Wednesday, August 19, 2020

XIÊM LA: NƠI DUY NHẤT Ở ĐÔNG NAM Á KHÔNG TRỞ THÀNH THUỘC ĐỊA

Thế kỷ 16, người Tây phương với vũ khí hiện đại đã dòm ngó và thôn tính các vùng đất ở phương Đông. Các nước Đông Nam Á trở thành mục tiêu của họ. Năm 1563 người Bồ Đào Nha xâm nhập Ma Cao, năm 1568 người Tây Ban Nha chiếm Philippines, người Hà Lan chiếm đảo Java (60% người Indonesia sinh sống ở đây), và đến thế kỷ 19 người Pháp đến Đại Nam và sau đó xâm chiếm Đông Dương. Trong khi các nước Đông Nam Á đều trở thành thuộc địa của phương Tây, thì duy nhất Xiêm La vẫn giữ được độc lập.


Xiêm La thực hiện chính sách mở cửa

Trong khi Đại Nam (tên của Việt Nam thời nhà Nguyễn) cùng các nước Đông Nam Á khác thực hiện chính sách “đóng cửa” trước sự dòm ngó của phương Tây, thì Xiêm La (tên nước cũ của Thái Lan) lại thực hiện chính sách “mở cửa”, quan hệ ngoại giao với phương Tây ở tất cả các lĩnh vực.

Nước phương Tây đầu tiên và Xiêm La đặt quan hệ là Bồ Đào Nha. Năm 1511, Bồ Đào Nha xác lập việc thống trị ở Malacca, đã gặp gỡ vua Xiêm và ngỏ ý muốn đặt cây thánh giá ở quảng trường lớn, vua Xiêm đồng ý. Đồng thời thiết lập quan hệ tốt với Bồ Đào Nha, xua Xiêm cũng ngỏ ý muốn mua đại bác của Bồ Đào Nha để tấn công Miến Điện (Myanmar).

Cảng của Xiêm La vào thế kỷ 19. (Tranh: British Library, 010056.F.8)

Năm 1604, đến lượt người Hà Lan đến xin đặt các cơ sở buôn bán, vua Xiêm cũng đồng ý cho người Hà Lan được tự do buôn bán.

Sau đó người Anh cũng được đến tự do buôn bán. Nhưng do đến sau, người Anh bị người Hà Lan chèn ép, phải đóng cửa các thương điếm ở Xiêm La.

Năm 1662, người Anh lại đến Xiêm, đàm phán với vua Xiêm các điều khoản nhằm được tự do buôn bán và tránh bị người Hà Lan chèn ép như trước đây. Xiêm La đều vui vẻ đồng ý.

Cũng trong năm 1662, người Pháp đến Xiêm ngỏ ý muốn được tự do truyền đạo và buôn bán và được vua Xiêm chấp nhận.

Bằng chính sách ngoại giao mềm dẻo này, Xiêm La không chống lại phương Tây, mà sử dụng chính các nước phương Tây để chống lẫn nhau. Như khi thế lực Bồ Đào Nha quá mạnh, thì lại dùng Hà Lan để chống lại, đến khi Hà Lan mạnh rồi thì lại dựa vào người Anh để chống lại, v.v…

Hợp tác với phương Tây trong chiến tranh

Năm 1819, Anh chiếm được Singapore, chuẩn bị thôn tính Malaysia và thị trường Xiêm La.

Năm 1822, Anh có cuộc đàm phán với Xiêm La, yêu cầu được tự do buôn bán với quyền “tối huệ quốc”, nghĩa là có được chế độ thương mại thuận lợi nhất. Phía Xiêm đề nghị Anh bán vũ khí cho mình. Cuộc đàm phán này đã đi đến Hiệp ước ngày 10/6/1822 giữa Anh và Xiêm La.

Năm 1824, trước việc Miến Điện thường xuyên tấn công Ấn Độ là thuộc địa của mình, Anh quyết định tấn công Miến Điện. Vua Xiêm là Rama III liền cho quân tới biên giới Miến Điện, định chờ cơ hội khi hai bên mệt mỏi hoặc sa lầy thì tiến qua Miến Điện thủ lợi. Tuy nhiên khi Anh đề nghị Xiêm cùng mình tấn công Miến Điện, nhận thấy cuộc tấn công này chỉ có lợi cho Anh, Xiêm La không đồng ý tiến quân.

Năm 1825, Anh cử phái đoàn đến Xiêm La xin tiếp viện đánh Miến Điện, vua Xiêm đồng ý nhưng với điều kiện là tự độc lập tấn công mà không phụ thuộc vào quân Anh.

Quân Xiêm La tấn công Miến Điện bằng đường bộ qua biên giới, quân Anh tấn công Miến Điện từ đường biển. Miến Điện hai đầu thọ địch không thể chống đỡ, vua Miến Điện Bagyido phải ký hiệp ước đầu hàng.

Theo Hiệp ước, Miến Điện phải nhường lại các địa phương vùng biển và các đảo cho Anh, đồng thời phải trả số tiền bồi thường chiến tranh là 1 triệu bảng Anh (tương đương 5 triệu đô la), đây là số tiền khổng lồ lúc bấy giờ. Trong Hiệp ước cũng ghi rõ rằng: “Vua Xiêm là đồng minh rất trung thực của nước Anh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi.”

Xiêm La nhờ tham gia đánh Miến Điện mà vừa thắng được kẻ thù lâu đời trong lịch sử, lại vừa hưởng được rất nhiều các khoản lợi khác, nhờ đó mà càng thêm vững mạnh.

Năm 1826, Xiêm La ký với Anh một Hiệp ước bình đẳng về việc phân chia ảnh hưởng của mình ở bán đảo Mã Lai, nhờ đó mà được hưởng rất nhiều lợi từ quần đảo này.

Giao thương và xóa bỏ được mâu thuẫn với Mỹ

Đến năm 1833, Xiêm La ký một hiệp định thương mại với Mỹ. Mặc dù hiệp định này có vẻ mang lợi nhiều lợi ích thương mại cho Mỹ, nhưng Xiêm La lại được rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật như in ấn, y tế, đóng tàu, v.v…

Bangkok, thế kỷ 19. (Tranh: British Library, T38881)

Đến năm 1840, đến lượt Xiêm chủ động ký tiếp một hiệp ước với Mỹ nhằm đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại giữa hai nước.

Giai đoạn này Mỹ phát triển mạnh, cần mở rộng thị trường, vì thế mà Mỹ đòi hỏi Xiêm nhiều hơn nữa. Năm 1850, Tổng thống Mỹ là Taylor đã cử Josep Barestier đến Xiêm để xem xét lại hiệp ước đã ký năm 1933.

Trong buổi gặp mặt, triều đình Xiêm La niềm nở đón nhận những ý kiến của người Mỹ, dù đó là những ý kiến rất thái quá và bất bình đẳng nhằm độc chiếm thị trường Xiêm La. Khi trở về triều đình Xiêm La mới soạn thảo một công hàm cho Josep Barestier từ chối những yêu cầu thái quá của Mỹ.

Hoàng gia Xiêm La. (Tranh qua sirinyas-thailand.de)

Trước sự từ chối của Xiêm La, Mỹ tuyên bố sẽ dùng vũ lực tấn công. Rồi đe dọa bài trừ hàng hóa Xiêm, cấm thương nhân người Xiêm đến Mỹ buôn bán, đóng cửa thông thương với Xiêm.

Phía Xiêm cũng giải thích rằng mình đã ký nhiều hiệp ước thương mại với những nước khác, vì thế nếu đồng ý với các điều khoản của Mỹ thì buộc Xiêm phải vi phạm các hiệp ước đã ký với các nước khác, điều này là không thể được.

Thấy Xiêm La không đồng ý, người Mỹ buộc phải nhượng bộ. Kỳ thực Mỹ cũng không dám dùng vũ lực hay kinh tế để tấn công Xiêm La, bởi nếu tấn công họ cũng sẽ phải đụng độ với các nước tư bản châu Âu vốn đang có nhiều lợi ích ở Xiêm La. Mặt khác Xiêm La cũng trang bị được vũ khí hiện đại của châu Âu vì thế mà không dễ gì giành được chiến thắng.

Xiêm La – Nơi bất khả xâm phạm

Năm 1885, Pháp cơ bản đã đánh chiếm được Đại Nam. Triều đình nhà Nguyễn phải trao cho Pháp quyền bảo hộ Campuchia. Nước Anh cũng đã có được Ấn Độ và Miến Điện. Cả Anh và Pháp lúc này đều muốn có được Xiêm La vì thế mà xảy ra mâu thuẫn. Thế nhưng nếu hai nước cùng đánh lẫn nhau thì không dễ gì thắng mà thiệt hại sẽ rất lớn, chưa kể đến việc sẽ động chạm đến lợi ích của các nước tư bản khác ở Xiêm.

Chính vì thế mà phía Pháp chủ động ngồi vào bàn đàm phán cùng Anh, hai nước cùng thống nhất hòa giải vấn đề quyền lợi ở Xiêm La, nhằm tiếp tục đảm bảo quyền lợi của mình ở đất nước này.


Với việc mở cửa giao thương, rất nhiều nước tư bản đã vào Xiêm như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ nhưng không một nước nào có đủ sức mạnh để chi phối Xiêm, cũng như biến Xiêm thành thuộc địa của họ.

Chính vì thế mà thời gian này, trong khi khắp thế giới nổ rộ phong trào xâm chiếm mở rộng thuộc địa, trong khi vùng Đông Nam Á hoàn toàn trở thành thuộc địa, thì riêng Xiêm La lại trở thành nơi bất khả xâm phạm, thậm chí phát triển vững mạnh hơn.

Trần Hưng