Tuesday, May 5, 2020

VỀ TÂY ĐÔ, XUÔI DÒNG QUÁ KHỨ THĂM VÙNG ĐẤT LONG TUYỀN

Xa xưa, Long Tuyền là tên một xã nhưng qua thời gian, đã trở thành một địa danh nổi tiếng bao trùm một vùng rộng lớn gắn với lịch sử phát triển xứ Cần Thơ. Địa danh này mang ý nghĩa là ‘suối rồng’ hay người xưa gọi là ‘long mạch’, theo hình dung đầu vàm Long Tuyền như miệng rồng và con rạch Long Tuyền như thân rồng uốn lượn.


Địa danh Long Tuyền bao gồm từ chợ An Thới đến mạn Đông cầu Trà Nóc và chạy sâu vô bên trong theo trục đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thuỷ, nối với tỉnh lộ 923 và kéo tận đến phường Long Tuyền. Do phạm vi rộng lớn và có nhiều di tích văn hóa - lịch sử cổ kính nên vùng này còn được gọi là làng cổ Long Tuyền, với đầu mối là ngôi miếu cổ Long Tuyền - nay được gọi là đình Bình Thuỷ.

ĐÌNH BÌNH THỦY


Đình Bình Thủy là một công trình mang đậm giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt trong những năm tháng khai hoang ở miền Tây Nam Bộ, với những họa tiết trang trí, khắc gỗ tinh tế và sinh động. Phía ngoài có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Trong khuôn viên đình Bình Thủy được chia làm 2 khu vực: khu đình chính và khu lục ấp. Khu đình chính có 5 ngôi nhà gồm: 2 nhà vuông là tiền đình và chính điện, và 3 nhà nối hai nhà vuông với nhau. Khu lục ấp gồm: 1 nhà hát và khu nhà dùng để chuẩn bị đồ cúng lễ.

Ngôi tiền đình và chính điện có hình vuông, mỗi mặt có 6 hàng cột. Ngôi chính điện có 3 mái chồng lên nhau theo lối kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”; trên nóc có gắn tượng người, kỳ lân, cá chép hóa rồng; các cột được chạm khắc hình rồng, hoa mẫu đơn quấn quanh; bên trong đặt các ban thờ Thành hoàng làng và thờ các vị có công với nước như: Võ Huy Tập, Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa…


Mặc dù trải qua quãng thời gian thăng trầm lịch sử, đình Bình Thủy vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của một làng cổ tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Đến tận hôm nay, đình Bình Thủy vẫn tiếp tục được bảo tồn, trở thành điểm tham quan giá trị của du lịch Cần Thơ. Cứ hàng năm, nơi đây thường diễn ra ngày lễ Thượng điền (12/14 tháng 4 âm lịch), lễ Hạ điền (14/15 tháng chạp) rất đông vui, náo nhiệt với các tiết mục diễn xướng và trò chơi dân gian như: hát bội, thả vịt, kéo co, nữ công gia chánh… được duy trì từ xưa cho đến ngày nay, thu hút đông đảo người dân tham gia.

CHÙA NAM NHÃ


Chùa Nam Nhã không chỉ gây ấn tượng cho khách hành hương bởi cảnh quan thiên nhiên thanh tịnh tuyệt đẹp - lối kiến trúc cổ kính bề thế, ẩn mình giữa vườn cây xanh cổ thụ được chăm chút kỹ lưỡng, mà lịch sử lâu đời gắn bó với phong trào cách mạng chống Pháp cũng là lý do khiến bất kì du khách nào khi đến Cần Thơ cũng muốn ghé thăm.

Tiền thân nơi đây là một tiệm thuốc bắc có tên Nam Nhã Đường, sau được xây dựng lại và đổi tên thành Chùa Nam Nhã, vừa là nơi thờ phụng tín ngưỡng, vừa là trụ sở chính của phong trào Đông Du (1907-1940). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa nức danh là nơi tập hợp, nuôi dưỡng phong trào yêu nước và sản sinh ra những bậc sĩ phu văn thân có lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm. Qua thời gian, chùa ngày nay đã không còn vẻ tráng lệ như xưa, nhưng là một trong số ít các công trình kiến trúc cổ với giá trị còn hơi nguyên vẹn.


Chùa bao gồm ba khu chính: nhà Chính Điện, nhà Đông Lan và nhà Tây Lan. Nhà Chính Điện là nơi đặt điện thờ cúng, gồm ba pho tượng Phật được đúc bằng đồng, bên cạnh ra chùa còn lưu giữ tương đối rộng rãi cổ vật quý hiếm, đặc thù là những bộ bàn ghế gỗ trong chùa với đường nét khắc họa tinh tế đậm nét Nam Bộ xưa. Trước cổng chùa, 3 chữ “Nam Nhã Đường” cùng 2 câu liễn đối ở 2 bên cổng như ẩn như hiện in bóng bên bờ sông Bình Thủy, càng làng tăng thêm vẻ thanh bình, tĩnh lặng của chùa.

Không giống những ngôi chùa ở nước ta, các sư ở chùa Nam Nhã chỉ ăn chay, không cạo đầu, không mặc nâu sòng, lấy việc tu tâm tích đức làm kim chỉ nam, bởi thế không khí trong chùa luôn giản dị và gần gũi.

NHÀ CỔ BÌNH THỦY


Ngoài Nam Nhã đường và đình Bình Thuỷ, khu vực này còn có nhiều nhà cổ. Nhưng nổi bật nhất trong làng cổ Long Tuyền là ngôi nhà cổ Long Tuyền của dòng họ Dương xây dựng từ năm 1870 - thường được gọi là “nhà cổ Bình Thuỷ”.

Nhà cổ Bình thủy là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu, khảo cổ học tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như quá trình phát triển của nét văn hóa dưới sự tồn tại qua 2 thời kỳ. Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây nên tạo cho nơi đây vẻ đẹp hiện đại, nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngôi nhà có kiến trúc theo kiểu nhà Pháp, nền nhà cao hơn mặt đất 1m, có bốn bậc tạo thành hình cánh cung nối kết nhà với một khoảng sân rộng, trần cao, trang trí hoa văn đẹp mắt, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt khá đơn giản giúp nhà thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi được thể hiện nhiều họa tiết hoa văn đẹp mắt. Dẫn lên gian nhà chính là hai lối cầu thang màu vàng nổi bật uốn lượn duyên dáng.

Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp là một cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng rào, chếch về bên trái từ đường, xây dựng theo kiến trúc Á Đông. Hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái bằng men xanh lục. Trên bờ nóc, đầu hồi trang trí hoa lá, cá vàng, kỳ lân, người cưỡi trâu, bình hoa… bằng xi măng vô cùng tinh xảo.


Không chỉ nổi tiếng bởi gian nhà chính lộng lẫy và nguy nga, nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng gần xa với vườn lan Bình Thủy và kho cổ vật phong phú vô cùng giá trị. Được biết, ông Dương Văn Ngôn hậu duệ đời thứ năm của gia tộc họ Dương có thú chơi hoa kiểng. Ông Ngôn đã sưu tầm về vườn nhà rất nhiều giống lan quý hiếm từ khắp mọi nơi. Đặc biệt trong đó phải kể đến cây xương rồng Mexico Kim hơn 40 năm tuổi vô cùng nổi tiếng.

Nhiều bộ phim như L'amant, Người đẹp Tây Đô, Dòng sông Hoa Trắng… đã được thu hình một số cảnh phim tại ngôi nhà nổi tiếng này.

Theo: Wiki Travel