Tuesday, August 25, 2020

TỨ HỔ TRÀNG AN

Đó là 4 người làm báo lừng danh ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX.

Ở Hà Nội, báo chữ Việt đầu tiên là tờ “Đông Dương tạp chí” (1913-1919), đăng tải các vấn đề xã hội, làm nhiệm vụ truyền bá văn hóa, văn minh Pháp tới bạn đọc thông qua kiểu làm “nửa văn, nửa báo”. Ngày 7-1-1915, chính phủ bảo hộ ra thêm tờ “Trung Bắc tân văn” để đăng tải thông tin chính trị.

Từ trái qua: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh

Viết báo thời kỳ này hầu hết là trí thức Nho học và Tây học, trong đó nổi bật là nhóm “Vĩnh, Quỳnh, Tốn, Tố” (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố) còn được gọi là “tứ hổ Tràng An”.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam, nhà chính trị. Khi viết bài, ông ký nhiều bút danh: Tân Nam Tử, Quan Thành, Tông Gia, Lang Gia, Mũi Tẹt Tử, Đào Thị Loan…

Ông được F. H. Schneider – một chủ nhà in, nhà xuất bản và nhiếp ảnh gia người Pháp – mời hợp tác và in ấn tờ Đại Nam đồng văn nhật báo (Tờ báo hằng ngày của nước Đại Nam chung một văn tự) xuất bản bằng chữ Hán. Ngày 28-3-1907, tờ báo được đổi tên là Đăng cổ Tùng báo (Khêu đèn gióng trống) và in bằng cả hai thứ chữ Nho và chữ Quốc ngữ, ông được cử là chủ bút.

Khi chính phủ bảo hộ chủ trương ra tờ “Đông Dương tạp chí” bằng chữ quốc ngữ, ông được mời làm chủ bút. Ông là người Việt Nam duy nhất cùng với 4 người Pháp đồng ký tên đòi trả tự do cho Phan Châu Trinh.

Phạm Quỳnh (1892-1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ – thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp như người thời đó thường dùng – để viết lý luận, nghiên cứu. Từ năm 1916, ông tham gia viết báo cho một số tờ. Ông làm chủ bút “Nam Phong tạp chí” từ ngày 1-7-1917 cho đến năm 1932.

Từ trái qua: Pham Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố

Phạm Duy Tốn (1883-1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy.

Hồi ký của Phạm Duy cho biết, năm 1913, giai đoạn Phạm Duy Tốn còn làm việc cho Ngân hàng Đông Dương ở Mông Tự, Trung Quốc, ông có viết bài gửi về cho tờ Đông Dương tạp chí. Các tài liệu khác nhau cho thấy Phạm Duy Tốn từng viết cho các tờ Đông Dương tạp chí (bút hiệu Ưu Thời Mẫn), Trung Bắc tân văn, Công thị báo, Nam phong, Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm (bút hiệu Đông Phương Sóc), Thực nghiệp dân báo, Đăng cổ tùng báo, Đông Pháp thời báo…

Nguyễn Văn Tố (1889-1947) thuở nhỏ học chữ Hán, sau đó sang Pháp học, đỗ bằng Thành Chung (Trung học), làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội), chuyên về văn học cổ Việt Nam. Ông từng làm Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ trước năm 1945.

Công trình trước tác của ông (vừa chữ quốc ngữ vừa chữ Pháp) rất có giá trị, phần lớn được in trong các tạp chí Trí Tri, Viễn Đông Bác Cổ, Tri Tân… xuất bản ở Hà Nội.

Theo Báo Đà Nẵng