Ngay lập tức, “Người tiễn đưa” (tên tiếng Anh là Departures) đã gây tiếng vang lớn, nhận được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Nhật Bản, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm, đồng thời, là bộ phim Nhật đầu tiên gặt hái danh hiệu cao quý “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trên thảm đỏ Oscar vào năm 2009.
Lần đầu tiên, người ta thấy một bộ phim về tầng lớp Burakumin thành công vang dội đến như vậy, dù trước đó, những nhà phát hành phim đã tỏ ra khá lo ngại. Đây là tầng lớp vốn bị xã hội và dư luận Nhật coi thường, thậm chí gán cho cái danh “dơ bẩn” bởi công việc mà họ chọn làm. Nhân vật chính của phim là Daigo Kobayashi, một nhạc công Cello trong dàn nhạc giao hưởng nhỏ tại Tokyo. Sau khi dàn nhạc bị giải thể, Daigo quyết định bán cây Cello mà anh đã phải vay tiền mua và quay trở về quê nhà ở Yamagata để bắt đầu lại từ đầu.
Tại đây, anh tình cờ nhận công việc là một người chuyên làm dịch vụ tẩm liệm - thực hiện nghi thức tang lễ theo truyền thống của Nhật Bản. Dù tin vào triết lí đạo Phật nhưng cái chết vẫn là một đề tài cấm kỵ trong văn hóa Nhật. Bởi vậy, bộ phim, giống như một cuộc cách mạng, đem đến cái nhìn mới cho khán giả, đánh thức ở họ một suy nghĩ khác về cái chết và về những người làm công việc liên quan đến nó.
Phim « Người tiễn đưa » (Departures) của đạo diễn Takita Yõjirõ, dựa theo cuốn hồi kí của Aoki Shinmon, là bộ phim Nhật đầu tiên gặt hái danh hiệu cao quý “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trên thảm đỏ Oscar 2009. Gabriel BOUYS AFP/File
Cái chết là một cánh cửa. Chết không có nghĩa là Hết. Chỉ là sự rời bỏ hiện tại và bước vào một thế giới khác. Chúc chuyến đi vui vẻ. Hẹn gặp lại.
Từ một công việc gượng ép, bị coi thường và không có tương lai…
Chẳng ai có thể tưởng tượng một nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng lại làm công việc này, ngay cả chính Daigo cũng chưa từng nghĩ đến. Chỉ vì hiểu nhầm một đoạn quảng cáo tuyển nhân viên mà anh đã tìm tới công ty Tang Lễ của ông Sasaki, nơi mà anh nghĩ là công ty du lịch, bởi dòng chữ “cần người chuẩn bị cho một chuyến đi”. Dù miễn cưỡng, Daigo ngay lập tức được nhận. Chưa hết, ông Sasaki còn dúi vào tay anh những đồng lương đầu tiên cho ngày làm việc đầu tiên khiến anh tiếp tục công việc mà chưa biết thực hư ra sao. Bản thân Daigo cũng cảm thấy xấu hổ, anh đã phải nói dối Mika, vợ mình, rằng anh làm cho một công ty tổ chức sự kiện.
Với người chưa từng nhìn thấy xác chết, ngay cả ngày mẹ mất, Daigo cũng đang đi du học, thì việc này thật sự quá khó khăn, đặc biệt là những con mắt kì thị, những sự khinh miệt mà người ta dành cho người làm nghề khâm liệm như anh. Ngày đầu tiên, Daigo phải tiếp xúc với thi thể một người phụ nữ già cô đơn, được phát hiện khi đã qua đời 2 tuần. Anh liên tục nôn mửa lúc phụ giúp Sasaki, cảm thấy nhục nhã khi bị người ta xa lánh ở trên xe bus. Anh lao vào nhà tắm công cộng, cố gắng gột sạch mùi tử khí và trở về nhà, nhìn thấy đồ ăn là toàn thân lại nôn nao.
Phân đoạn Daigo bỏ dở bữa ăn, giữa căn bếp, lao vào ôm lấy Mika, gần như muốn lột tung đồ của vợ ra, ấp mặt vào ngực, vào bụng cô, sờ soạng khắp cơ thể cô khiến người ta cảm thấy một nỗi hoảng sợ hiện hữu. Có phải Daigo đang cố cảm nhận sự ấm nóng của một cơ thể Sống để cảm thấy được là mình còn đang Sống?
Sự miệt thị tăng lên một bậc khi Yamashita, người bạn cũ của Daigo biết nghề nghiệp mà anh đang làm. Anh ta vô cùng lạnh nhạt khi gặp lại Daigo trên phố, không cho phép con gái của mình chào Daigo, thậm chí còn kéo bạn ra một góc, mắng mỏ rằng hãy kiếm một công việc tử tế hơn. Với họ, nghề Khâm liệm xác chết là một điều kinh khủng, đáng khinh bỉ.
Chưa hết, Mika, người vợ yêu quý của Daigo, người luôn ủng hộ anh, cả việc anh bỏ chơi đàn, cả việc theo anh về quê sống, cũng tỏ ra ghê tởm chồng ngay lúc cô phát hiện sự thật. Daigo muốn xin lỗi, muốn ôm vợ nhưng Mika đã thẳng thừng từ chối. Cô đẩy chồng ra, thốt lên hai tiếng “Dơ bẩn” và quyết định sẽ về nhà mẹ đẻ. Mika đặt ra cho chồng hai lựa chọn, một là cô, hai là thứ việc “ghê tởm” mà anh đang làm.
Không thể lột tả cho hết sự thất vọng của Daigo. Thế nhưng … tại sao anh lại không bỏ cuộc? Tại sao anh lại tiếp tục công việc không thể có tương lai này? Cái công việc mà hầu như không ai muốn làm, nhất là lại ở vào cái tuổi còn đang đầy hoài bão như Daigo?
… Đến những thương yêu gắn bó kì lạ
Có lẽ bởi, chỉ sau thời gian ngắn gắn bó với cái nghề có vẻ “kinh khiếp” ấy, Daigo đã được chứng kiến những đau khổ của những gia đình mất người thân. Anh thấy những mâu thuẫn, gây gổ, cãi vã… thấy cả những yêu thương và những niềm vui từ giã lạ kì.
Đó là người con trai đồng tính bị bố mẹ ruồng rẫy, không nhìn mặt. Nhưng sau khi được liệm, ngắm nhìn gương mặt con được trang điểm đẹp như một cô gái đích thực, họ nhận ra rằng dù là trai hay gái thì đó vẫn là con của họ.
Đó là người chồng miệt thị nghề nghiệp của ông Sasaki và Daigo là cái nghề “kiếm sống từ những người chết”, ấy vậy mà chỉ sau vài tiếng, khi chính mắt thấy hai người khâm liệm cho vợ thì ông ta đã chạy theo họ, đưa cho họ những miếng bánh trong lễ tang và cúi đầu cảm ơn vì lúc này chính là lúc vợ ông đẹp nhất.
Đó là một ông già nằm trong quan tài được vợ và các con cháu hôn đầy son môi khắp mặt cùng những nụ cười vui vẻ hài hước và chào tạm biệt ông trước lúc hỏa táng.
Và đặc biệt hơn cả, là ông chủ của Daigo, ông Sasaki, đã tìm thấy tình yêu với công việc khâm liệm người chết sau khi chính tay ông trang điểm cho vợ của mình lúc bà qua đời.
Giữa không khí yên tĩnh, mọi hành động đều thành kính. Những động tác tỉ mỉ tới từng chi tiết. Sự trân trọng thân xác người đã khuất. Hồi sinh một cơ thể chết, trao cho họ sự sạch sẽ và vẻ đẹp để cho họ bước sang thế giới bên kia. Công việc mà theo như Daigo cảm nhận, là thứ cần rất nhiều sự tôn kính và yêu thương. Cứ thế, trong Daigo xuất hiện những thay đổi không ngừng. Anh nhận ra những điều cao quý của con đường mà anh đã chọn. Việc anh rời bỏ Tokyo để về Quê Nhà, cũng không khác gì những con cá hồi đang cố bơi ngược dòng dù cuối cùng, có thể chúng biết là chúng sẽ chết. Chắc chắn, chúng muốn quay lại nơi chúng sinh ra để tìm lại bản thân mình.
Daigo đã nói với Mika rằng Chết thì có gì khác? Anh và Em, ta đều sẽ chết. Quay trở lại cảnh ở đoạn đầu phim, ta thấy trường đoạn Mika được bà hàng xóm tặng cho một con mực. Cả hai vợ chồng cùng hoảng khi thấy con mực còn sống. Họ vội vã đưa nó ra biển, nhưng tới nơi thì nó đã chết. Khoảnh khắc ấy thật sự khiến cả hai cùng sốc. Mãi cho tới về sau này, Daigo mới nhận ra rằng Chết chưa phải là Hết.
Hơn thế nữa, cái chết giúp họ gần nhau hơn. Không chỉ có mối quan hệ giữa Mika và Daigo mà còn là cái nhìn của cậu bạn cũ Yamashita với anh. Mẹ của Yamashita bị ngã và qua đời. Họ cùng ngồi đó, chứng kiến Daigo khâm liệm cho bà bằng sự cẩn trọng, bằng tình yêu thương và niềm vui mà anh đang làm - là giúp bà sửa soạn thật đẹp - thì hết thảy mọi khinh bỉ, mọi coi thường, mọi ghê tởm đều biến mất. Thay vào đó là những giọt nước mắt và nụ cười.
Trải suốt bộ phim, điều đau đáu nhất của Daigo chính là người cha phản bội đã bỏ mẹ con anh để đi với người đàn bà khác lúc anh lên 6 tuổi. Daigo thậm chí không thể nhớ nổi mặt ông. Tất cả những gì anh còn giữ lại là hòn đá cảm xúc mà cha anh đã đặt vào bàn tay anh trước khi ông bỏ nhà đi. Tương truyền rằng, vào thời khởi thủy, lúc người ta chưa tìm ra chữ viết, người ta đã chọn cách tặng Đá cho nhau để bày tỏ những cảm xúc của mình. Khi nghe tin cha mất, Daigo gượng gạo đồng ý đi với Mika tới nhận thi thể của ông. Trước sự vô tình của những nhân viên tang lễ ở đây, Daigo quyết định sẽ làm nghi lễ khâm liệm cho người cha mà anh vẫn thấy vô cùng xa lạ.
Vẻ lạnh nhạt vô cảm của Daigo bỗng biến mất khi anh thấy cha anh nắm chặt trong lòng bàn tay hòn đá cảm xúc mà anh đã tặng cho ông. Daigo thốt lên một tiếng Cha, rưng rưng nước mắt cạo râu và làm đẹp cho ông, thực hiện nghi lễ cuối cùng trong đời Sống để đưa ông về với đời Chết. Anh nhẹ nhàng đặt hòn đá ấy vào bụng Mika, nơi mà cô đang mang đứa con tương lai của anh. Đó, chẳng phải là một sự tiếp nối hay sao? Cái Chết là Khởi đầu?
“Người tiễn đưa” nói về nghề khâm liệm người chết nhưng tuyệt nhiên không có những cảnh ghê rợn hay u ám. Trái lại, bộ phim có những cảnh quay tuyệt đẹp, trong sáng, những cánh đồng bát ngát trắng tuyết hay những ngọn đồi rực rỡ cánh hoa đào bay trong gió. Thêm vào đó là phần âm thanh tuyệt vời lắng đọng của những bản Cello da diết ngọt ngào. Thì ra, Daigo đã không hề đọc nhầm những dòng quảng cáo đó. Đây, đích thực là công việc của người “giúp đỡ những người khác chuẩn bị cho một chuyến đi”. Chúc chuyến đi vui vẻ! Hẹn gặp lại!
Lệ Thu / Theo: RFI Tiếng Việt
Các bạn có thể xem full movie trên Youtube: