Con người dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải biết nuôi dưỡng bản thân trong sự nghèo khó. (Ảnh: Youtube)
Ruskin từng nói: “Ngoại trừ một tâm hồn chân thành, không có vẻ ngoài nào cao quý cả”. Hoa đẹp đến nhường nào, không có rễ thì cũng khô héo; nước trong đến đâu, không có mạch nguồn rồi cũng cạn kiệt.
Mỗi người đều giống như một cánh diều, dây đủ chắc đủ dài mới có thể bay xa, nếu không cánh diều dù đẹp, cũng chỉ là vật trang trí trong tủ. Con người, thân thể phải nuôi dưỡng trong nghèo khó, tâm hồn phải nuôi dưỡng trong giàu có.
1. Thân thể phải nuôi dưỡng trong sự nghèo khó
Tục ngữ có câu: “Nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái”, kỳ thực bất luận là con trai hay con gái, đều phải được nuôi dưỡng trong sự nghèo khó. Nuôi dưỡng thân thể trong sự nghèo khó, là một quá trình mài giũa bản thân.
Phải dưỡng thân trong sự nghèo khó, dục vọng vật chất đừng quá lớn. Dục vọng vừa đủ có thể khiến con người tiến bộ, một khi dục vọng bành trướng có thể khiến con người bị mê hoặc, khiến bạn không nhìn rõ phương hướng, đi vào con đường lầm lạc.
Dục vọng là thứ vô cùng vô tận, con người cần học cách kiểm soát nó. Dục vọng quá lớn, lòng người không thỏa mãn, sẽ cảm thấy mệt mỏi, biết đủ mới có được hạnh phúc dài lâu.
Bạn có thể nỗ lực, nhưng không cần lần nào cũng yêu cầu bản thân phải xếp hàng đầu; bạn có thể coi trọng tiền bạc, nhưng đừng để lúc nào trong mắt cũng chỉ có tiền; bạn có thể cố gắng để có được căn nhà lớn hơn, nhưng đừng coi căn nhà là mục tiêu duy nhất.
Hãy thả lỏng bản thân, sống “nghèo” một chút cũng chẳng có gì xấu, nội tâm tầm thường dù có khoác thêm danh hiệu nổi tiếng cũng không thể tăng thêm khí chất của bạn; xe xịn nhà to cũng không khiến bạn nhận được sự trân trọng của người khác.
Cháo nhạt rau dưa là xong một bữa, hải sâm tổ yến suy cho cùng cũng chỉ là một bữa, nhà cửa ở khắp nơi cũng chỉ có thể sống ở một nơi. Đừng quá coi trọng vật chất, con người ấy, sống vui vẻ mới là quan trọng nhất.
Dưỡng thân trong sự nghèo khó, đừng quá coi trọng thể diện. Người Á Đông coi trọng thể diện nhất, trong cuộc sống hàng ngày cũng có rất nhiều người vì thể diện mà làm những việc quá sức mình. Thực ra, thể diện là thứ không cần thiết nhất.
Thể diện chân chính, không phải dùng tiền đắp thành, bạn thấy rằng trước mặt những trọc phú mọi người đều tỏ rõ sự coi thường. Thể diện chân chính là do chính bạn gây dựng, không liên quan đến tiền bạc.
Đừng quá để tâm đến thể diện, đừng vì thể diện mà làm những việc quá sức. Làm những việc tốt việc thực trong phạm vi năng lực của mình mới là có thể diện chân chính.
“Hoàng đế nội kinh” nhấn mạnh đến thuyết cân bằng âm dương. Dưỡng thân trong sự nghèo khó vừa không chỉ áp dụng trong Trung y, mà còn được áp dụng trong cuộc sống, đó chính là sự khôn ngoan của tổ tiên chúng ta.
2. Tâm phải nuôi dưỡng trong sự giàu có
“Tâm tốt mệnh cũng tốt, phú quý mãi đến già; mệnh tốt tâm không tốt, phúc chuyển thành điềm họa; tâm tốt mệnh không tốt, họa chuyển thành phúc báo”.
Tâm là căn bản của con người, là suối nguồn của sinh mệnh, là gốc rễ của cuộc sống. Tâm phải nuôi dưỡng trong giàu có, phải nhân hậu lương thiện.
Lương thiện là bùa hộ thân tốt nhất của con người, tâm không thiện, nếu chịu sự kích động, có thể đi sai đường. Nội tâm khoan dung lương thiện, mới có thể khiến bản thân sống trong sự thoải mái vui vẻ.
Shakespeare từng nói: “Tấm lòng lương thiện chính là vàng”. Hugo cũng từng nói: “Sự lương thiện là viên trân châu hiếm có trong lịch sử, người lương thiện dường như ưu tú hơn cả người vĩ đại”. Lương thiện và phúc hậu là tấm thẻ tín dụng của mỗi người, mọi người đều vui vẻ giao thiệp và hợp tác với một người lương thiện, vô hình chung mở rộng nhân duyên của họ, cơ hội của họ cũng tăng lên.
Làm người lương thiện và phúc hậu, nghĩa là trước sau như một, thiện niệm luôn được ấp ủ trong lòng. Trong tâm hồn mỗi người đều tồn tại một con người phản diện, người lương thiện sẽ biết xiềng xích con người phản diện đó lại. Làm người lương thiện, không đầu cơ trục lợi, không giở trò bịp bợm, luôn khắc ghi sự chân thành và chân thực.
Lương thiện là bùa hộ thân tốt nhất của con người. (Ảnh: Pinterest)
Tâm phải nuôi dưỡng trong sự giàu có, lúc nào cũng phải được lấp đầy. Tâm hồn một người giàu có phong phú hay không, then chốt chính là trong đó có chứa thứ gì hay không. Sách vở là chất dinh dưỡng của tâm hồn, dành thời gian rảnh rỗi để đọc sách, đọc báo, dùng tri thức để làm phong phú nội tâm và đầu óc của mình, chỉ có như vậy, khi gặp phải sự cố mới có thể bình thản ung dung, không hoảng hốt.
Ngoài đọc sách, thực hành, quan sát và suy ngẫm cũng là cách để trấn định bản thân và làm phong phú nội tâm. Một người từng trải, hiểu biết sâu xa, thì khả năng suy nghĩ sẽ rộng mở, nội tâm cũng từ đó có được cảm ngộ và khai sáng hơn.
Thân phải nuôi dưỡng trong sự nghèo khó, tâm phải nuôi dưỡng trong sự giàu có. Thứ thu hút mọi người không phải là ví tiền căng phồng ở thắt lưng, mà là một tâm hồn lương thiện và một cái đầu nhìn xa trông rộng.
Theo Tinh Hoa