Monday, June 8, 2020

NÓI VỀ TRUYỆN CỔ LONG

“Tiểu Lý phi đao thành tuyệt hưởng
Nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương.”

Nhà văn Cổ Long (古龍)

Nói chung truyện của Cổ Long khái quát lại chỉ gồm hai nhóm.

Nhóm (1) – những bi kịch.

Nhóm này đứng đầu là Tiểu Lý phi đao truyền kỳ hệ liệt. Anh rất lấy làm lạ là cái series này nhan nhản bi kịch. Bi kịch hiển hiện trong mỗi con người. Ngay như Kinh Vô Mạng giết người không chớp mắt mà cũng có bi kịch – khi hắn bị Thượng Quan Kim Hồng hắt hủi.

Vì thế cho nên cái vĩ đại của Lý Tầm Hoan, các em chíp hôi ạ, nó không nằm ở cái sự đẩy vợ vào giường bạn hay đẩy bạn vào giường vợ như các em nói. Nó vĩ đại ở chỗ một con người bản thân bị bi kịch huỷ hoại không thể thoát ra như thế, nhưng lại là kẻ cứu rỗi những linh hồn bi kịch khác. A Phi được Lý Tầm Hoan che chở đã đành, đến như Lam Yết tử, như Du Long Sinh, như Linh Linh, cũng được y thức tỉnh và cảm hoá một cách hết sức tự nhiên.

Còn em nào nghĩ Tôn Tiểu Hồng giản đơn và bình thường? Quên đi cưng ạ. Đời Lý thám hoa gặp biết bao nhiêu đàn bà, biết bao nhiêu đàn bà sẵn sàng yêu anh ta, nhưng tại sao chỉ Tôn Tiểu Hồng nâng đỡ được anh ta đứng dậy? Một cô thiếu nữ đấu nổi với Tàng kiếm giai nhân Lâm Tiên Nhi không bao giờ là một người bình thường cả, biết không?


Thế hệ của Lý Tầm Hoan ra đi, thế hệ của Diệp Khai thay thế. Trong chừng mực nào đó, Phó Hồng Tuyết cũng là một bi kịch, hay chí ít số phận của ngọn ma đao này đã phủ lên những truyền kỳ có sự xuất hiện của anh ta một sắc màu bi kịch.
Thế hệ thứ ba của Yến Thập Tam và Tạ Hiểu Phong cũng vậy, nhất là Tạ Hiểu Phong. Đọc Tam thiếu gia đích kiếm lần đầu thấy choáng cả người. Chưa bao giờ có một truyện kiếm hiệp nào được viết theo cái đường lối ấy. Tạ Hiểu Phong là một tượng đài, một huyền thoại võ lâm không kém gì Lý Tầm Hoan, nhưng rốt cục vẫn không thoát nổi cái bóng mây ám ảnh của bi kịch.

Series thứ hai của nhóm này là Tiêu Thập Nhất Lang. Tiêu Thập Nhất Lang, Thẩm Bích Quân, Phong Tứ Nương, Liên Thành Bích, ngay cả Dương Khai Thái, Băng Băng, Tiêu Dao hầu đều có bi kịch của riêng mình.

Đọc Tiêu Thập Nhất Lang có cái thích riêng, khác với Tiểu Lý phi đao hệ liệt. Bi kịch của Phó Hồng Tuyết là thù hận, bi kịch của Tạ Hiểu Phong là lạc lối và không tìm được lý tưởng cho mình, đọc nặng đầu, khô khan mà tàn nhẫn. Tiêu Thập Nhất Lang mỗi bi kịch đều gắn với tình yêu, nên nó mềm mại, dịu dàng và có sắc màu hơn, thê lương mà đẹp đẽ.


Nhóm (2) thì dễ thấy rồi. Lục Tiểu Phụng, Sở Lưu Hương, Đinh Hỷ, Đặng Đình Hầu, Tiểu Mã toàn một bọn thích gì làm nấy, chơi bời đú đởn, uống rượu như hũ chìm, gặp gái là tà lưa thật lực. Nhóm này khái quát lại bằng hai chữ “carpe diem” – seize the day, sống gấp và tận hưởng cuộc sống đến cùng cực.

Hai nhóm tiểu thuyết trên tiêu biểu cho hai mặt trong một con người của Cổ Long. Đại diện cho nhóm thứ nhất là Lý Tầm Hoan, đại diện cho nhóm thứ hai là Sở hương soái. Không phải ngẫu nhiên mà Kiều Kỳ viết đôi câu đối điếu Cổ Long lại là:

“Tiểu Lý phi đao thành tuyệt hưởng
Nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương.”

Đoạn “vượt qua mô thức, thâm nhập thế giới” thì có hơi khoa trương, nhưng nói Cổ Long tiếp thu Hemingway thì quả là rất đúng.


Nếu Larra đọc Ông già và biển cả thì sẽ thấy cái lối đối thoại cụt ngủn của Cổ Long rõ ràng là chịu ảnh hưởng từ những đoạn trò chuyện ngắn ngủi giữa ông lão đánh cá và cậu bé. Và tư tưởng của Cổ Long cũng vậy. Triết lý của The old man and the sea là gì, nếu như không phải là sự khẳng định chính mình, hiện thực hóa sự tồn tại của bản thân trong thế giới này bằng những dũng cảm, phấn đấu và tin tưởng tột cùng, điều mà những nhân vật của Cổ Long cũng luôn hướng tới…

Nhắc đến hai chữ “tồn tại”, tự nhiên nhớ đến cái câu nói đầy thách thức của Hajime Saito trước Kenshin, mà bản dịch tiếng Anh có thể nói đã dịch một cách xuất thần “I deny your existence”. Với Hemingway và Cổ Long, câu nói ấy nên sửa lại thành “I realize my existence”.

Chính trong lời tựa của Cổ Long cũng đã nhắc đến Ông già biển cả như một tác phẩm tôn vinh “giá trị của lòng dũng cảm và sự đáng quý của sinh mệnh”.


Nói nỗi buồn của Cổ Long tầm thường khi so sánh với Kim Dung e là hơi nặng lời. Tư tưởng của ông hướng về những lãng tử “vô ưu” chẳng vướng buồn phiền như Vương Lân Hoa thi tửu phong lưu, Lục Tiểu Phụng đa tình, Sở Lưu Hương cười cười vuốt mũi; vì thế trong truyện Cổ Long ít có những đoạn dramatic như cái chết của A Châu – mà thực ra là sự lặp lại cái chết của Desdemona.

Nhưng như thế không có nghĩa là nỗi buồn trong Cổ Long tầm thường. Nếu so sánh giữa cái lụy tình của Lệnh Hồ Xung và lụy tình của Lý Tầm Hoan, có thể người ta sẽ cười họ Lý dở hơi, nhưng nếu giữa hai sự lụy tình ấy có một tầm thường thì hẳn nó sẽ là Lệnh Hồ Xung thì đúng hơn.

Cá nhân tôi cho rằng Thạch Tú Vân chết trong tay Hoa Mãn Lâu đẹp và bi thương không kém gì A Châu chết trong tay Tiêu Phong. Cái đồng cảm của nàng với tâm hồn thanh khiết giữa căn gác đầy hoa kia không thể nói là kém cao quý hơn cái đồng cảm của A Châu với kẻ anh hùng của Nhạn Môn Quan, bởi vĩnh viễn không bao giờ có thứ ái tình nào thấp kém.


Phi đao lệ bất hư phát của Lý Tầm Hoan, phải chăng cũng giống như bộ xương cá dài sáu mét của lão Santiago, là hai minh chứng vĩnh cửu cho sự phấn đấu không mệt mỏi của con người… Ánh mắt trìu mến của Tôn Tiểu Hồng, có khác gì ánh mắt của cậu bé nhìn ông lão, những ánh mắt “vì người mình yêu thương mà kiêu hãnh”…

Vi Nhất Tiếu
Nguồn: Kiếm Hiệp Cốc