Trong lịch sử Trung Hoa, thích khách, sát thủ là những trang nam nhi quả cảm, võ nghệ cao cường và trung thành tuyệt đối. (Ảnh qua Theepochtimes)
Bộ “Sử Ký” vĩ đại của nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên đã miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc suốt 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế. Trong đó, có hẳn một chương những câu chuyện lưu truyền cho hậu thế về các thích khách, sát thủ, gọi là “Thích Khách Liệt Truyện”.
Hãy bắt đầu với câu chuyện về Chuyên Chư – người nổi danh với biệt hiệu thích khách sáng tạo nhất lịch sử Trung Hoa.
1. Chuyên Chư thích sát Ngô Vương Liêu
Vào thế kỷ thứ 6 TCN, Trung Hoa bước vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Các chư hầu tranh nhau trở thành bá chủ. Lúc đó có một hảo hán nước Ngô tên là Chuyên Chư. Người này mắt sâu miệng lớn, lưng hùm vai gấu, oai hùng hữu lực, lại khẳng khái, ghét chuyện bất bình nên hay can thiệp, thường đánh nhau với những kẻ vô lại ngoài đường. Tuy vậy, Chuyên Chư lại rất có hiếu với mẫu thân, chỉ cần mẹ nói một câu là anh ta sẽ ngay lập tức dừng mọi chuyện xô xát.
Vào thời điểm đó, nước Ngô đang chìm trong cuộc khủng hoảng tranh giành ngôi vị. Công tử Quang bị Ngô Vương Liêu lừa gạt chiếm mất ngai vàng nên lúc nào cũng nuôi ý chí đoạt vị, đã nghĩ đến việc thích sát Ngô Vương Liêu.
Ngũ Tử Tư lúc này đang làm tướng dưới trướng công tử Quang, thấy vậy bèn tiến cử Chuyên Chư đi ám sát Ngô Vương. Câu chuyện này được kể lại rất chi tiết trong cuốn tiểu thuyết “Đông Chu Liệt Quốc” của Phùng Mộng Long.
Ban đầu, Chuyên Chư có chút do dự, nhưng ngay sau đó anh ta nhận ra rằng Ngô Vương Liêu đích thị là một tên bạo chúa. Hơn nữa, công tử Quang đã hứa nếu anh ta ám sát Ngô Vương thành công, thì sẽ cho mẹ của anh sau này có một cuộc sống sung sướng. Do đó, Chuyên Chư cuối cùng cũng vui vẻ nhận lời.
Khi biết Chuyên Chư chuẩn bị thực hiện sứ mệnh, để cho con mình không phân tâm mà làm hỏng việc, mẹ của anh đã treo cổ tự vẫn. Bà tin rằng nhiệm vụ chỉ có thể hoàn thành nếu Chuyên Chư toàn tâm toàn ý. Nếu trong tâm trí anh vẫn còn hình ảnh của bà thì sẽ ảnh hưởng đến đại sự. Chứng kiến cái chết của mẹ, Chuyên Chư biết rằng anh không được phép thất bại.
Nhưng Ngô Vương Liêu vốn là người rất cẩn thận. Ông ta đi đến bất cứ nơi đâu, cũng đều có cả một đội quân hộ vệ với hàng trăm tên lính cận vệ tinh nhuệ vây quanh. Trên người Ngô Vương còn mặc áo giáp bảo vệ 3 lớp. Do đó, một gã khổng lồ to khỏe như Chuyên Chư cũng khó có thể hy vọng đụng đến được một sợi tóc của ông ta.
Chuyên Chư dâng cá nướng hành thích Ngô Vương Liêu. (Ảnh qua Tinhhoa)
Nghĩ vậy, Chuyên Chư sau đó đã đi tìm hiểu về sở thích của Ngô Vương Liêu, thì biết rằng ông ta thích ăn “cá nướng”, nên đã cải trang đi học về kỹ thuật nướng cá, với hy vọng sẽ nướng ra món cá có hương vị độc đáo; để nhân cơ hội đó mà hành thích Ngô Vương Liêu.
Rồi thời cơ cũng chín muồi. Nhân dịp Ngô Vương tổ chức bữa yến tiệc linh đình. Chuyên Chư đã âm thầm cải trang để thực hiện kế hoạch của mình, anh ta bỏ dao găm vào bụng cá nướng, sau đó sẽ đem cá dâng lên Ngô Vương. Trước khi vào được đại sảnh, anh ta đã bị khám xét rất kỹ, đồng thời phải thay đổi y phục mới được đến gần nhà vua. Mọi thứ đều diễn ra rất bình thường cho đến khi anh ta quỳ gối trước Ngô Vương trình bày về món ăn thịnh soạn, ngay lúc đó, hai tên lính vũ trang vẫn đứng ngay đằng sau anh ta.
Ngô Vương Liêu bị mùi thơm hấp dẫn tỏa ra từ món cá thu hút, nên lơ là cảnh giác. Nhanh như chớp, Chuyên Chư bật dậy, cho tay vào bụng con cá và rút ra thanh dao găm bén nhọn. Trong chớp mắt, anh đã đâm xuyên lưỡi dao qua 3 lớp áo giáp, thấu đến tận tim của nhà vua xấu số. Tất cả nỗ lực bảo vệ đều tan thành mây khói.
Cùng lúc đó, các thị vệ ập tới giết chết Chuyên Chư, trong triều đình trở nên vô cùng hỗn loạn. Công tử Quang ra hiệu cho các võ sĩ đã ẩn thân dưới hầm trước đó ra ngoài ồ ạt tấn công thuộc hạ của Ngô Vương Liêu. Một số binh lính đã chết, số còn lại quy hàng. Cuối cùng, công tử Quang đã giành lại được ngôi vị, lấy niên hiệu là Hạp Lư. Đó chính là Ngô Vương Hạp Lư nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, phụ thân của Ngô Vương Phù Sai sau này.
2. Sự hy sinh của Yêu Ly
Câu chuyện về Yêu Ly, một sát thủ khác của nước Ngô, tuy không được viết trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên nhưng lại xuất hiện trong những câu chuyện về thời Chiến Quốc vào thế kỷ thứ 3 TCN.
Sau khi Ngô Vương Liêu băng hà, công tử Quang lên ngôi vua lấy hiệu là Hạp Lư, lo lắng rằng người con của Ngô Vương là Khánh Kỵ sẽ dấy binh báo thù. Hạp Lư lại một lần nữa hỏi ý kiến của Ngũ Tử Tư.
Khi Ngũ Tử Tư tiến cử Yêu Ly, Hạp Lư cảm thấy không yên tâm cho lắm vì nhìn Yêu Ly có dáng người trông rất thấp bé, chỉ cao khoảng 1,6 mét, yếu đuối và có vẻ mặt xấu xí hung dữ.
Tuy vậy, Ngũ Tử Tư vẫn cam đoan với Hạp Lư rằng Yêu Ly có khả năng thực hiện được nhiệm vụ cực kỳ gian khó và nguy hiểm này.
Vào thời điểm đó, Khánh Kỵ đang gấp rút xây dựng quân đội để lật đổ Hạp Lư. Yêu Ly đã thi hành “Khổ nhục kế”, ông để Ngũ Tử Tư chặt cụt một cánh tay và giết cả vợ con của mình. Sau đó, Yêu Ly đào tẩu sang doanh trại của Khánh Kỵ, thề nguyền trung thành để báo thù Hạp Lư.
Khánh Kỵ khi nghe chuyện của Yêu Ly, ban đầu ông ta có vẻ nghi ngờ, nên phái người đi dò thám tin tức. Khi biết được chuyện này hoàn toàn là sự thật, ông ta mới tin dùng, thu nạp Yêu Ly về dưới trướng.
Đến khi Khánh Kỵ đưa binh sĩ và thuyền bè xuôi dòng sông tiến đánh nước Ngô, Yêu Ly lúc đó cùng ngồi chung thuyền với Khánh Kỵ. Khi hạm đội vượt sông Dương Tử, gió giật thổi rất mạnh. Nhân lúc Khánh Kỵ nhắm mắt lại vì gió tạt vào mặt, Yêu Ly nhanh chóng cầm cây giáo đâm nhanh vào lưng Khánh Kỵ.
Dù bị đâm nhưng Khánh Kỵ vẫn tha cho Yêu Ly vì “thiên hạ không thể mất hai dũng sĩ trong một ngày”. (Ảnh minh họa qua Nguoiduatin)
Nhưng Khánh Kỵ vốn là người cực kỳ khỏe mạnh. Ngay sau khi bị đâm, ông ta đã quay người lại xách ngược Yêu Ly lên dìm đầu xuống nước 3 lần rồi lại để lên trên đầu gối, cúi nhìn mà cười rằng: “Thiên hạ còn có dũng sĩ dám cả gan đâm ta!”.
Quân sĩ bèn xúm lại muốn giết Yêu Ly, nhưng Khánh Kỵ gạt đi và lớn tiếng nói: “Người này là dũng sĩ! Chớ nên trong một ngày mà để chết hai dũng sĩ của thiên hạ. Đừng giết hắn làm gì, nên tha cho hắn về nước Ngô để tỏ lòng trung thành của hắn.” Dứt lời, Khánh Kỵ rút ngọn giáo ra khỏi thân mình, rồi chết.
Về phần Yêu Ly, khi nhiệm vụ kết thúc, ông tự cho rằng mình là người bất nhân, bất nghĩa, bất trí: “Vì đạo thờ vua mà giết cả vợ con, thế là bất nhân; vì vua mới mà giết con vua cũ, thế là bất nghĩa; nên việc cho người mà đến nỗi tàn hại cả thân thể, giết cả vợ con, thế là bất trí. Đã phạm ba điều ấy, còn mặt mũi nào mà đứng trên cõi đời này nữa!” Nghĩ thế, ông bèn nhảy xuống sông Dương Tử tự sát.
3. Tào Mạt uy hiếp Tề Hoàn Công
Đây là câu chuyện xảy ra 200 năm trước thời đại của Chuyên Chư và Yêu Ly. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 TCN, Tề Hoàn Công, vua của nước Tề đã chinh phạt rất nhiều lãnh thổ chư hầu để xây dựng cơ nghiệp. Với sự trợ giúp của tướng quốc Quản Trọng tài ba, Tề Hoàn Công đã đưa nước Tề trở thành bá chủ mạnh nhất trong các chư hầu.
Nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử, nằm sát ngay cạnh nước Tề. Hai nước này đã nhiều lần xảy ra cuộc xung đột giao tranh, mà phần thắng luôn nghiêng về phía nước Tề. Nước Lỗ vì vậy mà mất rất nhiều vùng lãnh thổ, khiến vua Lỗ Trang Công rất căm hận.
Tướng quân nước Lỗ bấy giờ là Tào Mạt, dáng vẻ oai hùng và rất trung thành với nước Lỗ. Tuy nhiên, trong cuộc giao tranh với nước Tề, ba lần ông cầm quân đều bị thua trận. Sau thất bại, Lỗ Trang Công không còn cách nào, bèn xin dâng đất Toại Ấp để cầu hòa. Tề Hoàn Công ưng thuận, hẹn Lỗ Trang Công đến đất Kha để ăn thề.
Đến đất Kha, khi Hoàn Công và Trang Công ở trên đại điện chuẩn bị tuyên thệ, thì Tào Mạt bất ngờ xông đến kề chủy thủ vào cổ Hoàn Công uy hiếp bắt ông trả lại đất cho nước Lỗ.
Tề Hoàn Công lúc này không thể làm gì khác, chỉ còn cách chấp thuận yêu cầu. Nghe xong, Tào Mạt ném chủy thủ xuống đàn, ngoảnh mặt về hướng Bắc đi đến chỗ đứng của bầy tôi, sắc mặt không thay đổi, nói năng vẫn ôn hoà như thường.
Quản Trọng khuyên Tề Hoàn Công không nên vì cái lợi nhỏ mà quên đi tín nghĩa. (Ảnh qua Pinterest)
Tề Hoàn Công sau đó rất tức giận, cảm thấy mình bị sỉ nhục, muốn hủy bỏ lời hứa và trừng phạt nước Lỗ. Quản Trọng thấy vậy biết ý, đã khuyên ngăn: “Không nên, nếu bệ hạ tham cái lợi nhỏ chỉ để vừa lòng mình, mà hủy tín nghĩa đối với chư hầu, thì há chẳng phải mất sự giúp đỡ của thiên hạ? Chi bằng hãy chấp thuận bỏ qua chuyện này là hơn.”
Tề Hoàn Công sau khi nghe lời khuyên của Quản Trọng, đã dập tắt cơn giận, bèn ưng thuận trả lại lãnh thổ cho nước Lỗ.
Tôn Tử, tác giả của “Tôn Tử binh pháp” coi việc không đánh mà người tự khuất phục là đỉnh cao nhất của thuật dụng binh. Theo nguyên tắc này thì Tào Mạt mặc dù không thật sự giết Tề Hoàn Công nhưng vẫn đạt được mục đích của mình nhờ lòng quả cảm và võ công cao cường. Câu chuyện của ông cũng được ghi lại trong tác phẩm “Thích Khách Liệt Truyện” của Tư Mã Thiên.
Lòng dũng cảm của Tào Mạt được người đời sau truyền tụng. Về phần Tề Hoàn Công, nhờ giữ lời hứa với nước Lỗ nên được các chư hầu thần phục, trở thành bá chủ chư hầu đầu tiên thời Xuân Thu.
Đằng sau câu chuyện nghĩa hiệp của các thích khách, sát thủ lại thường ẩn chứa những tấn bi kịch đau thương. (Ảnh qua Scmp)
4. Lòng trung thành của Dự Nhượng khiến kẻ thù cảm động
Dự Nhượng là người nước Tấn sống vào cuối thời Xuân Thu tại Trung Quốc. Dự Nhượng kiên trì ám sát Triệu Tương tử để trả thù cho Trí Bá Dao, người đứng đầu họ Trí, một trong 4 họ có quyền lực lớn ở nước Tấn thời Đông Chu. Câu chuyện này sau đó đã được Tư Mã Thiên ghi lại trong tác phẩm “Sử ký” của ông.Năm 455 TCN, Trí Bá Dao đem quân đánh họ Triệu, một gia tộc lớn khác ở nước Tấn nhưng bị Triệu Tương Tử (tức Triệu Vô Tuất) lập kế, liên kết cùng họ Hàn và họ Ngụy đánh cho đại bại. Họ Trí bị diệt, phần đất của họ Trí bị ba họ còn lại chia nhau lập nên Tam Tấn, riêng Trí Bá Dao bị Triệu Tương Tử giết chết. Vì oán hận Trí Bá Dao nên Triệu Tương Tử đã lấy đầu của ông ta sơn lại để làm đồ đựng rượu.
Điều này quả thực khiến trái tim của Dự Nhượng tan nát, bởi trong tất cả những người chủ mà ông từng theo hầu thì chỉ có Trí Bá Dao là người duy nhất thấu hiểu ông, xứng làm tri kỷ. Dự Nhượng vì thế thề quyết phải trả thù cho Trí Bá Dao bằng mọi cách.
“Sử Ký” chép lại lời của Dự Nhượng như sau: “Than ôi! Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ! Người con gái trang điểm vì kẻ yêu mình. Nay Trí Bá biết ta, ta phải liều chết báo thù để đền ơn, có thế hồn phách ta mới khỏi xấu hổ!”
Sau đó, ông thay tên đổi họ rồi xin vào làm người hầu trong cung, bên người luôn mang theo chủy thủ để tìm cơ hội hành thích Triệu Tương Tử. Tuy nhiên Triệu Tương Tử cũng luôn cảnh giác, cảm thấy bất an, bèn bắt Dự Nhượng tra hỏi và phát hiện ra âm mưu báo thù của ông. Nhưng thấy rằng hành động của Dự Nhượng quả đúng là bậc anh hùng hảo hán, cảm động trước lòng trung hậu của ông, Triệu Tương Tử đã tha chết và thả cho ông đi.
Một bức tranh của Nhật Bản miêu tả cảnh Dự Nhượng đâm vào áo của Triệu Tương Tử. (Ảnh qua Wikipedia)
Sau thất bại, Dự Nhượng vẫn quyết không chịu bỏ cuộc. Lần này, ông quyết định tự hủy hoại dung nhan của mình và nuốt một cục than gây tổn thương đến dây thanh quản để biến đổi giọng nói. Sau đó, giả danh làm ăn xin ngoài chợ, khiến ngay cả vợ ông cũng không thể nhận ra chồng.
Biết tin Triệu Tương Tử ra khỏi cung, Dự Nhượng trong dáng bộ kẻ ăn mày nấp dưới cầu định thừa cơ hành thích, tuy nhiên khi xa giá của Triệu Tương Tử tới nơi thì con ngựa của ông ta bất chợt sợ hãi. Triệu Tương Tử liền đoán rằng có kẻ muốn hành thích mình.
Dự Nhượng vì thế lại bị bắt. Khi Triệu Tương Tử hỏi ông rằng tại sao đã thờ ba đời chủ mà vẫn hết lòng trả thù cho Trí Bá Dao như vậy, Dự Nhượng đáp: “Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ xem tôi là hạng thường dân nên tôi báo đáp họ theo lối thường dân. Còn như Trí Bá đối đãi với tôi như bậc thượng khách, nên tôi quyết báo thù như một chính khách để trả ơn ông ấy.”
Lời nói của Dự Nhượng đã khiến Triệu Tương Tử cảm động đến rơi lệ. Biết mình không thể lung lay quyết tâm báo thù của Dự Nhượng nên đành phải cho quân sĩ giết ông.
Trước khi chết, Dự Nhượng xin Tương Tử một ân huệ cuối cùng, cúi xin Tương Tử đưa chiếc áo mà ông ta đang mặc để ông dùng kiếm đâm vào, cho thỏa ý định báo thủ, thì chết cũng không ân hận.
Tương Tử khen Dự Nhượng là người có nghĩa khí, bèn sai người cầm áo đưa cho ông. Dự Nhượng đâm vào áo mấy lần rồi sau đó tự vẫn. Kẻ sĩ nước Triệu nghe nói về cái chết của Dự Nhượng ai nấy đều không khỏi bùi ngùi, khóc thương.
Trong “Đông Chu Liệt Quốc”, tác giả Phùng Mộng Long còn đặc tả chi tiết đâm áo báo thù này của Dự Nhượng như sau: Chuyện kể rằng, Triệu Tương Tử thấy chiếc áo mà Dự Nhượng đâm vào bỗng chảy ra máu tươi, vì vậy mà thành bệnh, rồi sau đó ốm chết.
Trong bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng lịch sử, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng nhắc đến chi tiết Dự Nhượng báo thù như để khơi dậy lòng trung thành của các chiến sĩ: “Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ…”
5. Bi kịch của người hàng thịt Nhiếp Chính
Nhiếp Chính vốn người làng Thâm Tĩnh, ấp Chỉ, nhưng vì giết người nên phải cùng mẹ và chị gái trốn sang nước Tề làm nghề hàng thịt. Bấy giờ ở nước Hàn có Nghiêm Trọng Tử vì hiềm khích với tướng quốc nước này là Hiệp Lũy mà phải bỏ trốn.
Tới nước Tề, Nghiêm Trọng Tử nghe danh của Nhiếp Chính, bèn không quản ngại thân khanh tướng mà tìm tới chốn chợ búa để biếu Nhiếp Chính vàng phụng dưỡng mẹ già, với mong muốn chiêu mộ ông về dưới trướng của mình. Nhưng Nhiếp Chính từ chối không nhận tiền vàng, ông nói muốn tự mình chăm sóc mẹ già đến cuối đời. Tuy vậy Nghiêm Trọng Tử vẫn làm đủ nghi lễ chủ khách rồi mới ra đi.
Sau đó một thời gian thì mẹ Nhiếp Chính qua đời, ông chịu tang mẹ đủ ba năm rồi tìm đến Nghiêm Trọng Tử để báo đáp sự tôn kính của Trọng Tử dành cho mình. Nghiêm Trọng Tử bèn đưa chuyện hận thù với Hiệp Lũy ra kể cho Nhiếp Chính, đồng thời đề nghị sẽ cho tráng sĩ, xe ngựa của mình đi theo trợ lực cho ông.
Nhiếp Chính từ chối nhận xe ngựa rồi một mình cầm kiếm xông thẳng vào phủ của tướng quốc đâm chết Hiệp Lũy ngay giữa đám tùy tùng và cận vệ. Giết được Hiệp Lũy, Nhiếp Chính hạ thủ thêm mấy chục người rồi tự hủy khuôn mặt của mình, sau đó tự tử.
Sau khi giết Hiệp Lũy, Nhiếp Chính hạ thủ thêm mấy chục người nữa rồi mới tự hủy dung mạo và tự tử. (Ảnh qua Readx)
Vì khuôn mặt của Nhiếp Chính bị hủy hoại nên khi người Hàn phơi xác ông ngoài chợ treo giải thưởng nghìn vàng để dò la tung tích nhưng vẫn không một ai nhận ra ông.
Mãi về sau, chị của Nhiếp Chính, tên là Nhiếp Vinh nghe tin lập tức đến xem xác của em trai mình. Biết rằng em trai vì sợ chị gái bị liên lụy, nên đã hủy hoại dung mạo của bản thân trước lúc chết.
Đau buồn, Vinh thị khóc lóc thảm thiết bên xác Nhiếp Chính, kể cho tất cả mọi người nghe về câu chuyện đau buồn của em trai mình. Từ chỗ từ chối thực hiện kế hoạch vì phụng dưỡng mẹ già, cho đến quyết định cuối cùng vì nghĩa trung thành với Nghiêm Trọng Tử. Dứt lời, cô khóc thét lên ba tiếng, rồi ngã vật ra chết ngay bên cạnh xác của em trai.
Người đời nghe chuyện ai cũng than rằng Nghiêm Trọng Tử quả là biết trọng dụng người.
Tư Mã Thiên sau này đã xếp Nhiếp Chính vào 1 trong 5 thích khách được ông đưa vào chính sử, ông nhận xét: “Từ Tào Mạt đến Nhiếp Chính, năm người này, chí nguyện của họ dù thành hay không thành, nhưng ý chí kiên định, dũng cảm phi thường, xứng là bậc hảo hán lưu danh thiên cổ.”
An Nhiên (Tinh Hoa)