn luận vặt vãnh ngoài miệng lại có thể dẫn tới một cuộc đại thị phi. Rất nhiều mâu thuẫn, xung đột đều do những lời bất mãn khi tán ngẫu gây nên.
Miệng cần “lười” một chút, dùng mắt nhiều hơn, dùng miệng ít đi, bạn sẽ có thể quan sát kỹ hơn nội tâm mình, giữ được sự khiêm tốn bên mình.
Đại Vũ là vị đế có công trạng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, bởi vậy tên ông mới có chữ “Đại”. Ông đã loại bỏ được muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn được lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh sử sách đến muôn đời sau, nhưng ông vẫn khiêm tốn mà rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta.”
Sách “Thái Căn Đàm” viết rằng: “Nói 10 câu, 9 câu đúng chưa chắc đã được khen là kỳ diệu, nhưng nói một câu không đúng thì việc quy kết tội lỗi theo nhau kéo đến. Bày 10 mưu kế, 9 mưu kế thành công chưa chắc đã được công lao, nhưng một mưu kế không thành thì lời chỉ trích phỉ báng ùn ùn nổi lên”.
Nói chuyện cũng cần có nghệ thuật, lời nào có thể nói với ai, ngữ khí nào có thể dùng với ai, đều phải cẩn trọng. “Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra”, nói xấu sau lưng người khác chính là tự rước vạ vào thân.
Sách “Luận Ngữ” cũng có câu: “Trách mình nhiều, trách người ít, sẽ có thể tránh bị người khác oán hận” (Cung tự hậu nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn oán hỹ).
Bớt bàn luận sau lưng người khác một chút, sẽ tránh xa oán hận một chút, bớt đi kẻ thù một chút. Trong cuộc sống kẻ thù ít đi, bạn bè sẽ nhiều hơn, khi cần trợ giúp tự nhiên sẽ có nhiều người tương trợ, phúc khí tự nhiên cũng theo tới.
“Lười” động não: Bớt so đo một chút
Đời người có biết bao nhiêu phiền muộn, chẳng qua chỉ là do suy nghĩ quá nhiều.
Vạn sự tuỳ phong khứ,
Phiến diệp bất thiêm thân.
Nghĩa là:
Vạn sự theo gió cuốn đi,
Một chiếc lá cũng chẳng dính thân.
Phiền não đều do tự mình tìm đến, cũng như một cái cây mọc giữa sa mạc, vô cùng bắt mắt, nhưng nếu đặt nó giữa rừng thì lại chẳng thấy đâu. Tâm hẹp thì phiền não tự nhiên sẽ lớn, tâm rộng thì phiền não chẳng qua cũng chỉ là một trò đùa mà thôi.
Lười động não, không phải là vì kiến thức và tầm nhìn hạn hẹp, mà là đặt trí huệ vào những việc đại sự chân chính. Ai cũng biết rằng cung giương quá lâu sẽ dễ hỏng, con người cũng như vậy, những chuyện có thể bỏ qua thì hãy cho qua.
Tô Đông Pha là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Vào tháng 12 năm Nguyên Phong Tống Thần Tông thứ 2, ông bị quân địch tấn công, bao vây. Sau đó ông bị giáng chức, lưu đày tới Hoàng Châu. Khi rơi vào cảnh ngộ khiến người khác phải lo sợ này, Tô Đông Pha đã đối mặt như thế nào?
Ông đã ghi lại hành trình tâm trạng của mình trong cuốn “Hoàng Châu An Quốc Tự Ký” rằng: “Đến Hoàng Châu, cư xá giản dị, ăn mặc tạm bợ, đóng cửa tiễn khách, hồn phách triệu về, thoái lui tư niệm, cầu chốn tự thay đổi bản thân.”
Ông hiểu rằng nếu mình không giải thoát tư tưởng đến nơi đến chốn thì sẽ rơi vào chỉ tự chuốc lấy phiền muộn mà thôi: “Không cuốc cái gốc, không cày cái rễ, nay tuy sửa đổi, sau vẫn lặp lại”.
Khi “lười động não”, không so đo với người, ông lại có thể biến nghịch cảnh của số phận, cuối cùng nghịch cảnh ấy lại trở thành nơi thành tựu một nhà văn lưu danh thiên cổ.
“Lười” động thủ: Bớt chỉ huy một chút
Làm người “lười” một chút, lo làm tốt chức phận của mình, chớ hoa chân múa tay chỉ huy người khác. Bởi lẽ những người thích chỉ huy thường bị người khác ghét bỏ vì sự kiêu ngạo của họ.
Khổng Tử cũng dặn dò học trò của mình rằng: “Trọng Do, trò hãy nhớ kỹ rằng hiển thị trí thông minh trên nét mặt, tỏ ra dáng vẻ tài giỏi, thì đó là tiểu nhân. Do đó, người quân tử biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là yếu lĩnh khi nói chuyện. Nên nói thì hãy nói, không nên nói thì không nói, đó là chuẩn mực của hành vi. Nói chuyện cần có yếu lĩnh, đó là trí tuệ. Hành vi cần có chuẩn mực, đó là nhân đức. Ngôn hành chính là trí tuệ và nhân đức, như vậy đâu còn chỗ nào thiếu sót nữa?”.
Thời Tây Chu, Chu Công khi phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Ông thường khuyên con trai ông rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!”
Lão Tử cũng có câu: “Bậc thánh nhân đặt mình phía sau mọi người nên được ở phía trước, đặt mình ở bên ngoài mà thân còn tồn tại” (Thánh nhân hậu kỳ thân nhi nhân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn).
Trong cuốn “Phóng Ông gia huấn”, Lục Du, nhà thơ thời Tống cũng chỉ ra rằng: “Dù làm cao quan cũng xin được đặt mình ở phía sau” (Tuy cao quan, diệc đương lực thỉnh cư kỳ hạ).
Có thể nói rằng “lười động miệng”, “lười động não”, “lười động thủ” chỉ là cách nói vui, kỳ thực là khuyên con người cần khiêm nhường, nói năng cẩn trọng và không tranh với người, từ đó tâm trí thanh tịnh và an lạc hơn.
Thiên Cầm