Hình ảnh đó quá mạnh mẽ đến mức nhiều người vẫn thấy khó tin khi biết rằng quốc gia này là quê hương của những loại "siêu thực phẩm" đang được chào bán rộng rãi khắp thế giới phương Tây.
Bột teff được chào bán rộng rãi ở phương Tây là siêu thực phẩm thế hệ kế tiếp
Một loại bột ngũ cốc không chứa gluten, giàu protein, giàu chất sắt và chất xơ, tên là hạt teff, đã được thu hoạch ở Ethiopia và quốc gia láng giềng Eritrea trong ít nhất là 2.000 năm qua.
Trong những căn lều đắp bằng đất trên cao nguyên và những nhà hàng sang trọng ở thủ đô Addis Ababa, hạt teff được nghiền thành bột và là nguyên liệu để làm ra món lương thực chính của quốc gia này, món injera.
Loại bánh mì lên men giống bánh kếp này cực kỳ thích hợp để ăn kèm với thịt và rau củ hầm thấm đẫm nước sốt. Người Ethiopia hầu như ai cũng ăn nó ít nhất một lần mỗi ngày.
Giống nhiều du khách, tôi nhanh chóng yêu thích kết cấu giống như miếng bọt biển và hơi xốp này. Tôi đã liên tục gọi món hết lần này đến lần khác khi chúng tôi đi du lịch vòng quanh đất nước.
Món này thường được đặt trong mâm tròn lớn với nhiều món pha chế đầy màu sắc, trong đó có đậu lăng, cải rổ, đậu vàng, thịt cừu, bò và gà. Bẻ từng miếng bánh và ăn bằng cách bốc tay khiến trải nghiệm với món ăn này thêm phần thú vị.
Thật khó tin là dù món injera cực kỳ phổ biến trên khắp cả nước, nhưng bằng sáng chế quyền chế biến bột teff và các sản phẩm liên quan đến hạt teff cuối cùng lại rơi vào tay một công ty ở Hà Lan.
Bột teff được sử dụng để làm bánh injera, một loại bánh mì lên men giống bánh kếp, cực kỳ hoàn hảo để ăn với thịt và súp rau củ hầm
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2003: khoảng một chục biến thể của hạt teff được gửi cho nhà nông học ở Hà Lan tên là Jans Roosjen thông qua quan hệ hợp tác với Học viện về Bảo tồn Đa dạng Sinh học Ethiopia để nghiên cứu và phát triển.
Bốn năm sau, Văn phòng Cấp bằng Sáng chế châu u cấp bằng sáng chế cho công ty của ông là công ty chuyên về thực phẩm cho sức khỏe trong thể thao, công ty Health and Performance Food International - HPFI.
Dù Roosjen đã đánh giá quá cao tiềm năng của loại hạt này vào thời đó và công ty của ông bị phá sản, nhưng ông vẫn tiếp tục quảng cáo và chào bán các sản phẩm từ hạt teff.
Xung đột quanh chuyện ai là người sở hữu hạt teff đã xuất hiện trên các trang báo quốc tế đầu năm nay, sau khi Roosjen cố gắng kiện một công ty Hà Lan khác đang quảng cáo các sản phẩm nướng từ bột teff vì tội vi phạm bản quyền, và bản quyền của ông bị công bố là không có giá trị ở Hà Lan.
Khi hạn chót kháng cáo kết thúc vào tháng 2/2019, rất nhiều người Ethiopia trên mạng xã hội coi đây là chiến thắng.
Nhà ngoại giao người Ethiopia tên là Fitsum Arega viết trên Twitter coi đây là tin tốt lành. "Tôi hy vọng là ta có thể học được từ sự kiện này, rằng tài sản quốc gia của chúng ta phải được người Ethiopia và bạn bè của #Ethiopia bảo vệ," ông viết.
Nhưng bởi bằng sáng chế của Roosjen vẫn có tác dụng ở nhiều nơi khác khắp châu Âu, cho nên cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Vào tháng Hai, tổng chưởng lý của Ethiopia là Berhanu Tsegaye viết trên Twitter rằng chính phủ quyết định sẽ bảo vệ quyền hợp pháp của Ethiopia đối với hạt teff.
