Wednesday, August 26, 2020

ĐỨC LÀ GỐC, TÀI LÀ NGỌN, MUỐN CẦU PHÚ QUÝ PHẢI CÓ LÒNG NHÂN

Sách “Đại học” viết rằng: “Đức là gốc, tài là ngọn, nếu gốc ngọn đảo lộn thì người người ắt tranh đoạt với nhau.” Chu Hy bình: “Nhân giả tán tài dĩ đắc dân, bất nhân giả vong thân dĩ thực hoá”, nghĩa là người nhân đức dùng tiền tài giúp đỡ dân chúng mà tăng thêm phúc đức, đắc được lòng người, còn kẻ bất nhân thì cam chịu hiểm nguy tới bản thân để truy cầu phú quý, tăng thêm sản nghiệp. Đây cũng là một cách để phân biệt lòng người.


Trong “Sử Ký – Hoá Thực liệt truyện” của Tư Mã Thiên có câu: “Phú hiếu hành kỳ đức”, nghĩa là người giàu có thích cứu tế những người nghèo khó, nguy nan, làm những việc có đạo đức.

Sử ký có kể câu chuyện của Phạm Lãi, người nước Sở, từng phò tá Việt Vương Câu Tiễn đánh bại quân Ngô, xưng bá thời hậu Xuân Thu. Sau khi Việt Vương thành đại nghiệp, Phạm Lãi tự động rút đi, về kinh doanh buôn bán, trở thành một thương nhân vô cùng nổi tiếng.

Trong vòng 19 năm, 3 lần Phạm Lãi trở thành người cực kỳ giàu có, và cũng 3 lần ông lấy toàn bộ gia sản của mình cứu tế cho dân nghèo. Nếu quy đổi giá trị tài sản của Phạm Lãi về thời nay, thì có lẽ ông đã sở hữu tài sản bằng vài tập đoàn lớn nhất toàn cầu gộp lại. Sự nhân đức của Phạm Lãi chính là biểu hiện cảnh giới rất cao của “thương đạo” – đạo của người kinh doanh.


Phạm Lãi chính là kiểu người có lòng nhân, không cầu phú quý mà phú quý tự tìm đến, chính hợp với câu “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” – đạo trời không phân biệt hay thiên vị thân sơ, nhưng lại thường trợ giúp người lương thiện, bởi người lương thiện phù hợp với đạo trời.

Trong lịch sử cũng ghi lại những câu chuyện về người mệnh bạc, không biết thuận theo thiên ý, dù có nài ép thế nào vẫn không thể hưởng được tiền tài danh vọng.

Vương Vô Ngại thời nhà Đường thích đánh bạc, ăn chơi và thích nuôi diều hâu, chim ưng. Hoàng đế Đường Thái Tông thời còn chưa đăng cơ từng cá cược với Vương Vô Ngại trong một lần chơi bạc. Sau này khi Đường Thái Tông lên ngôi hoàng đế, Vương Vô Ngại lo sợ hoàng đế nhớ tới lần cá cược kia, nên sống ẩn mình.

Đường Thái Tông từng lệnh cho sai dịch mang một con diều hâu ra chợ bán, từ đó tìm được Vương Vô Ngại. Khi Đường Thái Tông triệu ông ta tới hoàng cung, Vương Vô Ngại hoảng sợ xin tha tội. Tuy vậy Đường Thái Tông cười và còn thưởng cho ông ta: Để ông ta tới cổng Xuân Minh đợi xe ở các châu đi tới, những đồ vật trên xe đều tặng lại cho Vương Vô Ngại.


Vương Vô Ngại ngồi ở cổng Xuân Minh 3 ngày, nhưng vì cầu sông Bá bị hỏng, nên chỉ nhận được 3 xe cây gai, mà không được bất cứ thứ gì khác.

Đường Thái Tông từ chuyện đó biết Vương Vô Ngại mệnh bạc, nên không ban thưởng cho ông ta thêm bất cứ thứ gì nữa.

Vương Vô Ngại từ sau lần đó thì biết rằng hoàng đế đối tốt với ông ta, nhiều lần cầu xin được làm quan ngũ phẩm. Nhưng Đường Thái Tông nhiều lần nói: “Không phải là ta không muốn cho ngươi, đáng tiếc là người không có số hưởng!”

Đến khi Vương Vô Ngại vẫn kiên quyết truy cầu phú quý, nài nỉ cầu xin, Đường Thái Tông đành phải đồng ý. Nhưng kết quả là ngay đêm hôm đó, Vương Vô Ngại qua đời.

Dấn thân vào hiểm hoạ thiệt thân để truy cầu phú quý, dẫu có thể nhất thời đắc ý, nhưng những thứ không có trong mệnh của mình, thì khi thời vận qua đi, tất cả sẽ trở thành hư không.


Người ta nói, một mẫu ruộng tốt có thể qua tay tới 800 người chủ sở hữu. Nhưng kỳ thực ai là chủ ai là khách đây? 800 người chủ sở hữu kia cũng chỉ như những kẻ qua đường, nay đến tá túc, mai này đã rời đi. Sinh mệnh con người chẳng hề trường cửu, nói chi đến tài sản?

Trong số mệnh một người có phú quý hay không, tiền tài nhiều hay ít, đều là những điều mang theo tới khi sinh, là do phúc đức dày mỏng, là do duyện phận từ những kiếp trước mang tới.

“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử dẫu quý trọng tiền tài, nhưng luôn chú ý thuận theo đạo trời. “Đức là gốc, tài là ngọn”, người mong cầu phú quý thì nhất định phải có lòng nhân.

Thiên Cầm biên tập