Tuesday, May 26, 2020

GHÉ THĂM ĐẤT NƯỚC CÓ ĐỒNG TIỀN IN HÌNH PIKACHU

Đó là đảo quốc Niue nằm ở Nam Thái Bình Dương, cách 2.400km về phía Đông Bắc của New Zealand.


Về cơ bản, chính quyền đảo phát hành 5 loại tiền xu với mệnh giá 5 cent, 10 cent, 20 cent, 50 cent và 1 đô la. Chúng có cùng kích thước và tất cả đều có hình nữ hoàng Elizabeth II ở một mặt. Mặt còn lại thì được chạm khắc những hình ảnh đặc trưng ở đảo Niue: cá voi lưng gù, cua, thợ lặn, đua thuyền hay cá kiếm. Đặc biệt, trên đồng 1 đô la Niue phát hành năm 2001, các nhà chức trách đã in hình Pokémon Pikachu - một nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản lên trên đồng xu.

Đây là một hòn đảo nhỏ, được bao quanh bởi tam giác đảo Tonga (phía Tây Nam), Samoas (phía Tây Bắc) và quần đảo Cook (phía Đông Nam).

Niue sử dụng hai loại tiền tệ: đồng đô la New Zealand và đô la Niue.


Đồng 1 đô la Niue. 






Một thông tin thú vị khác, đó là Niue là một "đất nước wi-fi", bởi quốc đảo này được phủ sóng wi-fi miễn phí trên khắp lãnh thổ từ năm 2003.

Hòn đảo này có tên chính xác là “Niu ẽ”, có nghĩa là đảo “Ngắm dừa”. Vào năm 1774, thuyền trưởng James Cook tới đây và lần đầu tiên thế giới biết tới hòn đảo này. Khi đó, ông đã đặt tên cho đảo này là “Savage Island”, tức “đảo Man rợ” vì hình thù kỳ quái, khủng khiếp của những thổ dân đón tiếp ông. Đảo Niue đã có người sinh sống từ năm 900, phần lớn cư dân trên đảo thuộc tộc người Polynesia. Trong quá khứ, họ đã từng phải chống trả rất nhiều cuộc xâm lược từ những thổ dân đảo Samoas hay Tonga trong thế kỷ XVI. Cho tới thế kỷ XVII, chế độ vương quyền ở đây được hình thành, dưới sự cai trị của các vị vua, được gọi là patu-Iki.


Với những rạn san hô bao quanh, Niue được coi là một trong hai đảo san hô lớn nhất thế giới. Địa hình ở đây tương đối phức tạp, bao gồm những dốc đá vôi chạy dọc theo bờ biển, trung tâm là một cao nguyên nhô hẳn lên cao hơn 60m. Một điểm đáng chú ý khác là số lượng hang động đá vôi ở đây rất nhiều mà lại tập trung chủ yếu ở ngoài bờ biển.

Trong văn hóa truyền thống, người Niue có đặc điểm là không sử dụng nhạc cụ khi hát. Chỉ trong điệu nhảy truyền thống - điệu Tame, họ mới dùng một chiếc trống gỗ làm từ cây selie để đánh, gọi là “palau” hoặc “nafa”. Nó có tác dụng để tạo nhịp điệu cho các vũ công nhảy múa.

Điệu Tame được dùng để biểu diễn trong những dịp khánh thành nhà mới, lễ cưới hay sinh nhật.

Trong xã hội Niue, cả nam và nữ đều là những vũ công. Họ sẽ nhảy cùng nhau, phụ nữ thì nhảy trong lúc ngồi còn đàn ông thì nhảy đứng. Thủ đô của Niue là Alofi, nằm phía Tây hòn đảo. Ở phía đối diện, đó chính là ngôi làng nhỏ Liku, mảnh đất sản sinh rất nhiều tài năng nghệ thuật của quốc đảo này như nhà văn John Pule, Nicholas Thomas…


Ngày 3/9/1974, Niue chính thức tuyên bố tự nguyện liên kết với New Zealand. Theo đó, mọi vấn đề nội bộ trên đảo sẽ được quyết định bởi chính quyền Niue. Tuy nhiên, trong vấn đề đối ngoại, New Zealand sẽ đại diện cho đảo quốc này. Nữ hoàng Elizabeth II cũng chính là nguyên thủ quốc gia của Niue.

Theo TTVN
Link tham khảo: