Ảnh: Dr. Mario Lebrato
Xộc thẳng vào khứu giác của tôi là mùi hôi nồng nặc ngay giây phút đầu tiên đặt chân lên đảo.
Mùi trứng ung là bằng chứng về sự tồn tại của một hệ thống các lỗ khí ngầm dưới biển đang không ngừng phun ra lưu huỳnh từ những dòng nước nóng phụt lên.
Mùi thum thủm này lạc lõng hoàn toàn với khung cảnh nên thơ nơi đây. Ngay trước mắt tôi là hòn đảo núi lửa bao phủ bởi rừng rậm. Một dải nước màu ngọc lam nhạt chảy ven bờ tương phản rõ rệt với màu xanh dương của biển cả.
Tôi đi vòng quanh Đảo Rùa (Quy Sơn Đảo 龜山島 trong tiếng Trung), hòn đảo nằm cách bờ biển đông bắc Đài Loan 12 km, một trong hai núi lửa vẫn đang còn hoạt động, có tuổi đời khoảng 7.000 năm tuổi của Đài Loan.
Hòn đảo này là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ hình dáng giống như con rùa khổng lồ với các vách đá đẹp như tranh, có đường hầm quân sự và các tour xem cá heo ngoài biển.
Nhưng điều thật sự hấp dẫn các nhà khoa học và dân ham đăng hình trên Instagram lại là vùng nước nhạt màu phía bờ đông của hòn đảo, nơi có cái đầu rùa nhô cao lên mặt biển.
Mang tên là Biển Ngân Hà, nơi đây vừa là 'người đẹp' vừa là 'quái thú'.
Ẩn dưới sắc nước quyến rũ thu hút các nhiếp ảnh gia là khối nước nóng đầy tính axit với nồng độ pH thuộc hàng thấp nhất trong các đại dương - điều vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học.
Hàng chục miệng phun thủy nhiệt, giống như những ống khói nhỏ, còn được gọi là lỗ phun khí, nhả khí độc hại và kim loại nặng ra đáy biển.
Các lỗ phun khí này giống như một phòng thí nghiệm tự nhiên không chỉ bởi chúng rất gần với đất liền mà còn vì địa thế nông, đa phần chỉ cách mặt nước có 14m. Điều này giúp các nhà khoa học hàng hải dễ dàng tiếp cận để nghiên cứu.
Vùng nước nhạt màu quanh đảo là nơi các miệng phun thủy nhiệt thải ra khí độc hại và kim loại nặng. Ảnh: Dr. Mario Lebrato
"Địa hình dưới nước giống như đến từ thế giới khác vậy," Tiến sỹ Mario Lebrato cho biết.
Ông đã thực hiện hàng chục chuyến lặn xuống đây để phục vụ cho công trình nghiên cứu những biến đổi theo chuỗi thời gian trong vòng 10 năm (từ 2009 đến 2018) của Viện Khoa học Địa chất thuộc Đại học Kiel, Đức hợp tác cùng các nhà nghiên cứu Đài Loan và Trung Quốc.
"Vùng nước này có kim loại nặng và chứa đầy axit. Không khó để thấy có rất nhiều bong bóng kèm với tiếng sủi ùng ục… còn nhiệt độ thì thay đổi liên tục."
Dòng nước chảy ra từ các miệng phun thủy nhiệt nóng khoảng 100 độ C nhưng lạnh đi nhanh chóng khi hòa lẫn vào nước biển.
"Công việc này thực sự khó khăn, chủ yếu do tiếng ồn lớn tới điếc tai từ các lỗ phun khí," ông nói. "Tôi luôn cảm thấy nguy hiểm khi ở dưới này."
Môi trường độc hại này khá tương đồng với khí hậu của Trái Đất vào giai đoạn sự sống bắt đầu xuất hiện; và nghiên cứu về các sinh vật đã tiến hóa để tồn tại ở Biển Ngân Hà có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về sự sống sơ khai từ 3,5 tỷ năm trước.
