Friday, September 25, 2020

CHỢ ĐẶC BIỆT GIỮA THÀNH PHỐ VỊ THANH

Giữa khuya, các đường phố đang ngái ngủ, bỗng rộn ràng âm thanh ruộng vườn, í ới gọi nhau. Từng tốp nông dân, lũ lượt đổ về chợ quê với những sản vật địa phương như trẩy hội. Bà con Vị Thanh gọi là chợ đồng quê vì chợ toàn sản vật đồng quê.

Chợ quê giữa thành phố Vị Thanh nhóm họp từ 2 giờ sáng.

Chợ - nơi trao đổi và mua bán hàng hóa tự nguyện và hình thành rất sớm trong lịch sử loài người. Trải hàng ngàn năm phát triển, chợ có thể thay đổi hình thức nhất định, nhưng nội dung cơ bản vẫn nguyên vẹn. Và dù hệ thống siêu thị và online bùng nổ, chợ vẫn tồn tại an nhiên, bởi ở đó có rất nhiều thứ mà siêu thị hay bán hàng online không thể: từ không gian, màu sắc, âm thanh, mùi vị và cả tình người...

Chợ gắn liền với nông thôn dân dã, với tuổi thơ đồng ruộng chân quê. Có thể nói, chỗ nào có cộng đồng dân cư là nơi đó có chợ. Có chợ lớn, chợ vừa, chợ nhỏ. Có chợ cả ngày, chợ đêm, chợ mai (buổi sáng), chợ hôm (buổi chiều). Có chợ trên bờ, chợ dưới sông (chợ nổi). Có chợ nhà giàu, chợ nhà nghèo, chợ nhà lầu, nhà xây, nhà tranh. Có chợ tươm tất với quầy, sạp và có chợ ngồi chồm hổm.

Ở vùng hẻo lánh, vùng giáp ranh, nhất là các khu công nghiệp đều có chợ quê. Hàng hóa trải dưới đất. Người bán, người mua đều chồm hổm. Nhưng chợ quê giữa thành phố thì có lẽ chỉ thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang mới có. Bao quanh bởi chợ phố Vị Thanh bề thế, sầm uất, nhộn nhịp chợ quê Vị Thanh như nét lặng trữ tình, đằm thắm.

Chợ họp từ 2 giờ sáng cho đến xế trưa, độ 10 giờ là giải tán. Giữa khuya, các đường phố đang ngái ngủ, bỗng rộn ràng âm thanh ruộng vườn, í ới gọi nhau. Từng tốp nông dân lũ lượt đổ về chợ quê với những sản vật địa phương như trẩy hội.

Bà con Vị Thanh gọi là chợ đồng quê vì chợ toàn sản vật đồng quê.

Dân du lịch gọi chợ quê là chợ chồm hổm, chợ bệt vì kiểu ngồi của người bán lẫn người mua. Bà con Vị Thanh gọi là chợ đồng quê vì chợ toàn sản vật đồng quê. Tôi gọi là chợ quê, dựa trên hình thức, nội dung, phong cách lẫn bản chất. Chợ cùng tuổi với thành phố Vị Thanh, năm 2010, khi thị xã Vị Thanh được nâng cấp thành thành phố. Chợ quê, thay lời muốn nói, là mong ước của người dân vùng kênh Xa No (tiếng Khmer là bông điên điển) muốn níu giữ hương đồng gió nội cho phố thị quê nhà.

Chợ quê nên người bán toàn dân nhà quê chính hiệu, mộc mạc, chân chất. Từ ăn mặc tới lời ăn tiếng nói và sự thân thiện. Đi chợ lúc nửa đêm về sáng, khi trời vừa hửng, hay lấp ló bình minh đều có những thú vị riêng. Dù khuya hay sớm, sáng hay trưa người mua cứ tha hồ hỏi giá, săm soi lựa chọn mà không sợ bị lườm nguýt hay đốt phong long như chợ phố. Dân thành phố, "mất gốc" quê từ lâu như tôi, thích đi chợ để no nê ngắm nhìn, thỏa thuê với âm sắc, mùi vị và "ngụp lặn" trong những hoài niệm xa xưa.

Người vui, hàng tươi, chợ phóng khoáng.

Chợ quên nên sản vật cũng toàn hàng quê, cây nhà lá vườn. Người vui, hàng tươi, chợ phóng khoáng. Từ đọt choại, bông súng, bẹn súng, tập tàng, rau dừa cho đến hẹ nước, bồn bồn, lạc tiên… Từ cá lòng tong, rô, sặc, lóc, trê, lươn cho đến rắn, chuột. Có những loại lần đầu tôi được biết như khoai từ cùi, cá lau kiếng, củ hủ khóm… Món nào cũng be bé, nho nhỏ mà tươi rói, hấp dẫn. Nhìn là no mắt, cứ ao ước đưa cả chợ về nhà mình.

Khách Sài Gòn ghé chợ, người nào cũng lỉnh kỉnh tay xách, tay cầm đủ thứ, mang theo cả nghĩa tình của người dân sông Hậu.

Thêm một số sản vật đồng quê bán ở chợ:

Bông điên điển.

Cá rô đồng.

Có cả cá lau kiếng cũng được bán như một mặt hàng.

Cua đồng.

Bông so đũa, bông bí, khổ qua ruộng.

Củ từ cùi.

Lạc tiên (chùm bao, nhãn lồng), thuốc an thần vùng quê.

Rau đọt choại và bồn bồn.

Nguyễn Văn Mỹ
Nguồn: Người Đô Thị Online