Tuesday, November 16, 2021

TSAR BOMBA: TRÁI BOM HẠT NHÂN "THẦN THÁNH" CỦA LIÊN XÔ

Vào năm 1961, Liên Xô thử nghiệm một trái bom hạt nhân có sức mạnh khủng khiếp, mạnh tới mức không thể dùng trong chiến tranh. Và nó gây ra những tác động ghê gớm một cách rất khác biệt so với những thứ vũ khí khác.


Vào sáng ngày 30/10/1961, một phi cơ ném bom Tu-95 của Liên Xô cất cánh từ sân bay Olenya ở Bán đảo Kola nơi miền viễn bắc Nga.

Chiếc Tu-95 này đã được chỉnh sửa đặc biệt, hoạt động được hai năm. Con quái vật khổng lồ với sải cánh rộng và bốn động cơ có nhiệm vụ chở kho vũ khí là bom hạt nhân của Nga.

Thập niên trước đó là thời kỳ các nghiên cứu hạt nhân của Liên Xô đã đạt những bước tiến dài. Chiến tranh Thế giới thứ hai đặt Hoa Kỳ và Liên Xô vào cùng một phe, nhưng thời kỳ hậu chiến là lúc quan hệ hai bên trở nên lạnh nhạt, rồi tới mức băng giá. Và Liên Xô, đứng trước đối thủ là siêu cường duy nhất có khả năng hạt nhân, thì chỉ có một lựa chọn. Đó là phải đuổi kịp, và phải kịp thật nhanh.

Vào 29/8/1949, Liên Xô đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình - được phương Tây biết đến với tên gọi 'Joe-1' - tại khu vực thảo nguyên hẻo lánh ở nơi nay thuộc về Kazakhstan,với những thông tin tình báo mót được từ việc xâm nhập vào chương trình bom hạt nhân của Hoa Kỳ.

Trong những năm đó, chương trình thử nghiệm của Liên Xô đã có những bước nhảy vọt, với hơn 80 thiết bị được kích nổ; chỉ riêng trong năm 1958, Liên Xô đã thử 36 quả bom hạt nhân.

Thế nhưng không trái bom nào Liên Xô từng thử có thể so sánh được với trái này.

Chiếc Tu-95 mang theo bên dưới nó một trái bom khổng lồ, lớn tới mức không thể đặt vừa vào bên trong khoang máy bay, nơi lẽ ra đạn dược thường được chứa để vận chuyển đi các nơi khác.


Trái bom dài 8m, đường kính gần 2,6m và nặng trên 27 tấn.

Về mặt vật chất, nó có hình dạng rất giống với bom 'Little Boy' (Cậu Nhỏ) và 'Fat Man' (Gã Bự) vốn đã tàn phá các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi 15 năm trước đó.

Trái bom này trở nên nổi tiếng với vô số các tên gọi kỹ thuật mang tính trung lập - Dự án 27000, Mã Sản Phẩm 202, RDS220, và Kuzinka Mat (Mẹ của Kuzka). Ngày nay, nó được biết đến nhiều hơn với tên Tsar Bomba - tức bom của Sa Hoàng.

Tsar Bomba không phải là một trái bom hạt nhân bình thường. Nó là kết quả của một nỗ lực ghê gớm, quyết liệt của các khoa học gia Liên Xô trong việc chế tạo ra một thứ vũ khí hạt nhân mạnh nhất, như mong muốn của Thủ tướng Nga khi đó, Nikita Khruschchev, là khiến cho cả thế giới phải run sợ trước sức mạnh thần thánh của công nghệ Liên Xô.

Máy bay ném bom Tu-95 của Liên Xô. Ảnh: Mod

To khủng khiếp, đáng sợ hơn một con quái vật bằng thép, nó to tới mức không đặt vừa vào bên trong chiếc phi cơ lớn nhất, và nó có thể phá hủy cả một thành phố - nó là thứ vũ khí cuối cùng dùng tới, khi người ta không còn cách nào khác.

Chiếc Tupolev được sơn màu trắng sáng để giảm bớt hiệu ứng flash từ trái bom, bay tới địa điểm dự kiến.