"Chúng tôi không nhất thiết là sẽ tìm ra manh mối để giải thích nguồn gốc sự sống, nhưng thay vào đó là tìm hiểu cách sự sống tiến hóa như thế nào trong vài triệu năm đầu tiên dưới điều kiện khắc nghiệt như vậy, có lẽ là khắc nghiệt tương tự như ở khu vực Đảo Rùa," Tiến sỹ Lebrato giải thích.
Ông cho biết thêm, điều mà chúng ta cần tìm hiểu là các loài sinh vật có khả năng thích nghi với điều kiện nơi này, cách mà chúng sinh tồn, và sự đa dạng sinh vật ở đây bị hạn chế như thế nào.
Những sinh vật nào có thể tồn tại được ở hệ sinh thái khắc nghiệt này?
Ở ngay sát các miệng phun thủy nhiệt thì không có mấy sự sống tồn tại.
Chỉ có một loại cua đặc biệt, tên khoa học là Xenograpsus testudinatus (một dạng cua sống trong hang), có thể tồn tại nổi ở nơi này, theo Tiến sỹ Yiming Wang, người tham gia cuộc nghiên cứu với tư cách là chuyên gia về chuỗi thức ăn.
"Không có bất cứ một động vật đa bào nào có thể được tìm thấy trong khu vực xung quanh các miệng phun khí thủy nhiệt đang hoạt động, do các chùm dịch lưu huỳnh lỏng phun ra tại đây quá độc hại," bà giải thích thêm.
Loài cua này đã tiến hóa để tồn tại nhờ ăn cá và các sinh vật phù du không may bị chết do trôi dạt gần miệng phun khí. Chúng cũng ăn cả các mẩu vụn và vi sinh vật bám vào đáy biển.
Ngoại trừ một loại cua đặc biệt mới được phát hiện vào năm 2000, hầu như không có loài sinh vật nào có thể tồn tại ngay gần các miệng phun thủy nhiệt. Ảnh: Dr. Mario Lebrato
Nghiên cứu về lĩnh vực này còn quá mới để có thể giải thích được làm thế nào mà loại cua mới được phát hiện vào năm 2000 này có thể tồn tại được trong môi trường độc hại như vậy.
Tuy nhiên, ở các nơi cách xa miệng phun thủy nhiệt thì lại hoàn toàn khác. Hải quỳ, sên biển, các loài động vật thân mềm và cả một rặng san hô sặc sỡ như cầu vồng phủ đầy khu vực lân cận.
Xung quanh Đảo Rùa và ngay ngoài vùng Biển Ngân Hà là một số những ngư trường giàu trữ lượng cá nhất của Đài Loan, được nuôi dưỡng bởi dòng hải lưu ấm Kuroshio chảy theo hướng bắc về Nhật Bản.
Minh chứng cho sự dồi dào này là sự hiện diện áp đảo của bọn cá săn mồi hàng đầu - cá heo.
Cá heo cũng là điểm nhấn của các chuyến đi tới đảo, và quả nhiên là vậy vì ngay khi đoàn tôi rời Biển Ngân Hà và bờ biển phía đông, một bầy cá heo quay (cá heo spinner) xuất hiện, cống hiến một màn trình diễn bơi lượn và nhào lộn trên biển.
Còn có một lý do cấp bách hơn nữa để thúc đẩy việc nghiên cứu các sinh vật sống quanh các giếng phun thủy nhiệt ở Đảo Rùa, đó là chúng có thể cho ta manh mối về cách mà hệ sinh thái biển đang phải đương đầu với các biến đổi khắc nghiệt, từ biến đổi khí hậu như axit hóa đại dương đến biến đổi do các hoạt động gây ô nhiễm như đổ chất thải khai thác mỏ (đá vụn và các phế liệu từ khai thác mỏ có thể cực kỳ độc hại).
Đảo Rùa cho phép chúng ta "nghiên cứu cách mà hệ sinh thái biển tồn tại trong môi trường khắc nghiệt. Điều này rất có ích cho việc tìm hiểu về tương lai của đại dương," Tiến sỹ Lebrato nói.
Một sự kiện xảy ra vào giai đoạn sau của cuộc nghiên cứu đã thay đổi toàn bộ quá trình trước đó của họ.
