Friday, April 3, 2020

NHÀ THIẾT KẾ HÀNG HIỆU ÂM PHỦ

Cửa hàng hàng mã của Au Yeung Ping Chi (歐陽平志 Âu Dương Bình Chí) ở Hong Kong luôn chật ních những món đồ sành điệu từ iphone, túi Gucci, đồng hồ vàng, món ăn... bằng giấy. Gắn bó với nghề hàng mã đã 10 năm nay, Au Yeung chỉ sản xuất những món đồ thời thượng cho khách hàng chết trẻ. Hình ảnh trên CNNGo.


Phía trong cửa hàng Bo Wah Effigies chật hẹp, Au Yeung Ping Chi đang 'vật lộn' với bìa giấy dày cộp, tỉ mỉ cắt thành chiếc gọng kính Wayfarer. Anh được cha truyền nghề làm hàng mã và hiện tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình chỉ với những tờ giấy màu và hộp keo dán.


Anh tự tay cắt dán thành hình Iphone, túi hàng hiệu, thậm chí cả những món ăn bằng giấy để phục vụ khách hàng. Với tâm niệm, trần sao âm vậy, người sống có thứ gì, dùng thứ gì, người dưới âm cũng dùng những thứ ấy, 'thượng đế' của Au Yeung thường yêu cầu nhiều đồ cúng cầu kỳ với mong muốn người nhà ở thế giới bên kia được hưởng một cuộc sống tiện nghi như lúc còn sống.


Phong tục đốt vàng mã cho người đã khuất đã tạo ra ngành công nghiệp sản xuất hàng mã. Phiên bản của chiếc đồng hồ vàng, xe hơi đời mới, thậm chí cả người giúp việc với kích cỡ được thu nhỏ đều được khéo léo tạo ra dưới bàn tay của những người làm vàng mã lâu năm như anh Au Yeung. Người sống tâm niệm rằng, đốt đồ vật này là cách để gửi chúng tới người thân ở nơi chín suối.


Au Yeung Ping Chi bắt đầu gắn bó với công việc làm hàng mã từ sau khi tốt nghiệp trường thiết kế cách đây khoảng chục năm. Anh tâm sự: 'Đồ vật đầu tiên tôi thiết kế là chiếc máy nhảy audition bán với giá khoảng 300 HKD. Số tiền ấy được xem là khá lớn đối với một món đồ làm bằng giấy như vậy, vậy là từ đó, tôi làm đồ cho người chết trẻ đến giờ'.


Kể từ khi Au Yeung nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất đồ hàng mã thời thượng, công việc kinh doanh của anh gặp nhiều thuận lợi hơn. Anh nhận được nhiều đơn đặt hàng làm đồ cho người trung tuổi. Có không ít khách hàng còn đặt đồ cho những đứa trẻ.


Au Yeung kể: 'Có nhiều trường hợp khiến tôi xúc động, thậm chí khóc cùng khách hàng khi họ kể về câu chuyện người thân của họ. Tôi cố gắng không dò hỏi quá nhiều tránh làm họ đau lòng'.


Đơn đặt hàng phổ biến nhất anh Au Yeung nhận được là làm máy ảnh, trò chơi điện tử và những chiếc túi xách hàng hiệu. Đó là những món đồ mà giới trẻ Hong Kong khi sống vẫn mong ước có được. Nhiều đơn đặt hàng khiến anh nhớ mãi. Có khách muốn nhờ làm hình nộm của cô dâu chú rể mặc đồ cưới truyền thống Trung Quốc với mong muốn cặp đôi uyên ương này sẽ kết tóc se duyên ở thế giới bên kia.



Trong suốt 10 năm làm nghề, chỉ có duy nhất một lần Au Yeung phải từ chối đơn đặt hàng làm chiếc ô có thể cụp vào được. 'Tôi đã thử nhưng chiếc ô đều bị rách lúc bật ra'. Hiện anh vẫn mày mò tìm hiểu để làm bằng được chiếc ô này. Au Yeung còn mua cả một chiếc ô thật về để nghiên cứu và quyết tâm sẽ làm được nó.



Mỗi món đồ sáng tạo có một không hai của Au Yeung đều lấy đi rất nhiều thời gian của người đàn ông này. Để làm được nó giống như thật, anh phải nghiên cứu đồ thật trước khi bắt tay làm. Mỗi khi làm xong một món đồ, anh thường nói lời tạm biệt đặc biệt với chúng bằng cách chụp ảnh lại. 'Tôi luôn nhắc nhở bản thân mình rằng chúng rất có ý nghĩa với người ở thế giới bên kia', anh tâm sự.

Bình Minh
Link tham khảo:

https://www.chinadaily.com.cn/china/2010-10/21/content_11437013.htm


(Các bạn nên xem video này để hiểu rõ hơn.)