Novya Zemlya, quần đảo thưa thớt dân cư nằm ở Biển Barents, phía trên rìa bắc giá lạnh của Liên Xô.

Viên phi công lái chiếc Tupolev, Thiếu tá Andrei Durnovtsev, đưa chiếc phi cơ tới Vịnh Mityushikha, là một địa điểm thử nghiệm của Liên Xô, ở độ cao 10km.

Một chiếc phi cơ nhỏ hơn, đã được chỉnh sửa cho phù hợp, chiếc máy bay ném bom Tu-16, bay bên dưới, sẵn sàng ghi hình lại quang cảnh vụ nổ và ghi nhận, theo dõi các mẫu không khí trong lúc nó bay ra từ vùng có vụ nổ.

Để hai chiếc máy bay có cơ hội thoát chết - mà khả năng này được tính toán là chỉ có không quá 50% - thì trái bom Tsar Bomba được thả ra bằng một chiếc dù khổng lồ, nặng gần một tấn. Trái bom sẽ được trôi từ từ xuống độ cao định sẵn, 3.940m, rồi được kích nổ.

Tới lúc đó, hai chiếc máy bay đã có thể bay xa được gần 50km, và đó là khoảng cách lẽ ra là đủ để đảm bảo an toàn.


Bom Tsar Bomba được kích nổ vào lúc 11:32 giờ Moscow. Trong chớp mắt, nó tạo ra một quả cầu lửa rộng năm dặm. Quả cầu lửa bùng lên trên do sức mạnh khủng khiếp mà nó tự tạo ra. Người ta có thể nhìn thấy cú bùng lên từ khoảng cách cách đó 1.000km.

Khối mây hình nấm bùng lên tới độ cao 64km, và phần đỉnh nấm tỏa rộng ra khắp một khu vực trải dài gần 100km từ đầu này cho tới đầu kia.

Tại Novaya Zemlya, những tác động mà trái bom tạo ra là vô cùng khủng khiếp. Ở ngôi làng Severny, cách địa điểm thả bom (Ground Zero) chừng 55km, toàn bộ các ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Các huyện thị của Liên Xô nằm cách đó hàng trăm dặm cũng phải hứng chịu nhiều loại tổn thất, hư hại khác nhau, từ sập nhà, tốc mái, bung cửa, vỡ cửa kính... Việc phát sóng radio bị gián đoạn trong hơn một giờ đồng hồ.

Chiếc Tupolev của Durovtsev may mắn thoát hiểm; sóng của vụ nổ mà Tsar Bomba gây ra khiến chiếc máy bay ném bom khổng lồ rớt độ cao hơn 1.000m trước khi viên phi công tái kiểm soát được tình hình.

Một người quay phim của Liên Xô được chứng kiến cảnh tượng kích nổ trái bom nói:

"Những quầng mây bên dưới chiếc phi cơ và ở xa sáng rực lên do vụ nổ. Biển ánh sáng chói lòa tỏa ra bên dưới và thậm chí những đám mây cũng bắt đầu lấp lánh rồi trở nên trong suốt. Vào lúc đó, chiếc phi cơ của chúng tôi nhô ra từ giữa hai tầng mây và bay bên dưới, trong khoảng trống giữa tầng mây và trái cầu màu cam sáng rực khổng lồ. Trái cầu quá mạnh, kiêu hãnh như thể Thần Zeus. Từ từ, chầm chậm, nó lan lên trên... Xuyên thủng qua những lớp mây khổng lồ, nó tiếp tục lớn dần. Trông như thể nó nuốt chửng Trái Đất vậy. Quang cảnh cực kỳ tuyệt diệu, siêu thực, siêu nhiên."

Tsar Bomba xả ra một lượng năng lượng nhiều tới mức không thể tưởng tượng nổi - ngày nay người ta cho rằng nó đạt bằng khoảng 57megatons, tức 57 triệu tấn thuốc nổ TNT. Tức là nó mạnh gấp 1.500 lần so với cả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki gộp lại, và mạnh gấp 10 lần toàn bộ số thuốc súng được sử dụng trong Đại chiến Thế giới thứ hai. Các thiết bị cảm ứng đo được sóng của vụ nổ bom lan vòng quanh Trái Đất không chỉ một hay hai, mà là ba lần.


Một vụ nổ như vậy thì không thể giấu kín. Hoa Kỳ có một máy bay do thám ở cách vị trí vụ nổ chỉ vài chục km. Chiếc máy bay này mang theo một thiết bị quang học đặc biệt được gọi là bhangmeter, rất hiệu quả trong việc tính toán sức mạnh của các vụ nổ hạt nhân.

Dữ liệu mà chiếc máy bay này thu được - được đặt mã hiệu là Speedlight - được dùng bởi Ủy ban Thẩm định Vũ khí Nước ngoài nhằm tính toán sức mạnh của vụ nổ bí hiểm.

Quốc tế nhanh chóng lên án vụ việc, không chỉ từ phía Hoa Kỳ và Anh mà còn cả từ một số quốc gia láng giềng của Liên Xô trên bán đảo Scandinavi như Thụy Điển. Điều duy nhất may mắn trong vụ mây nấm này là do quả cầu lửa không trùm xuống mặt đất cho nên lượng phóng xạ xả ra chỉ ở mức thấp một cách đáng ngạc nhiên.

Mọi thứ có thể đã rất khác. Nhưng may là do có một thay đổi trong thiết kế để khống chế bớt sức mạnh của nó, nếu không thì bom Tsar Bomba lẽ ra đã có sức công phá mạnh gấp đôi.

Một trong những kiến trúc sư của thiết bị thần thánh này là nhà vật lý Liên Xô, Andrei Sakharov, người sau này trở nên nổi tiếng toàn cầu do những nỗ lực trong việc xóa bỏ khỏi thế giới thứ vũ khí mà ông đã góp phần sinh ra.

Ông là một gương mặt kỳ cựu của chương trình bom hạt nhân Liên Xô, tham gia từ những ngày đầu tiên, và là một thành viên trong nhóm đã thiết kế và cho ra đời những trái bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô.

Sakharov bắt đầu làm việc trên một thiết bị phản ứng hóa học đa tầng (layered fission-fusion-fission device), một trái bom có khả năng tạo ra thêm năng lượng từ tiến trình xử lý hạt nhân trong phần lõi của nó.

Sức hủy hoại của trái bom khiến nhà vật lý hạt nhân của Liên Xô, Andrei Sakharov tỏ thái độ lên án vũ khí hạt nhân. Ảnh: Science photo library

Tiến trình này gồm việc 'đóng gói' chất deuterium - một chất đồng vị hydro ổn định - bằng một lớp uranium đã được làm giảu.

Uranium sẽ thu giữ những hạt neutrons từ việc kích hoạt chất deuterium và tự nó bắt đầu phản ứng. Sakharov gọi đó là sloika, tức là chiếc bánh có nhiều lớp.

Bước phát triển đột phá này đã cho phép Liên Xô xây dựng được trái bom nhiệt hạch đầu tiên của mình, một thiết bị mạnh hơn nhiều so với các trái bom hạt nhân được chế tạo chỉ vài năm trước đó.

Sakharov được Khrushchev yêu cầu hãy nghĩ ra một trái bom có sức công phá mạnh hơn bất kỳ thứ gì từng được thử nghiệm cho đến nay.

Liên Xô cần thể hiện rằng họ tiến nhanh hơn Hoa Kỳ trong cuộc đua vũ khí hạt nhân, theo Philip Coyle, cựu giám đốc chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới thời Tổng thống Bill Clinton, người từng dành 30 năm tham gia thiết kế và thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân.

"Hoa Kỳ khi đó đã dẫn trước rất xa bởi việc thử nghiệm đã được thực hiện từ trước để chuẩn bị sẵn sàng cho việc ném bom Hiroshima và Nagasaki. Khi đó Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều vụ thử trong khí quyển trước khi Nga có thể thực hiện được một vụ."

"Chúng tôi dẫn trước và Liên Xô tìm cách làm cái gì đó nhằm chứng tỏ với thế giới rằng họ cần phải được công nhận. Bom Tsar Bomba về căn bản là được thiết kế để khiến thế giới phải đứng dậy mà nhận ra rằng nay Liên Xô có sức mạnh cũng không kém gì," Coyle nói.

Thiết kế gốc - một trái bom ba lớp, với các lớp uranium được tách ra hoạt động từng giai đoạn một - lẽ ra mạnh tới 100 megatons, tức là gấp 3.000 lần các trái bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Liên Xô đã thử nghiệm những thiết bị lớn trên bầu khí quyển, mạnh vài megaton, nhưng trái bom lần này thì mạnh hơn rất nhiều. Một số nhà khoa học tin rằng nó quá lớn.

Với sức mạnh khủng khiếp đó, không gì có thể đảm bảo được rằng trái bom khổng lồ sẽ không bao phủ phần phía bắc của Liên Xô với một đám mây bụi phóng xạ lan rộng khủng khiếp.

Đó là một nỗi lo sợ lớn của Sakharov, theo Frank von Hippel, một nhà vật lý đồng thời là người đứng đầu Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton.

"Ông ấy thực sự rất chú trọng tới lượng phóng xạ mà trái bom tạo ra," ông nói, "và các tác động gây biến đổi gene mà vụ nổ có thể gây ra đối với các thế hệ sau."

"Đó là sự khởi đầu cho hành trình của ông, từ một nhà thiết kế bom trở thành một nhà bất đồng chính kiến."

Mô hình cho thấy kích cỡ khổng lồ của bom Tsar Bomba. Ảnh: Science photo library

Trước khi trái bom được đem đi thử nghiệm, các lớp uranium giúp cho bom tạo được sức mạnh khủng khiếp hơn đã được thay bằng các lớp chì, giúp giảm bớt độ đậm đặc của chất phóng xạ hạt nhân.

Liên Xô đã chế tạo được một vũ khí mạnh tới mức họ không muốn thử nghiệm ở mức tạo công suất tối đa. Và đó là vấn đề duy nhất đối với thiết bị có sức hủy hoại khủng khiếp này.

Các máy bay ném bom Tu-95 được thiết kế để chở vũ khí hạt nhân của Liên Xô ở mức gọn nhẹ hơn nhiều. Bom Tsar Bomba thì lớn tới mức không thể đặt trên một tên lửa, và nặng tới mức máy bay chở nó sẽ không đủ nhiên liệu để bay tới đích được. Và với một trái bom mạnh như thế thì chiếc phi cơ chở nó đằng nào cũng sẽ chỉ thực hiện được sứ mệnh một chiều.

"Khó có thể dùng trái bom vào việc gì trừ phi quý vị muốn xóa sổ những thành phố rất lớn," Coyle, người nay là thành viên hàng đầu tại tổ chức nghiên cứu đóng tại Washington DC, Kiểm soát Vũ khí và Vũ khí Giết người Hàng loạt, nói. "Đơn giản là nó quá lớn để sử dụng."

Von Hippel cũng đồng ý như vậy.

Bom Tsar Bomba còn có các tác động khác nữa.

Có những quan ngại quanh vụ thử nghiệm, von Hippel nói rằng Sakharov đặc biệt quan ngại tới lượng phóng xạ carbon 14 mà vụ nổ xả vào khí quyển. Đây là chất đồng vị tồn tại ở dạng chu kỳ nửa phân rã.

Sakharov lo rằng một trái bom lớn hơn trái được thử nghiệm sẽ không tự bị đẩy ra bởi chính lớp sóng mà nó tạo ra như trong trường hợp bom Tsar Bomba, và điều đó sẽ khiến chất độc hại bay ra toàn cầu.


Sakharov trở thành người nhiệt thành ủng hộ Lệnh cấm thử nghiệm từng phần 1963, và là người lớn tiếng chỉ trích việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Vào cuối thập niên 1960, ông cũng phản đối việc thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa mà ông sợ là sẽ làm thổi lên một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Ông ngày càng bị chính quyền ghẻ lạnh, trở thành một nhà bất đồng chính kiến mạnh mẽ. Năm 1975 ông được trao giải Nobel Hòa bình, và được coi là "sự thức tỉnh lương tâm nhân loại", von Hippel nói.

Có vẻ như trái bom Tsar Bomba lẽ ra đã nổ theo một cách rất khác.

Stephen Dowling
BBC Future
Link tiếng Anh: