Về với xứ lụa Tân Châu (An Giang) quê tôi, bạn có thể tìm thấy món ăn này dễ dàng. Ở đây, con lía được người ta gạn dưới sông mang lên, ngâm cho ra hết đất, sau đó rửa lại thật kỹ với nước mới đưa vào chế biến.
Lía có hình dạng khá giống hến, vỏ khá mỏng nên xào nấu mau chín. Lía có thể chế biến thành vài món như: lía xào tỏi, lía luộc xả, lía phơi… Dân ở đây, đặc biệt là học sinh, thường chuộng lía xào tỏi hơn, còn lía phơi nắng hơi kén người ăn bởi con lía còn sống, người ta chỉ ướp muối rồi phơi hai, ba cái nắng, sau đó mang ra bán.
Lía sau khi rửa sạch với nước thì được mang ra chế biến. Người ta xào sơ qua một lần, cho tí nước và xào thêm lần nữa. Nêm nếm gia vị vừa ăn, cho tỏi đã được chấy sẵn vào chảo, đảo đều lía 3 - 4 lần. Để yên chảo chờ lía chín, sau khi chín cho lía ra đĩa, để lên đó vài lá rau quế, vậy là hoàn thành bước đầu.
Để có một đĩa lía xào ngon, không thể không có nước chấm. Dù đã ăn khá nhiều quán, nhưng không nơi nào làm ngon bằng nước chấm của mẹ. Nước chấm mẹ ưng phải đặc kẹo một tí, đường, me chua, nước mắm cho vào phải phù hợp. Nếm thử phải có vị ngọt thanh, vị chua của me không được át mùi của nước mắm.
Người ăn cay như tôi thường cho thêm ít ớt hoặc sa tế vào chén, cứ thế mà tận hưởng. Lấy từng con lía đưa vào chén nước chấm rồi cho vào miệng, không thể cưỡng lại món ăn quê dân dã, phảng phất mùi thơm rau quế.
Ở Sài Gòn, có cơm hến, cháo mực, bánh canh ghẹ… đủ loại hải sản, món ngon vật lạ ở đâu cũng dồn về đây. Nhưng tiếc thay, thèm một đĩa lía xào mà tìm hoài không nơi nào bán. Cứ đợi về quê là chạy ngay ra quán hoặc nhờ mẹ xào cho một đĩa lía, ngồi ăn mà như thấy cả tuổi thơ ùa về. Những lần đi xa, lại nhớ hoài, nhớ mãi cái mùi vị đó, một món quà mang hương vị của quê hương.
Nguyễn Vân