Saturday, May 1, 2021

TẠI SAO NGƯỜI NAM BỘ KIÊNG BÀY CHUỐI TRONG MÂM NGŨ QUẢ?

Do đặc trưng văn hóa và sản vật nên mỗi vùng miền lại có mâm ngũ quả với hình thức và ý nghĩa khác nhau.

Con số 5 là biểu tượng chung của sự sống. Theo đó, ngũ quả là sự tập hợp đầy đủ các loại trái cây trong đất trời, tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân. Ảnh: Sandra.maika.

Tùy theo vùng miền, người dân mỗi nơi sẽ lựa chọn các loại trái cây khác nhau để bày biện mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên. Người miền Nam thường chuẩn bị 5 loại trái cây: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm theo cách đọc lái chữ "cầu sung vừa đủ xài". Ảnh: Jennydung.

Người miền Nam không dùng chuối để chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết vì phương ngữ thường đọc từ "chuối" thành "chúi" nên họ quan niệm chuối gắn liền chúi nhủi, làm ăn không phất lên được. Ảnh: Unsplash.

Ngoài chuối, người miền Nam sẽ tránh cam, quýt, lê, táo. Bởi theo quan niệm, lê, táo ý nói lê lết, đổ bể, dễ thất bại. Cam, quýt gắn với quan niệm "quýt làm cam chịu" mang ý nghĩa lam lũ, vất vả. Ảnh: Phạm Trường.

Cách bày mâm ngũ quả của người miền Nam bắt đầu với những quả lớn như mãng cầu, đu đủ, dừa đặt lên trước để lấy thế. Tiếp đến, các quả nhỏ được bày lên trên, sắp xếp hợp lý để có hình dạng như ngọn tháp. Ảnh: Sean.ndt.

Ngoài mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài người miền Nam có thể thêm vào mâm ngũ quả trái thơm (dứa) và một cặp dưa hấu. Trái thơm với mong muốn con cháu đầy nhà. Cặp dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng để cầu may mắn. Ảnh: Mademoiselle.phuong.

Nhiều người mua trái cây bày mâm cúng Tết thường rửa cẩn thận để quả bóng, đẹp. Tuy nhiên, việc rửa sẽ làm quả sớm héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước, thu hút ruồi muỗi, bọ tập trung, làm vẩn đục nơi thờ cúng. Thay vào đó, bạn chỉ cần dùng khăn ẩm lau sạch và lựa chọn các quả xanh, có thể giữ được lâu. Ảnh: Esnoticia.

Theo Quỳnh Anh/Zing

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.