“Phật tại tâm”, nhiều người đã dùng câu này để bao che, lấp liếm cho lời nói, hành động, việc làm của mình; vì họ hàm ý rằng, chẳng cần bận đến biểu hiện bên ngoài, tốt hay xấu là ở trong tâm, thế đủ rồi.
Vậy “Tâm” là gì, “phật” là gì? Không mấy người bỏ chút thời gian ra để tìm hiểu, mà thường chộp ngay lấy cái câu ấy mỗi khi muốn bảo vệ bản thân mình. “Phật tại tâm” không phải không phải là có một ông phật ở trong người mình, cũng không phải tôi tự nghĩ rằng mình tốt thì có nghĩa là tôi tốt!
“Tâm” bao gồm tất cả, tham sân si, thiện ác, lành dữ, ngu tối sáng suốt v.v… không gì không phải tâm. Vậy nói “phật tại tâm” là anh đang nói cái tâm nào trong tất cả những biểu hiện đó?
Phật nói “Phật tại tâm” là khẳng định rằng trong mỗi người đều có “phật tính”, và nó ở ngay trong cái tâm của mình, đừng đi tìm đâu xa xôi cả, vì có tìm cũng không thấy được. Cái phật tính đó chính là lòng từ bi bác ái, là trí tuệ sáng suốt sẵn có trong mỗi người.
Nhưng, vấn đề nan giải là “phật tại tâm” không đồng nghĩa với “tâm là phật”. Muốn có tâm là phật thì phải tu sửa, phải làm lành lánh dữ, phải tự thanh tịnh bản thân mình, phải tư duy quán xét… cho đến khi những cáu uế được tiêu trừ, phật tính được hiển lộ. Đó là một quá trình gian nan, lâu dài và đầy thách thức. Không phải cứ nói “phật tại tâm” thế là xong và bằng lòng rằng ta là phật đây!
Từ “phật tại tâm” đến “tâm là phật” phải trải qua những bước căn bản đầu tiên, đó là tính kỷ luật (nhà Phật gọi là “giữ giới). Cái tâm khi chưa tu sửa vốn hỗn tạp, lẫn lộn tốt xấu thiện ác như nồi lẩu thập cẩm, giờ muốn khắc chế nó thì phải nghiêm khắc và thành thật mà sửa đổi.
Anh nghiện thuốc lá, muốn bỏ nhưng vật vả mãi không bỏ được, thế là anh tặc lưỡi và nói “phật tại tâm, tâm mình không hút là được rồi”. Đó là lối nguỵ biện. Nó y như luận điệu của nhiều kẻ khi cho rằng đường lối đúng nhưng người thực hiện sai, và thế là cứ thế ngồi mà rung đùi, rằng ta đúng, ta tốt.
Một người đang có người yêu nhưng suốt ngày nhắn tin thả thính, đòng đưa với bao kẻ khác, mà lại khẳng định rằng mình chung thủy, điều ấy có nghe được không?
“Phật tại tâm” vậy kẻ nào ăn cắp, kẻ nào mắng người, kẻ nào nói dối? Khi một ông quan to ăn thịt dát vàng với giá ngàn đô trong một chuyến công du, khi bỉ chỉ trích nếu ông ta nói “phật tại tâm” thì bạn có chấp nhận được không?
Biểu hiện và hành vi của một người phản ánh đúng cái tâm của người ấy trong thời điểm đó. Lúc anh còn tham lam, gian dối, tàn ác thì tâm ấy là tâm ma quỷ; sau này anh sửa mình lại cho nhân từ, hòa ái, bao dung, sáng suốt thì tâm anh là tâm phật.
Không có cái tâm chung chung. Và chắc chắn cái tâm hiện tại của đa số chưa phải là tâm phật, chớ vơ quàng nhận xiên.
“Phật tại tâm” là một câu nói chuyển tải chân lý, có tác dụng hướng dẫn con người quay về trong chính mình mà hoàn thiện bản thân; còn có đạt được chân lý ấy hay không hoàn toàn là do nỗ lực cá nhân và phải do nỗ lực cá nhân mà thành tựu…
Người Việt có lẽ là dân tộc sử dụng câu thần chú “phật tại tâm” nhiều nhất thế giới. Cũng vì vậy mà có lẽ mức độ tùy tiện và hài lòng cũng thuộc hàng cao nhất thế giới, bất chấp sự thật khách quan thế nào.
Thái Hạo