Tuesday, June 9, 2020

CUNG VƯƠNG PHỦ CỦA HÒA THÂN

THĂM PHỦ HÒA THÂN - KHÁM PHÁ BẮC KINH THỜI NHÀ THANH


Đến với Bắc Kinh, nơi hội tụ văn hóa ngàn năm lịch sử Trung Hoa, du khách có thể khám phá rất nhiều nơi, rất nhiều cảnh đẹp nhưng có một điểm đến nhất định du khách phải ghé qua một lần, đó chính là Cung Vương phủ, dinh thự của Hòa Thân - quan tham số 1 lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Cung Vương phủ, dinh thự của Hòa Thân - quan tham số 1 lịch sử phong kiến Trung Quốc

Có thể nói, cung Vương Phủ Hòa Thân là một trong những Vương Phủ nhà Thanh được bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc. Năm 1982 được liệt vào danh sách bảo hộ trọng điểm của toàn quốc.

Hòa Thân (1750-1799) còn được gọi là Hòa Khôn, tự Trí Trai. Lúc sinh thời từng là sủng thần của vua Càn Long, người đứng “dưới 1 người, trên vạn người”. Ông còn được biết đến là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Là người rất giàu có, thậm chí người ta còn cho rằng ông giàu hơn cả vua Càn Long, biệt phủ của ông được xem là đẹp nhất ở Trung Quốc.

Cung Vương phủ nằm ở phía Tây Bắc Thập Sát Hải (Bắc Kinh – Trung Quốc). Được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, nơi đây được ví như “Viên minh châu của Thập Sát Hải” (Thập Sát Hải là tên gọi của một chuỗi các ao hồ trong nội thành Bắc Kinh).

Cung Vương phủ được ví như “Viên minh châu của Thập Sát Hải”

Càn Long năm thứ 41, (tức năm 1776 Tây lịch), Quân cơ đại thần, Hàn lâm đại học sỹ Hòa Thân cho xây phủ đệ chạy dọc Tiền Hải và sau hông Hậu Hải là những Hồ nước lớn phía đông bắc Tử Cấm Thành – các hồ này hiện nay là phố Bar đặc sắc của Bắc Kinh), thời bấy giờ xây xong đặt tên là "Hòa đệ" (tức phủ nhà họ Hòa).

Cung Vương Phủ Hòa Thân là một trong những Vương Phủ nhà Thanh được bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc

Ngày mồng 3 tháng 1 năm Gia Khánh thứ 4, Thái thượng hoàng Hoằng Lịch quy tiên thì ngay ngày hôm sau Gia Khánh bãi chức Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc của Hòa Thân cho khám xét phủ đệ của ông (tài sản thu được từ Hòa phủ ước khoảng 20 triệu lượng bạc trắng). Ngày 18 tháng Giêng cùng năm (tức 22 tháng 2 năm 1799), Hòa Thân được Gia Khánh ban cho lụa trắng thắt cổ, Hòa phủ được giao lại cho Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân (em của Gia Khánh). Hàm Phong năm thứ nhất (1851) Cung Thân Vương Dịch Hân trở thành ông chủ thứ ba của Vương phủ này và đổi tên thành "Cung Vương Phủ" và tên này được dùng cho đến ngày nay.

Đến thăm phủ Hòa Thân, du khách sẽ có cơ hội hiểu biết thêm về đời sống thực của các vị vua quan thời nhà Thanh. Với một không gian bao la rộng lớn phủ Hòa Thân không gì một hoàng cung được thu nhỏ. Bước chân vào Cung Vương Phủ, du khách chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi tổng diện tích to lớn lên đến 60 nghìn mét vuông. Trong đó phủ đệ chiếm 32 nghìn mét vuông, hoa viên chiếm 28 nghìn mét vuông, hồ nước rộng lớn, khắp khuôn viên phủ đầy bóng cây mát rượi và nhiều loại hoa thơm ngát. Bố cục tổng thể hàm chứa hết những tinh túy, cao quý của văn hóa Vương phủ đời Thanh.

Không gian bao la rộng lớn phủ Hòa Thân không gì một hoàng cung được thu nhỏ

Phủ được bố trí theo kiểu “Tam Lộ Ngũ Tiến”, kiến trúc tinh xảo mà rộng lớn. Thiết kế của toàn bộ khu nhà được kết hợp hoàn hảo và thể hiện đầy đủ sự vinh quang và sang trọng của hoàng gia. Các tòa nhà bên trong phủ được đặt trong sân tứ giác kiểu truyền thống. Kiến trúc ở trục chính dùng ngói lưu ly xanh, mô phỏng kiến trúc dành cho Phủ Đệ của Thân Vương. Hoa viên còn được gọi là Tụy Cẩm Viên. Bố cục tổng thể 3 mặt giáp giả sơn, với hơn 50 Cảnh Điểm phân bố 3 trục Đông, Tây, Trung. Vương Phủ, theo vòng quay của thời gian, hàm chứa hết những tinh túy, cao quý của văn hóa Vương phủ đời Thanh.


Phủ được bố trí theo kiểu “Tam Lộ Ngũ Tiến”, kiến trúc tinh xảo mà rộng lớn

Trong Cung Vương Phủ, Hòa Thân cho xây dựng một tòa lầu trên núi nhân tạo để ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách. Đường lên tòa lầu này còn có một hành lang với lối đi dốc không có bậc, biểu thị cho con đường thăng quan tiến chức của Hòa Thân luôn hanh thông. Theo sử sách ghi chép lại, Hòa Thân là một tay chơi có hạng thời bấy giờ. Ông ta còn dám xây dựng một cái cổng theo kiểu phương Tây trong Phủ của mình. Đặc biệt, du khách tới đây đều chú ý tới hai ngọn núi nhân tạo mà Hòa Thân cho xây dựng.

Tương truyền, trong lòng mỗi ngọn núi ấy, ông ta đặt một vật trấn trạch: đó là một con tỳ hưu lớn tạc bằng ngọc phỉ thúy xanh rất quý hiếm (trong khi đó chính vua Càn Long cũng chỉ có con tỳ hưu nhỏ hơn và bằng bạch ngọc). Vật trấn trạch thứ hai là chữ Phúc do chính Càn Long viết để tặng bà nội nhân dịp thượng thọ đã bị Hòa Thân chiếm làm của riêng. Chữ Phúc ấy được Hòa Thân cho tạc vào một khối đá quý trong lòng núi nhân tạo. Ngày nay, khi vào Cung Vương Phủ, du khách đều được vào hang ngắm nhìn chữ Phúc đặc biệt này. Sâu vào biệt phủ, có một tòa nhà hai tầng với 88 cửa sổ và 108 phòng đây là kho của, nơi Hòa Thân cất giấu các báu vật mà ông vơ vét được.

Chữ Phúc ấy được Hòa Thân cho tạc vào một khối đá quý trong lòng núi nhân tạo

Dưới thời nhà Thanh, nghệ thuật dân gian vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là hí kịch. Vốn là một người yêu thích hí kịch, Hòa Thân đã thiết kế một sân khấu riêng để nghe hát ngay trong phủ của mình. Sân khấu trong phủ họ Hòa không chỉ có quy mô lớn, bài trí trang trọng, mà còn đặc biệt thiết kế 8 chậu nước lớn chôn ở phía dưới để tiếng hát của diễn viên được vang và trong hơn. Sân khấu nghe hí kịch của Hòa Thân có thể coi là thiết kế độc nhất vô nhị thời bấy giờ, thậm chí so với sân khấu trong Cố cung còn lớn hơn.


Sân khấu nghe hí kịch của Hòa Thân có thể coi là thiết kế độc nhất vô nhị

Dinh thự nằm ở vị trí tuyệt vời nhất ở Bắc Kinh. Người ta tin rằng có hai “Tĩnh mạch rồng” tại thành phố Bắc Kinh: một là "rồng đất" trong Cung điện mùa hè và một là "rồng nước", chính là phủ Hòa Thân.

Dinh thự nằm ở vị trí tuyệt vời nhất ở Bắc Kinh

Cung Vương Phủ bây giờ khác nhiều so với thời Hòa Thân làm chủ, tuy nhiên vẫn hàm chứa tinh túy của văn hóa kiến trúc vương phủ đời Thanh. Phủ Hòa Thân được xem như một báu vật vô giá của Trung Hoa - di tích duy nhất của thời phong kiến Trung Quốc được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nếu có dịp đi du lịch đến Bắc Kinh, Trung Quốc, hãy ghé đến tham quan và khám phá Cung Vương phủ xa hoa bậc nhất thời nhà Thanh này nhé!

Theo: VYC Travel


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.