Thursday, December 2, 2021

MỘT THIÊN ĐƯỜNG TRÁC TUYỆT Ở TÂN CƯƠNG

Nếu có một sự ví von về “thiên đường ở hạ giới” của Trung Quốc, du khách thường nghĩ ngay đến danh thắng Cửu Trại Câu ở Tứ Xuyên. Nhưng nếu ai lạc bước đến vùng đất Tân Cương gắn liền đến hệ thống con đường tơ lụa thuờ xưa thì dường như Cửu Trại Câu chỉ là hòn non bộ điểm xuyết cho một thiên đường trác tuyệt lộng lẫy hơn.


Vùng đất Tân Cương đầy bí ẩn dần hiện ra với nhiều du khách qua những câu chuyện về cuộc sống du mục lãng đãng với mây trời, những hồ nước trong xanh huyễn hoặc, những dãy núi trắng muốt quanh năm. Và những thảm hoa thay đổi màu sắc theo mùa đã tô vẽ cho một thiên đường hoàn hảo nơi cõi trần.


Vùng đất tự trị Tân Cương rộng lớn được định hình bởi ba dãy núi cao ngạo nghễ: Côn Lôn, Pamir và Thiên Sơn. Vào thế kỷ thứ 7, đây là nơi cao tăng Trần Huyền Trang phải dừng lại một thời gian trước khi vượt qua những dãy tuyết sơn hiểm trở hướng đến Tây Trúc thỉnh kinh. Xưa hơn nữa, khi Quang Vũ nhà Hán chinh phục được vùng đất phía Tây, qua tới biên giới Afghanistan ngày nay thì con đường tơ lụa được củng cố và mở rộng. Tân Cương trở thành nơi thương nhân qua lại tấp nập với những sản vật trao đổi khắp nơi trên thế giới.


XỨ SỞ CỦA NGƯỜI UYGHUR

Toàn bộ vùng ở phía bắc dãy Thiên Sơn là vùng sinh sống của cư dân Uyghur và một số tộc người thiểu số khác. Trong lịch sử, tên gọi “Uyghur” (tiếng Hán gọi là Duy Ngô Nhĩ) được dùng để chỉ các bộ lạc nói tiếng Thổ sống tại rặng núi Altay. Dù Tân Cương cách xa Thổ Nhĩ Kỳ hàng nghìn km, nhưng người Uyghur và người Thổ Nhĩ Kỳ có ngôn ngữ và văn hóa rất gần gũi do cùng là những nhóm sắc tộc gốc Thổ mà ra.



Du khách thường đến Tân Cương qua cửa ngõ là thủ phủ Urumqi. Đây là thành phố nằm cách xa biển hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Nơi đây hiện là nơi sinh sống của người Hán, người Uyghur, người Hồi và người Kazakh. Urumqi thu hút khách du lịch bởi thành phố xa xôi này tấp nập khách thập phương đến trao đổi hàng hóa không khác gì so với thời điểm 2000 năm trước trên hệ thống con đường giao thương cổ.

Tộc người Uyghur hiện chiếm trên 45% ở Tân Cương có nhân tướng rất khác nhau. Có người thấp, da hơi vàng, tóc đen, mắt nhỏ; có người cao lớn, da trắng, mắt vàng hay xanh nhạt, mũi thẳng cao, râu tóc hung vàng hay nâu. Đây là kết quả của sự pha trộn huyết thống giữa các tộc người Ả Rập, La Mã, Hy Lạp, Ba Tư... trên con đường tơ lụa trong suốt một ngàn năm. Chính sự giao thoa đó đã giúp người Uyghur hình thành bản sắc văn hóa đa dạng và vô cùng độc đáo với những điệu múa Thổ pha lẫn Trung Á và những vũ điệu truyền thống của người Hán sau này. Những Uyghur trong quá khứ cũng từng là một đội quân thiện chiến, dũng mãnh, với kỹ năng cưỡi ngựa và sử dụng cung nỏ không thua kém người Mông Cổ. 



