Ngoài sự nghiệp âm nhạc, cố nhạc sĩ còn nổi tiếng ở lĩnh vực phê bình sách, nhất là truyện Kim Dung. Độ am hiểu, những bài viết chất lượng khiến ông được văn giới lẫn bạn đọc trìu mến gọi là "nhà Kim Dung học".
Vũ Đức Sao Biển từng cho biết yêu thích truyện Kim Dung từ thập niên 1960, tức chỉ vài năm sau khi tác giả Hong Kong bắt đầu viết võ hiệp (năm 1955). Năm 1963, khi học lớp 10, ông tình cờ đọc Tuyết sơn phi hồ, sau đó hứng thú tìm hiểu các truyện khác. Vũ Đức Sao Biển từng định làm luận án cao học Tư trưởng triết học Đông phương qua tác phẩm Kim Dung nhưng không thành do nhiều bản thảo truyện thất lạc.
Vũ Đức Sao Biển giao lưu cùng độc giả trong buổi giới thiệu sách tháng 4/2018, khi ông đang chống chọi ung thư. Ảnh: PLO.
Đến năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ in các bài viết của ông về truyện võ hiệp, tập hợp vào bộ Kim Dung giữa đời tôi, xuất bản năm 1993 và tái bản nhiều lần. Giữa thập niên 1990, phim chưởng thịnh hành ở thị trường băng đĩa, đến năm 1999, truyện Kim Dung phát hành lại ở Việt Nam. Qua đó, tên tuổi Vũ Đức Sao Biển trở nên thân thuộc. Một số đài truyền hình mời ông tham gia bình luận ở các buổi chiếu phim võ hiệp.
"Tôi say mê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung từ ngày còn học phổ thông và thường lén đi thuê. Đọc đi rồi đọc lại không biết bao nhiêu lần, chỉ biết rằng với tôi, các nhân vật quen đến thuộc lòng. Sau khi Kim Dung giữa đời tôi được phát hành, tôi gửi tặng tiểu thuyết gia lỗi lạc này một bộ", Vũ Đức Sao Biển nói.
Tác giả Quảng Nam mổ xẻ nhiều khía cạnh tiểu thuyết Kim Dung, từ võ công, binh khí, âm nhạc, tình yêu, tình dục, yếu tố xã hội đến đi sâu vào từng nhân vật, thậm chí các lát cắt nhỏ, như con trâu hay nghề kỹ nữ. Kim Dung - hồn tính lãng mạn Phương Đông, Sự suy tàn của chủ nghĩa bạo lực, Tinh thần Phật giáo trong tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung và vạn sự giai không, Những suy niệm siêu hình học là một số bài viết tiêu biểu của Vũ Đức Sao Biển, thể hiện khả năng phân tích sâu của ông.
Bìa cuốn "Kim Dung giữa đời tôi" (tập hợp các bài viết của Vũ Đức Sao Biển).
Vũ Đức Sao Biển viết trong chương Sự suy tàn của chủ nghĩa bạo lực: "Có thứ bạo lực chân chính nhằm duy trì trật tự xã hội, bảo vệ công lý, bảo vệ mạng sống và quyền lợi chính đáng của những con người lương thiện. Có thứ bạo lực phản động nhằm làm náo loạn cuộc sống, gây cảnh can qua cho trăm họ lầm than để thừa cơ hưởng lợi hoặc để cai trị, nô dịch người khác... Khi xử lý tác phẩm, tác giả thường để cho chủ nghĩa bạo lực tự suy tàn đúng như định đề 'Gieo nhân nào, hưởng quả ấy' của phương Đông hay 'Ai gieo gió phải gặt bão' của phương Tây".
Ông cũng thích chủ nghĩa lãng mạn của Kim Dung, nhận ra thông điệp cổ vũ tự do được lặp lại nhiều lần ở các tác phẩm. Trong bài Hồn tính lãng mạn phương Đông, ông viết: "Nhân vật của Kim Dung luôn hướng về tự do. Lệnh Hồ Xung (bộ Tiếu ngạo giang hồ) học kiếm pháp Hoa Sơn với Nhạc Bất Quần, một cái nhấc chân hay một cái cất tay đều đúng bộ vị, thước tấc. Cho đến khi nhân vật này được học kiếm pháp với Phong Thanh Dương, lãnh hội ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của lão: 'Người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người, cứ như nước chảy mây trôi mà sử kiếm' thì hắn mừng như điên. Ấy bởi vì Lệnh Hồ Xung biết mình đang tiếp cận với tự do, cái tự do mà một tên lãng tử vô hạnh như hắn cần phải có".
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đến Quảng Đông, Trung Quốc năm 2011 - ẢNH: NVCC
Cũng trong bài, ông nói khi đọc truyện Kim Dung lòng thư thái, nhẹ tênh, không còn những vương vất ưu tư từ cuộc sống: "Đó là gì? Đó chính là sự giải thoát, là tâm trạng cảm thấy mình đang được tiếp cận với tự do dù trong giây phút ngắn ngủi của đời người!".
Có lẽ chính Vũ Đức Sao Biển cũng hướng đến sự tự do, phóng khoáng này, bởi ông từng nói thích nhất Tiếu ngạo giang hồ. Năm 2001, Kim Dung đề nghị nhà văn chuyển ngữ tiếng Việt truyện này cho công ty Phương Nam. Vũ Đức Sao Biển cùng hai cộng sự tốt nghiệp Khoa Hán Nôm Đại học Tổng hợp TP HCM hoàn thành bản dịch. Ông dành tình cảm, tâm sức cho nhiều bài viết về tiểu thuyết này, đào sâu vào từng nhân vật như Lệnh Hồ Xung, Nhạc Bất Quần, Nghi Lâm, Nhạc Linh San, Đào Cốc Lục Tiên hay Lam Phượng Hoàng.
"Kiếm pháp (của Lệnh Hồ Xung) hoàn toàn đi ngược kiếm lý phổ thông: có khi phóng vào khoảng không, có khi mềm oặt như mất hết khí lực, có khi hung hiểm như con trường xà đột ngột chờ sẵn... Lệnh Hồ Xung sử kiếm ý đó mà lòng sung sướng như điên... Tôi cũng học cách của Lệnh Hồ Xung, ý nghĩ đi tới đâu, phóng ngòi bút tới đó. Vâng, tôi đang sử bút ý", ông viết.
Bìa cuốn "Tiếu ngạo giang hồ" do Vũ Đức Sao Biển đồng biên dịch.
Tuy nhiên, Lệnh Hồ Xung chỉ được Vũ Đức Sao Biển xếp là vị anh hùng nổi trội thứ sáu trong truyện Kim Dung. Nhà văn đánh giá cao nhất Kiều Phong (Thiên long bát bộ) với nghĩa khí cao thượng, mang chất phản kháng kiểu mẫu người hùng truyền thống của Trung Quốc. Những cái tên tiếp theo lần lượt là Hư Trúc (Thiên long bát bộ), Trương Vô Kỵ, Trương Thúy Sơn (Ỷ thiên đồ long ký), Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Dương Quá (Thần điêu hiệp lữ), Hồ Phỉ (Tuyết Sơn phi hồ) và Địch Vân (Liên thành quyết).
Vũ Đức Sao Biển chọn Trần Viên Viên (Lộc Đỉnh ký) là mỹ nhân đệ nhất. Đây là nhân vật có thật, từng được vua Sùng Trinh, tướng Ngô Tam Quế (nhà Minh) và thủ lĩnh khởi nghĩa Lý Tự Thành yêu thích. Trong Lộc Đỉnh ký, bà được mô tả đẹp nghiêng nước nghiêng thành dù ngoài 40 tuổi, khiến Vi Tiểu Bảo (kẻ tiếp xúc hàng loạt người đẹp) phải sững sờ, chân tay bủn rủn, miệng há hốc không ngậm được.
Với các nhân vật nữ trẻ, Vũ Đức Sao Biển lần lượt yêu thích Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố (Ỷ thiên đồ long ký), Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ), A Châu (Thiên long bát bộ), Tiểu Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ), Song Nhi (Lộc Đỉnh ký), Vương Ngữ Yên (Thiên long bát bộ), Viên Tử Y (Phi Hồ ngoại truyện), Bạch A Tú (Hiệp khách hành). Ông từng định đặt Vương Ngữ Yên vào ngôi đệ nhất hoặc đệ nhị do nhan sắc của cô, nhưng không thích chuyện nhân vật quá say mê Mộ Dung Phục nên đánh cô xuống hạng tám.
Dù được độc giả yêu quý, Vũ Đức Sao Biển luôn khiêm tốn, không muốn được gọi là nhà Kim Dung học. Ông cho biết Kim Dung là bậc kỳ tài với kiến thức mênh mông về nhiều lĩnh vực, còn kẻ hậu sinh như ông chỉ vì mê say mà nghiền ngẫm. Khi nhà văn võ hiệp qua đời năm 2018, Vũ Đức Sao Biển không chia sẻ được nhiều về ông trên mặt báo, các chương trình truyền hình, do mất tiếng vì ung thư vòm họng.
Vũ Đức Sao Biển tên thật Võ Hợi, sinh năm 1947 ở Tam Kỳ (Quảng Nam), nổi tiếng với các nhạc phẩm Thu hát cho người, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam... Ông mất tại nhà ở TP HCM vào khuya 6/5, thọ 73 tuổi.
Ân Nguyễn
Cẩm Ly biểu diễn "Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang"
trong liveshow "Tự tình quê hương 3".