"Ethiopia đã chỉ định một công ty luật tham gia tranh tụng về vụ án hạt teff ở tầm quốc tế," ông viết. Đây không phải là lần đầu tiên Ethiopia phải bảo vệ một trong những sản phẩm quan trọng nhất của mình.
Quốc gia này trước đây từng đối đầu với Starbucks về việc sử dụng tên ba loại cà phê cao cấp.
Qua nhiều cuộc đàm phán gắt gao, chuỗi quán cà phê lớn nhất thế giới và chính phủ Ethiopia đạt được thỏa thuận theo đó cho phép Starbucks bán và quảng bá cà phê Harrar, Sidamo và Yirgacheffe vào năm 2007.
Theo báo cáo từ Tổ chức Bản quyền Trí tuệ Quốc tế, cuộc tranh chấp cao cấp này đã tăng giá trị của cà phê Ethiopia lên rất nhiều.
Tiến sĩ Bula Wayessa, chuyên gia về cây trồng bản địa, tin rằng bằng sáng chế của Hà Lan đã tước bỏ quyền của hàng triệu nông dân Ethiopia.
"Nó là biểu hiện của quan hệ quyền lực toàn cầu, trong đó các tập đoàn hùng mạnh dựa vào vị thế mạnh hơn mà chiếm đoạt văn hóa của các nước thuộc Thế giới Thứ ba," ông nói.
"Lỗ hổng của hệ thống luật pháp quốc tế theo đó cho phép các công ty tư nhân quyền sở hữu bằng sáng chế mà không qua điều tra kỹ lưỡng đang gây ảnh hưởng lớn đến những quốc gia đang phát triển như Ethiopia."
Tiến sĩ Wayessa là phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bang ở New York, New Paltz. Ông sinh trưởng trong một gia đình trồng cây teff ở Khu vực Oromia, một trong chín vùng sắc tộc của Ethiopia.
Ông lớn lên cùng món injera, ăn nó hai lần mỗi ngày, giúp thu hoạch, chăm sóc và thu hoạch mùa màng sau giờ tan học và vào kỳ nghỉ hè. "Nếu tôi ăn món khác thay vì injera trong bữa trưa và bữa tối, tôi cảm thấy ăn rồi mà vẫn đói," ông nói.
Teff là loại hạt không có gluten, giàu protein, chất sắt và chất xơ
Từ khi rời quê hương vào năm 2009 đi du học, Tiến sĩ Wayessa đã trở lại nhiều lần để làm nghiên cứu.
Ông nói hạt teff không phải chỉ là một loại cây trồng, mà còn là một phần di sản văn hóa của Ethiopia.
"Bánh injera từ hạt teff là dấu ấn danh tính chung của hơn 80 nhóm sắc tộc đang sống trong quốc gia này," ông nói.
"Nó định hình văn hoá ẩm thực bản địa của người Ethiopia và thể hiện danh tính quốc gia và xã hội của họ thông qua việc mọi người tập trung quanh mâm và cùng chia sẻ thức ăn với nhau."
Nhưng dù xung đột giữa quyền sở hữu hạt teff là tin tức gây chú ý khắp thế giới, Sofonias Melese, trưởng bộ phận điều hành của công ty du lịch New Ethiopia Tours nói ông chỉ biết về vụ án này vì ông làm việc trong ngành du lịch, và hầu hết người dân ở quê ông không để ý đến vụ việc gây tranh cãi.
"Vấn đề bằng sáng chế thực sự khiến tôi buồn," ông cho biết. "Teff là món chủ đạo trong bếp của chúng tôi. Chúng tôi ăn món này mỗi ngày - đôi khi ba lần mỗi ngày - ở hầu hết các vùng và trong mọi bộ tộc."
Melese nói ông thích giới thiệu cho mọi người biết món bánh injera trong chương trình du lịch của mình.
