Sunday, August 23, 2020

BÍ ẨN ĐỊNH NAM ĐAO, BINH KHÍ CỦA MẠC THÁI TỔ

Hôm nay xem clip của Challenge Me, một clip khám phá về đền thờ vương triều Mạc và thanh Định Nam đao cho tôi thêm một hiểu biết mới về triều đại nhà Mạc. Thấy hay nên lên mạng tìm bài để chia sẻ và clip video tôi sẽ post phía dưới bài.(LKH)

Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc

Tương truyền, đây là thanh đao bất ly thân của vua Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung và nó cũng gắn liền với suốt sự nghiệp chinh chiến, bình thiên hạ của ông.

Mạc Thái Tổ (1483-1541)

Tên thật là Mạc Đăng Dung, là người ở huyện Cổ Trai, Nghi Dương, nay là Kiến Thụy, Hải Phòng. Ông sinh ra trong 1 gia đình nghèo, làm nghề đánh cá. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc dòng họ Mạc của ông nhưng đa phần các học giả đồng ý với lý giải Mạc Đăng Dung là con cháu 7 đời của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Thời trai trẻ, Đăng Dung có sức khỏe nổi trội, có hoài bão, chí lớn nhưng không gặp thời nên hay đi đánh vật kiếm tiền thưởng sống qua ngày. Nhưng vô tình, cũng chính điểm mạnh đó đã giúp ông thi đỗ Đệ nhất Đô lực sĩ (hay còn gọi là Võ trạng nguyên), từ đó gia nhập chốn quan trường.

Bắt đầu với thân phận quân Túc Vệ, rồi được phong làm Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ, con đường công danh của Mạc Đăng Dung lên nhanh như diều gặp gió, từng giữ chức phó tướng Tả đô đốc, trấn thủ Sơn Nam hay được phong tước Vũ Xuyên Bá khi chỉ mới gần 30 tuổi.

Mạc Thái Tổ

Có công lớn trong các lần dẹp loạn nổi dậy, tiêu diệt được nhiều lực lượng chống đối triều đình nên Mạc Đăng Dung được phong làm Nhân quốc công rồi Thái phó. Lúc này binh quyền nằm cả trong tay, có thể kiểm soát toàn bộ triều đình,

Sau nhiều biến cố lớn cũng như toan tính từ các thế lực khác nhau, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai về kinh, ép Lê Cung Hoàng viết chiếu nhường ngôi.

Từ đó, Mạc Đăng Dung lên ngôi, chính thức lập ra nhà Mạc. Tuy mang nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận, sau những năm tháng suy tàn cuối cùng của nhà Lê, việc lập ra nhà Mạc đã khẳng định tài thao lược và trí lớn hơn người của Mạc Đăng Dung.

Số phận chìm nổi của Định Nam Đao

Trong những năm tháng chinh chiến dọc ngang dẹp họ Trần, diệt họ Trịnh, Nguyễn, ít ai biết Mạc Đăng Dung luôn mang theo bên mình 1 thanh đại đao to lớn có tên Định Nam Đao.

Tương truyền, trước khi làm quan, Mạc Đăng Dung có đi qua 1 lò rèn nọ, người thợ rèn chính trong đó thấy qua tướng mạo ông quá đặc biệt, biết rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn, nhưng không phải từ con đường học vấn mà chính nhờ nghề binh nghiệp.

Dù hen ri nhưng phần lưỡi đao vẫn giữ được hình dáng vốn có.

Chính vì vậy, người thợ rèn nọ bèn đúc 1 thanh long đao tặng Đăng Dung và nói: "Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn", điều đó như 1 lời tiên đoán ông sẽ lập nên triều đại mới chính nhờ thanh đao này.

Nhớ lại, năm xưa cũng chính với thanh long đao đặc biệt này, Mạc Đăng Dung đã đỗ Võ Trạng nguyên tại Giảng Võ Đường ở Thăng Long. Không những thế, nó còn là binh khí quan trọng luôn sát cánh với Đăng Dung trong những trận chiến lớn.

Định Nam Đao.

Sau này, khi nhà Mạc thất thủ năm 1592, con cháu Mạc Đăng Dung mang theo bảo đao, lui về đất Kiến Lao, Thiên Trường (Nam Định ngày nay), đổi sang họ Phạm để ẩn thân, tránh khỏi sự truy sát của kẻ thù. Tuy vậy, thanh đao vẫn là bảo vật được thờ cúng linh thiêng.

Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, thanh bảo đao này thất lạc vào năm 1821, mãi đến năm 1938 mới tìm lại được. Lúc đó, dù đã rỉ sét nhưng thanh đao vẫn nặng gần 25kg, dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi dài 0,95m), ước tính, khi còn mới, nó phải nặng tới 30kg, ngang ngửa Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ năm xưa.

Chuôi đao hình đầu rồng đang há miệng gắn liền với lưỡi đao.

Nhưng điều khiến nó đặc biệt hơn là bởi đây là 1 cổ vật có tuổi đời đến 500 năm, còn thanh Yển Nguyệt đao cua Quan Vũ dù sao cũng mang nhiều tính chất thần thoại.

Hiện nay, Định Nam Đao là 1 trong 2 thanh đao duy nhất còn tồn tại mà từng được 1 vị hoàng đế châu Á sử dụng. Thanh đao còn lại là của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn nhà Bắc Tống,

Định Nam Đao không chỉ là bảo vật của dòng họ Mạc (hoặc Phạm gốc Mạc) mà nó còn là 1 hiện vật vô giá đối với lịch sử nước ta. Sau nhiều năm chinh chiến rồi lưu lạc, thanh đao thấm đẫm tinh thần và ý chí của 1 vị vua Đại Việt vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Theo Soha