VÙNG ĐẤT ĐA DẠNG SẮC MÀU VĂN HÓA

Tân Cương trong ngôn ngữ Hán mang nghĩa "Biên giới mới". Tên địa danh này được sử dụng vào thế kỉ 18 vào đời nhà Mãn Thanh. Nơi đây địa hình vô cùng phong phú và đa dạng. Chúng ta có thể thấy một chút gì đó của Mông Cổ với những thảo nguyên xanh rờn thấp thoáng những khu lều trại du mục của người bản địa. Hay một Trung Á với những dấu tích thành cổ xưa kia, một chút châu Âu với những thảm màu rực rỡ và một chút Trung Đông với những thánh đường Hồi giáo uy nghiêm.


Mỗi mùa, vùng đất nơi đây khoác lên một tấm áo mới. Mùa xuân thì rực rỡ sắc hoa đào, hoa mận; mùa hè được nhuộm tím ngắt một góc trời bởi những cánh đồng oải hương thơm lừng ở Ili, đâu đó là những cánh đồng hoa hướng dương và cải đường vàng rực rỡ trong nắng. Dòng sông Tarim với cảnh đẹp tuyệt mĩ vào mùa thu khiến du khách ngẩn ngơ. Những thảm lá vàng lá đỏ soi bóng mình trong dòng nước xanh màu ngọc bích. Bức tranh trải đủ gam màu sắc tuyệt đẹp mà không họa sĩ nào có thể diễn tả được trong tranh vẽ của mình.



Trong khi đó, mùa đông Tân Cương lại ma mị lạ thường bởi hình ảnh những bầy gia súc hàng ngàn con co ro bên những túp lều vải tỏa khói dưới những rặng tuyết sơn hùng vĩ. Tân Cương khoác lên mình vẻ đẹp bí ẩn và nguyên sơ không chỉ bởi sắc màu của cây cỏ hoa lá, của sông hồ hay điệp trùng núi tuyết mà còn bởi những vùng đất kiến tạo độc đáo được thêu dệt thành huyền thoại. Đâu đó cũng toát lên bóng dáng “ma quỷ” với những gò đất cao thấp khác nhau cùng nhiều toà lâu đài cổ xưa mang phong cách thời Trung cổ. Tương truyền các lâu đài được hình thành nhờ khí hậu khô và những trận bão cát. Những cơn gió mạnh tạc nên hình thù của đá, biến chúng trông như cung điện kiêu hãnh giữa sa mạc hay con thuyền vượt sóng lớn. Nhưng một số lại đáng sợ như khuôn mặt gớm ghiếc của bầy quỹ dữ.




Tân Cương ngày nay vẫn là vùng đất hẻo lánh và được kiểm soát an ninh chặt chẽ bởi chính phủ Trung Quốc. Nhưng những lý do đó ẫn không đủ sức ngăn cản bao du khách đang mong ước giải mã một thiên đường có thật đang hiện hữu ở thế gian.

10 KHOẢNH KHẮC KHIẾN TÂN CƯƠNG ĐƯỢC XEM NHƯ THIÊN ĐƯỜNG NƠI HẠ GIỚI

1. Ngắm hoàng hôn ở Vịnh Ngũ Sắc

2. Ngắm làng Hòa Mộc trong sương sớm

3. Trekking ven hồ Kanas

4. Thăm cánh đồng hoa oải hương ở Ili

5. Cưỡi ngựa ở cao nguyên Bayanbulak

6. Ngủ trong nhà lều du mục của người Uyghur

7. Dạo thuyền trên hồ Thiên Trì

8. Ngắm sông Cửu Khúc từ trên cao

9. Cưỡi lạc đà ở thành Ma Quỷ Urho

10. Tản bộ ở hồ Thiên Nga và tu viện Phật giáo Mật tông.


Nguyễn Hoàng Bảo / Travellive+


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.