Vào năm 2016, một trận động đất 5,8 độ làm rung chuyển Đài Loan. Chỉ vài tuần sau, Đài Loan tiếp tục hứng chịu bão Nepartak, trận bão mạnh cấp độ 5.
Thảm họa kép này kích hoạt các vụ sụt lở trên Đảo Rùa, khiến cho rất nhiều miệng phun thủy nhiệt bị bịt kín bởi đất đá.
Sau khi các nguồn suối nước nóng trên đáy biển bị bít kín, thành phần hóa học và độ pH của nước biển thay đổi rõ rệt.
Điều kỳ diệu là hệ sinh thái mạch thủy nhiệt thích ứng tốt một cách thần kỳ khi hầu như không xảy ra sự hủy diệt sinh vật nào, theo như kết quả công bố trong nghiên cứu 2019 của nhóm các nhà khoa học.
"Hệ sinh thái biển có khả năng điều chỉnh tuyệt vời để thích nghi với các biến đổi khắc nghiệt," Tiến sỹ Lebrato giải thích. "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng bất kể sự xáo trộn lớn đến thế nào đi nữa, nhìn chung sự sống… và hệ sinh thái đều có thể xoay sở thích nghi để hồi phục về trạng thái ban đầu của nó sau khoảng hai năm. Điều này nói lên rất nhiều về khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển bất chấp các sự kiện thảm họa."
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về môi trường độc hại này để hiểu hơn về cách mà hệ sinh thái biển đương đầu với những biến đổi khắc nghiệt. Ảnh: Dr. Mario Lebrato
Tuy nhiên, không phải tất cả các loài sinh vật đều có khả năng hồi phục như nhau.
Những loài đặc biệt, chẳng hạn như loài cua sống ở sát miệng phun thủy nhiệt đã có số lượng giảm đi trông thấy, trong khi sên biển và các động vật thân mềm dường như không bị ảnh hưởng mấy.
Theo Tiến sỹ Wang, các loài đặc thù, như cua hang mà các nhà khoa học cho rằng phụ thuộc vào dinh dưỡng từ các vi khuẩn lưu huỳnh dễ bị tác động hơn các loài ít đặc thù và không kén chọn nguồn thức ăn.
Tiến sỹ Wang hiện đang là nhà khoa học chính cho một nghiên cứu mới về ảnh hưởng của bão và động đất lên chiến lược sinh tồn của các sinh vật phụ thuộc vào miệng phun thủy nhiệt nơi đây.
Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng mặc dù hệ sinh thái miệng phun thủy nhiệt có thể tồn tại qua thảm họa động đất và bão tố, các sinh vật linh hoạt hơn sẽ có khả năng đối phó với việc có sự biến đổi tốt hơn. Do đó, sẽ luôn có kẻ thắng kẻ thua sau mỗi trận thiên tai.
Hầu hết du khách tới đây không hề hay biết về cuộc vật lộn sinh tồn thú vị dưới đáy biển.
Thay vào đó, họ tìm niềm vui từ việc ngắm cá heo và chụp ảnh bầu trời xanh trong diệu kỳ của Biển Ngân Hà, hay ghi hình lại các vách đá được tô điểm bằng các đường vân xám và màu cánh gián hổ phách óng ả.
Đài Loan đóng cửa hòn đảo vào thập niên 1970 trong suốt 23 năm trong thời kỳ thiết quân luật.
Các đường hầm quân sự, tháp canh và đài quan sát vẫn còn lại cho đến ngày nay.
Du khách đến đây trong ngày (để bảo tồn hệ sinh thái mong manh của hòn đảo, du khách không được phép ở lại qua đêm) với mục tiêu len lỏi khám phá các công trình quân sự, tham quan các làng chài bị bỏ hoang và tận hưởng những chuyến đi dạo trong rừng.
Khi thuyền chở tôi quay về đất liền cũng là lúc một cơn mưa giăng xuống dệt thành tấm màn nước mờ ảo, và hình bóng của Đảo Rùa dần hòa lẫn vào mù sương, cho đến khi nó biến mất hẳn cùng với bí mật về sự sống ẩn dưới những con sóng biển.
Dinah Gardner
BBC Travel
Link tiếng Anh: