Thursday, July 2, 2020

KHÁM PHÁ VĂN MIẾU - ĐỊA DANH TƯỞNG CHỪNG BỊ LÃNG QUÊN CỦA HUẾ

Từ trung tâm thành phố Huế, chạy dọc đường Trần Hưng Đạo rợp bóng phượng sẽ đến vùng đất Kim Long cổ kính, nơi tọa lạc của nhiều công trình kiến trúc cổ, một thời là thủ phủ của các bậc Vương, Quan nhà Nguyễn. Và ngay khi vừa đi qua Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu xuất hiện trên một ngọn đồi thấp, lấy phân nhánh của Trường Sơn làm thế tựa lưng, xung quanh có la thành bao bọc.


Văn Miếu Huế còn có tên gọi khác là Văn Thánh Huế, Văn Thánh Miếu, được xây dựng năm 1808, dưới thời vua Gia Long. Bấy giờ, trường Quốc Tử Giám cũng được lập ở đây và hoạt động đến năm 1908 mới dời về thành Nội.

Cùng với Văn Miếu Quốc Tử Giám, Văn Miếu Huế được lập ra với mục đích tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho trong thời kỳ thịnh trị nhất – đây cũng chính là thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước. Toàn bộ công trình gồm 50 hạng mục lớn nhỏ, bao gồm Văn Miếu, điện thờ chính Đức Khổng Tử và Tứ Phối, Thập Nhị triết. Đông vu và Tây vu thờ thập nhị Hiền và các tiên nhỏ; Trần Trù; Trần Khố; Nhà Tổ Công….. các công trình đều được kết cấu mái bằng gỗ quí. Kiến trúc và các đồ tự khí đều mang tính đăng đối, uy nghi, văn vẻ, triết lý nho học rất bài bản, chu đáo. Tuy nhiên, do tàn tích chiến tranh và thời gian, hiện nay, một vài công trình đã bị hư hại.


Từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là ngôi đại điện thờ Khổng Tử, tên gọi là Đại Thành Điện. Những tên gọi này thống nhất cho tất cả Văn Miếu ở trung ương và địa phương, kể cả những Văn Miếu ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... những công trình tương tự như vậy đều có tên gọi như nhau.


Điện Đại Thành là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Cấu trúc của ngôi đại điện theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Ở hai bên trước điện Đại Thành, dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian.



Vào tiếp bên trong là 32 tấm bia tiến sĩ, được dựng thành hai dãy đối diện nhau, khắc ghi 293 vị tiến sĩ đậu chánh bảng các kỳ thi Hội được tổ chức dưới triều Nguyễn.



Suốt thời Gia Long trị vì, triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương nên không có tấm bia tiến sĩ nào được dựng ở Văn Miếu. Đến thời Minh Mạng mới mở các khoa thi hội, nên bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng. Các "tiến sĩ đề danh bi" được lần lượt dựng lên ở sân Văn Miếu từ năm 1831 đến năm 1919, năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Ðịnh. Tất cả các tấm bia có rùa đội bia, được làm bằng đá thanh hoặc cẩm thạch. Có nhiều cái tên nổi tiếng được khắc ghi ở đây như Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Phạm Hàm,...




Dù ở vị trí non nước hữu tình và có lối kiến trúc cổ kính, nhưng vì sự khai thác chưa đúng cách đã khiến Văn Miếu không được giới thiệu đến nhiều người, thậm chí là chẳng mấy ai biết đến sự tồn tại của ngôi miếu này. Thỉnh thoảng lắm mới có được một vài đoàn khách nước ngoài ghé thăm một chút rồi đi, còn không nơi này làm địa điểm tụ tập, tán gẫu của vài nhóm bạn trẻ, hoặc khách vãng lai đi đường tấp vào nghỉ mệt. Tuy nhiên, nếu có dịp đến thăm ngôi miếu Văn Miếu này một lần, thì hẳn bạn sẽ hiểu rõ, nhớ rất kỹ những vẻ đẹp nghiêm trang cổ kính hòa cùng thiên nhiên sông nước hữu tình nơi đây. Vì vậy, đối với những ai thích tìm hiểu về lịch sử của các đời vua chúa Huế, hay thời lịch sử xa xưa, thì Văn Miếu chính là một địa điểm tham quan ý nghĩa, thú vị và đầy tính nhân văn.


Nguồn: Huong River Service