Friday, October 29, 2021

CHUYỆN Ở VƯỜN CHIM NƯỚC VỆ


1. Hồ nước trước vườn chim nước Vệ bị một lũ diều hâu từ xứ lạ tới đóng cọc, giăng dây chuẩn bị làm tổ định cư lâu dài. Chim chóc trong vườn nước Vệ tức giận, cử chèo bẻo và chìa vôi ra ngăn cản lũ diều hâu hung dữ. Diều hâu hung hăng, ỷ to xác, nhổ nước bọt tung tóe, vung cánh tát nước hồ phủ đầu chèo bẻo, mổ tới tấp vào chìa vôi. Chèo bẻo và chìa vôi vừa ngoan cường chống đỡ, vừa khẩn cấp kêu cứu các loài chim trong vườn trợ giúp. Chim chóc trong vườn vừa cử mấy chú chim khỏe mạnh bay ra ngoài hồ tiếp ứng, vừa tập hợp thành từng tốp bay lượn khắp vườn, miệng ríu rít: “Hồ này là của vườn chim nước Vệ, bọn diều hâu hung ác hãy cút đi”. Lại còn phân công chào mào bay đi khắp nơi, gặp gỡ chim chóc các xứ đang đi kiếm mồi trong vườn chim nước Vệ, bay tới cuộc họp các loài chim của các khu vườn lân cận, đang diễn ra ở vườn chim xứ Miến, để vạch trần âm mưu thâm độc của lũ diều hâu. Chim ở các vườn kế cận đa phần là những loài chim nhỏ, như chim sâu, chim én, chích bông…, nên rất sợ lũ diều hâu. Vả lại, thỉnh thoảng chúng cũng được diều hâu chia sẻ cho vài con châu chấu, cào cào nên không muốn ủng hộ vườn chim nước Vệ chống lại diều hâu. Chúng chỉ ngúc ngoắc cái đầu lấy lệ, rồi hót vài lời đãi bôi: “Bình tĩnh, bình tĩnh”.


Điểu chúa của vườn chim nước Vệ là lão hạc già, xưa nay chỉ biết đứng trên lưng rùa, mỏ ngậm dải lụa điều có viết “thập lục kim tự” bằng bột nghệ, chân quắp miếng nhựa ghi chữ “tứ hảo” bằng sơn đỏ, ngày đêm kính cẩn chầu cái hương án to mà lạnh lẽo ở trước đình làng. Vậy nhưng không hiểu sao lão hạc lại được bầu làm điểu chúa. Vốn xưa nay cẩn trọng, nghe lời hót dù hay dù dở của bá tánh thì hạc ta cũng câm mỏ vì há miệng thì… vướng dải lụa điều. Lần này cũng vậy. Lão hoàn toàn im hơi lặng tiếng kể từ khi diều hâu giăng dây đóng cọc trước hồ nhà. Bọn se sẻ thạo tin kháo nhau là điểu chúa tính kế “nhún nhường” để giữ tình hữu nghị với lũ diều hâu nên không hót được. Nhưng hình như diều hâu chúa không thèm chấp nhận cái ý định “nhẫn nhục mua hữu hảo” của lão hạc già ở nước Vệ. Thế là sau 12 ngày ru rú trong đình, chiều qua lão hạc già bay ra khoảng sân rộng ở giữa vườn, cất giọng khàn khàn: “Tình hình hồ nước trước vườn chim đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi chim chóc toàn vườn phải rất đoàn kết, tỉnh táo, sáng suốt, một lòng kiên kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của vườn, đồng thời giữ vững môi trường yên ổn để chúng ta còn có nơi làm tổ, bắt sâu bọ, côn trùng… để sinh sống”. Lũ chim lắng nghe từ đầu đến đuôi nhưng không thấy lời lão hạc già có câu nào lên án hành động côn đồ, hung hãn của bọn diều hâu nên kháo nhau: “Bài này cũ quá, lúc nào cũng cứ hót lui, hót tới cái câu ‘diễn biến phức tạp’, nhưng không biết cách làm sao để kháng cự bọn diều hâu. Thôi, ở đằng kia có mấy con sáo sậu đang mổ phá tổ ấm của bọn diều hâu con đậu ở vườn mình. Bay tới đó coi đi”.

Rồi chúng vỗ cánh bay thẳng. Không phải một vài con mà cả đàn, rồi chim chóc cả vườn cùng bay đi. Chỉ còn lão hạc già trơ trọi giữa vườn.

Diều hâu từ phương Bắc kéo đến, bầy chim nước Vệ dáo dát tìm điểu chúa. Ảnh Internet.

2. Sau khi bầy chim trong vườn nước Vệ bay đi coi mấy con sáo sậu bị lũ quạ đen xúi giục phá phách tổ của bọn diều hâu con lưu lạc ở trong vườn chim nước Vệ, lại hăng tiết phá nhầm và đốt nhầm cả tổ ấm của mấy chú sếu và đám vịt trời lông tía từ phương Bắc bay về phương Nam tìm hơi ấm, thì tình hình trong vườn chim nước Vệ trở nên rối loạn.

Lão hạc già trốn đi đâu không rõ, để mặc cho chú công chúa đỏm dáng và bác bồ nông nghiêm nghị phải “tả xung hữu đột”, vừa líu lo kêu gọi lũ sáo sậu bình tĩnh, chớ manh động, vừa khẩn cấp sai đám ác là đi tóm cổ gần 500 con quạ đen đã xúi giục sáo sậu nổi loạn, tống giam vào cái ụ mối ở góc vườn, chờ ngày xử tội; một mặt phải bay tới những lùm cây bụi trong vườn, gặp đám chim khuyên, chim mía, chim chiền chiện… giải thích chủ trương đảm bảo toàn vẹn chủ quyền của vườn và kêu gào bọn diều hâu nhổ cọc cuốn dây khỏi hồ nước. Lại sai bọn bồ chao đi gặp mấy chú sếu và vịt trời có tổ bị phá để xin lỗi và cam kết bồi thường bằng lá điều khô, lá cây giá tị, rễ cây tiêu… cho chúng xây lại tổ.

Đám diều hâu ngoài hồ không hề có dấu hiệu khoan nhượng. Chúng liên tục cử bọn mặt cắt hung dữ tấn công đội quân chèo bẻo và chìa vôi của nước Vệ. Chèo bẻo và chìa vôi vừa khôn ngoan tránh đòn, vừa ranh mãnh chớp thời cơ mổ cho bọn mặt cắt mấy phát đau điếng. Đám chim sâu, chim chích trong vườn đồng thanh hưởng ứng, đập heo đất, gom tiền mua sâu, cào cào, châu chấu… mang ra tiếp ứng cho chèo bẻo và chìa vôi. Ngoài ra còn có đám sơn ca nhân hội nghị sơ kết cuộc vận động học tập làm theo tấm gương của tiên điểu, tranh thủ đăng đàn lên án lũ diều hâu hung ác.

Nhưng, có một việc ít ai để ý. Đó là ở bên kia hồ nước là lãnh thổ của vương quốc đại bàng. Lũ đại bàng này rất hùng mạnh, từng tấn công vườn chim nước Vệ trong quá khứ, nhưng lại bị bầy chim ngoan cường của nước Vệ liên minh với bọn diều hâu và đám chim ưng xứ tuyết đánh cho tan tác. Hai chục năm sau, đại bàng quay lại vườn chim nước Vệ, hót câu “xí xóa chuyện xưa, mong làm đối tác”. Mấy đời điểu chúa nước Vệ một mặt thì thích làm bạn với đại bàng, nhưng mặt khác lại bị diều hâu trói mỏ bằng dải lụa có ghi “thập lục kim tự”, nên chơi trò cù cưa, bạn không ra bạn, thù không ra thù. Lại cứ hay dùng chữ để phủ dụ bọn chim chóc trong vườn rằng “đại bàng vừa là đối tác, vừa là đối tượng” nên phải cảnh giác. Đại bàng cũng chẳng báu gì mấy đời điểu chúa già nua lẩm cẩm ấy, nhưng ngặt nỗi vườn chim nước Vệ ở vào cái thế chẹn ngang yết hầu lũ diều hâu hung tợn đang ngày đêm toan tính soán ngôi bá chủ loài chim của đại bàng. Vì thế, đại bàng đã mấy lần dụ dỗ lão hạc kết mối thâm giao nhưng lão cứ ậm ờ cho qua chuyện. Thực tình thì lão hạc ghét cay ghét đắng lũ đại bàng vì đám này hay đem chuyện “điểu quyền” ra trách cứ lão hạc già và bộ sậu. Lại còn đòi lão hạc phải thả mấy chú mòng mòng đang bị hạc ta tống giam vì tội “yêu sách điểu quyền” trong vườn chim nước Vệ. Do vậy mà quan hệ giữa vườn chim nước Vệ với vương quốc đại bàng mãi cứ dở dở ương ương.


Nhưng kể từ khi lũ diều hâu xé bỏ dải lụa điều “thập lục kim tự”, tràn vào giăng dây đóng cọc trong hồ nước trước vườn chim nước Vệ, mưu toan chiếm trọn cái hồ này để vét sạch cá tôm, rong rêu trong hồ và bành trướng lãnh thổ, thì tình hình trở nên khó lường. Điểu chúa thì im lặng vì hận diều hâu sao làm bẻ mặt mình trước bầy chim chóc thần dân trong vườn. Chim công chúa thì sau khi kêu cứu bọn chích bông, chim sâu… ở mấy khu vườn lân cận lên tiếng phản đối diều hâu mà không kết quả, nên có ý chờ xem chim ưng chúa xứ tuyết lên tiếng ủng hộ mình. Ai ngờ chim ưng chúa vô cùng ma mãnh, vừa bán mấy cây ná cho cho lũ chim nước Vệ để bắn diều hâu, lại vừa trao cung tên cho diều hâu bắn hạ lũ chim chích của nước Vệ. Vậy nên chim ưng chúa cũng ngậm tăm như lão hạc vì há miệng thì mắc… tiền.

Thế là đa phần chim chóc trong vườn nước Vệ giờ chỉ còn chờ mong mỗi đại bàng lên tiếng. Cả chim công chúa và đám đệ tử của công cũng thế. Nên mới sinh chuyện cứ sáng ra là đám đệ tử của chim công chúa lại tỏa đi khắp nơi, dỏng tai nghe xem hôm nay đại bàng có lên án diều hâu hay không? Đến chiều lại tề tựu ở khoảng sân giữa vườn, cung cấp thông tin cho gã bói cá, mới ra ràng chưa được bao lâu nhưng đầu đã hói trụi, cất giọng líu lo: “Hôm nay đại bàng đã kịch liệt lên án diều hâu, như vầy, như vầy…”.

Nghe vậy, mấy con cò già nằm trong cái tổ chênh vênh ở cạnh hồ nước lẩm bẩm với nhau: “Ngu chửa, ngu chửa. Cứ theo đuôi lũ diều hâu cho lắm, giờ lại hóng hớt tin theo mấy lời đãi bôi của bọn đại bàng ngạo mạn. Rõ khổ, rõ khổ”.

Tháng 6.2014
NGƯỜI NƯỚC HUỆ
(nghe và dịch lại từ lời trao đổi của lũ chim chóc ở nước Vệ)