Trong lịch sử từng ghi nhận rất nhiều trường hợp con người tiến nhập vào không gian khác, sau khi trở lại thì đã thấy nhiều năm trôi qua. Dân gian còn lưu lại truyền thuyết về con tằm, cũng liên quan đến vấn đề độn nhập sang không gian khác.
Truyền thuyết về con tằm và tơ lụa có liên quan đến việc tiến nhập vào không gian khác. (Ảnh: The UK Mirror Service)
Duyên kỳ ngộ của A Xảo
Theo truyền thuyết dân gian, trước kia tại vùng Hàng Châu có một cô bé vô cùng thông minh lanh lợi tên là A Xảo. Lúc A Xảo lên 9 tuổi thì mẹ qua đời, bỏ lại cô cùng với một đứa em trai 4 tuổi. Người cha sau đó đã lấy một vợ kế, nhưng người này lại đối xử với hai chị em A Xảo rất cay nghiệt.
Một ngày mùa đông, mẹ kế gọi A Xảo đến rồi đưa cho cô một cái giỏ tre, nói rằng hãy đi lên sườn núi phía Bắc cắt cỏ cho dê ăn. Đây thực ra chỉ là một cách làm khó dễ, giữa trời đông gió rét như vậy, lấy đâu ra cỏ tươi mà cắt. Nhưng A Xảo trời sinh tính tình lương thiện, cô bé không nói gì thêm, cặm cụi bước ra ngoài.
A Xảo đi từ sáng sớm đến chiều tối, tìm khắp các sườn núi, bờ sông, nhưng một cọng cỏ tươi cũng không tìm thấy. Vừa lạnh, vừa đói lại vừa lo sợ, A Xảo chỉ biết ngồi giữa sườn núi mà khóc to lên. Đang khóc, đột nhiên nghe thấy trên không trung vang lên một giọng nói:
“Muốn cắt được cỏ tươi, hãy đến chỗ khe suối lưng chừng núi! Muốn cắt được cỏ tươi, hãy đến chỗ khe suối lưng chừng núi”.
A Xảo ngẩng đầu lên thì thấy một con chim nhỏ đầu bạc đang vỗ cánh bay về phía khe suối. A Xảo liền đứng dậy, lau khô nước mắt, chạy theo chú chim đầu bạc. Nhưng loáng một cái, đã không thấy chú chim đâu, chỉ thấy xuất hiện một khe suối, phía trước là một cây tùng già, cành lá um tùm như chiếc ô nhằm che đi con đường vào khe suối.
A Xảo vén cành cây đi vào bên trong, phát hiện có một dòng suối nhỏ trong veo, nước chảy róc rách. Hai bên suối là bờ hoa hồng xanh mướt, đẹp tựa như mùa xuân, không có chút bóng dáng nào của mùa đông. A Xảo bất tri bất giác tiến nhập vào không gian khác.
A Xảo và Bạch Y cô cô
A Xảo trông thấy những rặng cỏ xanh tốt, giống như nhặt được bảo bối, vội vàng cắt liên hồi. Cô vừa đi vừa cắt, càng đi càng xa, cuối cùng đã đến phía cuối dòng suối nhỏ.
Cô cắt đầy một sọt cỏ, đứng lên lau mồ hôi trên trán, thì thấy phía trước không xa có một vị Bạch Y cô cô, trong tay xách một chiếc giỏ tre, đang vẫy tay với A Xảo.
Bạch Y cô cô cười nói với A Xảo: “Tiểu cô nương, cô đã đến nơi này rồi, hãy ở với chúng ta vài ngày đi!”.
A Xảo nhìn quanh, thấy trước mắt lại là một thế giới khác: Giữa sườn núi là những ngôi nhà ngăn nắp có tường màu trắng, ngói màu trắng, vô cùng sạch sẽ. Trước phòng là những rặng cây nhỏ, lá xanh mướt, to hơn bàn tay, cũng có rất nhiều cô cô áo trắng khác, đều mang theo rổ tre, vừa cười hát vui vẻ, vừa hái những lá cây kỳ lạ đó. A Xảo nhìn thấy cuộc sống như vậy thì vô cùng thích thú, liền đồng ý ở lại.
Từ đó, A Xảo sống cùng với các cô cô áo trắng, ban ngày đi hái lá non trong rừng, ban đêm dùng lá cây đó cho một loại sâu nhỏ li ti màu trắng ăn. Thời gian dần qua, con sâu nhỏ đã trưởng thành, nhả ra những sợi tơ óng ánh, rồi lại đan thành những quả trứng nhỏ màu trắng giống quả hạch đào.
Con tằm ăn lá dâu. (Ảnh: Thinglink)
Những cô cô áo trắng đã dạy cho A Xảo đem những quả hạch đào nhỏ này, rút thành những sợi tơ, rồi lại dùng các loại trái cây nhuộm màu lên đó. Chẳng hạn, trái cây màu xanh nhuộm tơ xanh, trái cây màu hồng nhuộm tơ hồng, trái màu vàng nhuộm tơ vàng…
Bạch Y cô cô còn nói với A Xảo: “Những con sâu nhỏ này gọi là ‘Thiên Trùng’, cho Thiên Trùng ăn lá gọi là ‘Tang Diệp’ (lá dâu), những sợi có màu sắc sặc sỡ này là sợi tơ, dùng để thêu long bào cho Thiên Đế, còn để Chức Nữ dệt mây gấm”. Nghe xong, A Xảo thực sự cảm thấy được mở mang tầm mắt.
A Xảo ở trong khe suối cùng với các cô cô áo trắng, cùng cho Thiên Trùng ăn, cùng nhau kéo tơ, cứ thế thời gian trôi qua rất nhanh, loáng một cái đã là 3 tháng.
A Xảo trộm vật báu
Một hôm, A Xảo chợt nhớ đến đứa em trai cùng chung hoạn nạn của mình, nghĩ rằng nếu như có thể đưa em đến đây ở chung thì tốt biết mấy. Thế là ngay ngày hôm sau, trời mới tờ mờ sáng, A Xảo không kịp nói gì với Bạch Y cô cô, đã vội vã tìm đường trở về nhà.
Trước khi đi, A Xảo còn mang theo một ít trứng Thiên Trùng và 2 túi hạt giống cây dâu, vừa đi vừa rải xuống đường, trong lòng nghĩ, ngày mai chỉ cần lần theo dấu vết những hạt giống này thì có thể quay lại được.
Nào ngờ, A Xảo về đến nhà thì thấy cha đã già rồi, đứa em trai cũng đã trở thành một thanh niên cao lớn. Người cha gặp lại A Xảo, mừng mừng tủi tủi nói: “A Xảo à, con đi đâu mà mười lăm năm rồi mới trở về. Những năm qua con sống ở đâu?”.
A Xảo nghe xong, liền đem hết sự tình gặp được trên núi kể lại cho cha nghe. Hàng xóm thấy A Xảo trở về, cũng đều tới hỏi thăm, mọi người cho rằng cô đã gặp được tiên nhân rồi.
Sáng sớm hôm sau, A Xảo chuẩn bị trở lại khe suối, nhưng vừa bước chân ra khỏi cửa, đã thấy những hạt giống cây dâu đã hóa thành một rừng dâu xanh mơn mởn, bởi vì trước đó cô vứt hạt giống để đánh dấu, nay đã mọc thành cây. Cô đi dọc theo rừng cây thẳng đến khe suối, tới chỗ cây tùng già, nhưng tìm thế nào cũng không thấy lối đi vào.
A Xảo đứng ngẩn người trước cây tùng, chợt thấy chú chim đầu bạc từ phía sau cây tùng bay tới kêu: “A Xảo trộm báu vật, A Xảo trộm báu vật”.
Lúc này A Xảo mới nhớ rằng trước khi đi, đã không nói với Bạch Y cô cô một tiếng, còn cầm trứng Thiên Trùng và hai túi hạt giống cây dâu đi, nên nhất định là Bạch Y cô cô đã tức giận, nên giấu đi lối vào không cho cô quay lại.
A Xảo đành buồn bã trở về nhà, đem trứng Thiên Trùng đi ấp, lại hái lá dâu non, nuôi dưỡng chúng trưởng thành, sinh sôi nảy nở. Bắt đầu từ đây, nhân gian mới biết đến Thiên Trùng. Về sau, người ta kết hợp hai chữ Thiên Trùng lại, gọi là con Tằm. Nghe nói, Bạch Y cô cô mà A Xảo gặp ở lưng chừng núi chính là vị Thần chưởng quản kén tằm tên là Hoa Nương Tử.
Tuệ Tâm biên dịch