"Hầu hết du khách của chúng tôi thử ăn món injera trước, chỉ ăn riêng món đó thôi, sau đó tôi thấy họ nhăn mặt vì chua," ông nói. "Thế là tôi bảo họ ăn kèm với món wat cay, là món hầm nhừ, và họ thấy ngon. Khi tôi nói với họ rằng nó không chứa gluten, giàu protein và chất sắt, họ rất thích thú."
Dù tuổi đời chính xác của món này vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà khảo cổ học tin rằng hạt teff có nguồn gốc và được thuần hóa ở cao nguyên Ethiopia khoảng 2.000 năm trước, mặc dù lò nướng injera có thể có tuổi đời 2.500 năm.
Tiến sĩ Diane Lyons, đồng tác giả của cuốn "Lò, lò nướng và Văn hóa nông nghiệp: Nghiên cứu Khảo cổ về nướng bánh mì ở Cao nguyên Ethiopia" (Griddles, Ovens, and Agricultural Origins: An Ethnoarchaeological Study of Bread Baking in Highland Ethiopia) đã tiến hành nghiên cứu sâu ở khu vực Tigray thuộc miền bắc Ethiopia, nơi bánh mì injera được nướng trong lò đất sét và được ăn kèm với thịt, rau và món đậu hầm.
Bà nói hạt teff có hai màu - đỏ và trắng. Loại màu trắng theo truyền thống được coi là giá trị hơn, là biểu tượng cho sự giàu có, và thường dùng để mời những vị khách quan trọng. Bánh injera màu đỏ rẻ hơn và thường được sử dụng làm thực phẩm hàng ngày.
Cả tiến sĩ Lyon và tiến sĩ Wayessa đều cho rằng hạt teff giờ đây trở nên đắt đỏ với người nghèo ở thành thị vì nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Hầu hết nông dân ở miền bắc và miền nam Tigray giờ đây đều bán hạt teff đi để mua những loại ngũ cốc rẻ hơn trên thị trường như lúa mạch, lúa mì và cao lương, để làm món injera, gây ra "sự tổn thất về văn hóa và tổn thất về dinh dưỡng," theo Tiến sĩ Lyons.
"(Teff) thường là loại ngũ cốc được dùng để làm injera ở nhà hàng - và thường ở trong những nhà hàng cao cấp ở Ethiopia," bà nói.
Tiến sĩ Diane Lyons nói: "Họ lẽ ra phải có quyền hưởng lợi từ quảng cáo hạt teff - người Ethiopia rất tự hào về ẩm thực của họ"
Là người ngoài, Tiến sĩ Lyons cho rằng hành động chiếm quyền sở hữu hạt teff từ tay người Ethiopia có vẻ là vô đạo đức.
"Đây là quốc gia rất nghèo và tổ tiên của họ đã phát triển loại cây trồng này," bà nói.
"Họ lẽ ra phải có quyền hưởng lợi từ quảng cáo hạt teff - người Ethiopia rất tự hào về ẩm thực của họ, và họ có quyền đó. Ẩm thực của họ rất ngon, và món bánh injera làm từ hạt teff được coi là món injera ngon nhất của người Ethiopia. Tôi thành thật hy vọng rằng họ sẽ chiếm lại 'quyền sở hữu đầy đủ' với hạt teff."
Tôi đã dành hai tuần đi du lịch vòng quanh Ethiopia, từ Addis Ababa đến Rặng núi Simien, ăn tối với món teff tại nhà hàng mỗi ngày.
Trẻ em được nuôi lớn từ loại ngũ cốc này, chạy theo và vẫy chào xe chúng tôi khi đi qua.
Chúng tôi được một gia đình ở nông thôn chào đón và họ chỉ cho chúng tôi thấy căn bếp nhỏ nơi họ làm bánh injera.
Vì tương lai quyền lợi của những con người hiếu khách và nồng ấm này, tôi không thể suy nghĩ khác hơn là chia sẻ cùng ước nguyện đó.
Angela Saurine
BBC Travel
Link tiếng Anh: