Minh hoạ: Pixabay
Sinh ra đã học làm… CEO!
Cộng đồng người Mỹ gốc Ấn chỉ chiếm khoảng 1% dân số Mỹ và chiếm 6% lực lượng lao động của Thung lũng Silicon, cái nôi công nghệ Mỹ, nhưng họ lại được đại diện một cách “không cân đối” trong số người giữ các vị trí hàng đầu tại các công ty Mỹ so với nhiều cộng đồng thiểu số khác. Đây là thắc mắc mà nhiều người muốn tìm câu trả lời.
Ông R. Gopalakrishnan, cựu Giám đốc điều hành công ty Tata Sons và đồng tác giả của cuốn sách “The Made in India Manager” giải thích: “Không có quốc gia nào trên thế giới đào tạo được nhiều công dân theo cách thức đào tạo võ sĩ giác đấu giống như Ấn Độ đã làm!”.
Ông trích lời nhà chiến lược kinh doanh Ấn Độ C K Prahalad: “Từ việc xin giấy khai sinh đến làm giấy chứng tử; từ tranh chỗ vào đại học đến tìm kiếm việc làm; từ sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng đến thiếu nhiều thứ khác. Điều đó có nghĩa là khi lớn lên ở Ấn, bạn sẽ tự động trở thành… nhà quản lý bẩm sinh” và nói thêm: “Chính sự cạnh tranh khốc liệt và hỗn loạn này đã giúp người Ấn rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề làm việc quá sức của văn hoá công sở Mỹ. Người Ấn thường ưu tiên cho chuyên môn hơn là giúp đỡ cá nhân đơn thuần. Đây là điểm cộng của các CEO ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
Các CEO gốc Ấn của Thung lũng Silicon thuộc nhóm dân tộc thiểu số 4 triệu người, nhưng nằm trong số những người giàu nhất và có trình độ học vấn cao nhất nước Mỹ. Khoảng một triệu người gốc Ấn là nhà khoa học và kỹ sư. Hơn 70% là kỹ sư phần mềm có thị thực H-1B (giấy phép lao động cho người nước ngoài vào Mỹ). 40% trong tổng số kỹ sư Mỹ sinh ra ở nước ngoài đang sống và làm việc tại các thành phố như Seattle của tiểu bang Washington đến từ Ấn Độ!
Minh hoạ: Pixabay
Nhờ thay đổi trong chính sách nhập cư của Mỹ
Các tác giả của cuốn “The Other One Percent: Indians in America” viết: “Người tài gốc Ấn có được cơ hội hiện nay là nhờ kết quả của sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách nhập cư của nước Mỹ vào thập niên 1960”.
Khi phong trào quyền công dân lên cao và hạn ngạch nguồn gốc quốc gia được thay thế bằng hạn ngạch ưu tiên kỹ năng và đoàn tụ gia đình, nhiều người Ấn Độ có trình độ học vấn cao (trước hết là các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, tiếp theo là các lập trình viên phần mềm) bắt đầu lũ lượt đến Mỹ.
Nhóm người nhập cư Ấn Độ này không giống với các nhóm nhập cư từ bất kỳ quốc gia nào khác. Họ không chỉ nằm trong số những người Ấn thuộc tầng lớp thượng lưu có khả năng đi học một trường đại học danh tiếng, mà còn thuộc tầng lớp trung lưu nhưng đủ tiền để cho con cái học lên cao hơn ở Mỹ, giống như nhiều CEO gốc Ấn tại Thung lũng Silicon hiện nay.
Sau đó, hệ thống thị thực tiếp tục mở thêm cửa cho những người có kỹ năng cụ thể (thường là nhà khoa học, chuyên viên công nghệ, kỹ thuật, toán học hoặc STEM như liệt kê trong danh sách ưu tiên) để bổ sung cho nhu cầu thị trường lao động cao cấp đang thiếu hụt ở Mỹ”.
Doanh nhân công nghệ kiêm học giả Vivek Wadhwa nhận xét: “Đây là thành quả của một vụ bội thu, tạo đòn bẩy để người gốc Ấn thể hiện tài năng, rồi tham gia vào các công ty với những người giỏi nhất vươn lên vị trí đầu”.
Sundar Pichai, CEO gốc Ấn của Alphabet. Ảnh chụp màn hình YouTube
Tính cách Ấn
Cộng đồng CEO Ấn góp công xây dựng ở Thung lũng Silicon có thêm lợi thế là giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên. Mạng lưới tương trợ của họ rất gắn kết.
“Các CEO sinh ra ở Ấn Độ thăng tiến trên bậc thang công ty bằng chính công sức của mình, từ người làm thuê, nên họ rất khiêm tốn, khác với nhiều CEO sáng lập thường bị than phiền là “công thần, kiêu ngạo” và hay thể hiện quyền uy trong cả tầm nhìn lẫn cung cách quản lý” – Ông Wadhwa nhận định – Những CEO như Nadella và Pichai rất thận trọng trong tư duy và cư xử dịu dàng với đồng nghiệp hơn nên họ dễ được hội đồng quản trị chú ý khi công ty cần một CEO mới, đặc biệt là vào những lúc khó khăn khi uy tín của các công ty công nghệ lớn đã giảm mạnh (biểu hiện qua các phiên điều trần chất vấn của Quốc Hội Mỹ) phải chịu sự thù địch của một số chính phủ nước ngoài và khoảng cách ngày càng tăng giữa những người giàu nhất Thung lũng Silicon và phần còn lại của nước Mỹ.
Saritha Rai, người phụ trách lĩnh vực công nghệ ở Ấn Độ nói với hãng tin Bloomberg News: “Cách lãnh đạo khiêm tốn và không đi theo lối mòn của CEO gốc Ấn là một điểm cộng lớn”. Vinod Khosla, doanh nhân tỷ phú Mỹ gốc Ấn và nhà đầu tư mạo hiểm đồng sáng lập Sun Microsystems bổ sung: “Xã hội đa dạng của Ấn Độ, với rất nhiều phong tục và ngôn ngữ, mang lại cho các CEO gốc Ấn khả năng điều chỉnh cao trong các tình huống phức tạp, đặc biệt là khi nói đến vấn đề tổ chức. Đạo đức làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm cũng giúp họ có được lợi thế so với các ứng viên khác”.
Nhưng lợi thế không chỉ dừng ở đó. Rất nhiều người Ấn có thể nói tiếng Anh thành thạo giúp họ dễ dàng hòa nhập vào khu vực công nghiệp công nghệ đa dạng của nước Mỹ. Giáo dục Ấn Độ chú trọng toán học và khoa học đã giúp đất nước này phát triển được một ngành công nghiệp phần mềm mạnh và các sinh viên tốt nghiệp học lên cao không khó tại các trường kỹ thuật và quản lý hàng đầu ở Mỹ.
MInh hoạ: Wonderlane/Unsplash
Giấc mơ Mỹ quay sang Giấc mơ Ấn Độ
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nước Mỹ đang chứng kiến dòng chảy ngược chất xám, đưa nhiều chuyên viên công nghệ Ấn Độ quy cố hương. “Những người này tin rằng họ cũng sẽ thành công tại Ấn Độ như ở Mỹ. Nói cách khác, công thức thành công của các chuyên viên công nghệ gốc Ấn nếu đúng tại Mỹ (ít nhất là trước khi nhập cư bị hạn chế hơn sau cuộc khủng bố 11/9 ) thì cũng đúng tại Ấn Độ – nhà kinh tế Rupa Subramanya viết trên tạp chí Foreign Policy số mới – Sự tồn đọng lớn trong các đơn xin cấp thẻ xanh Mỹ và cơ hội ngày càng nhiều trên thị trường Ấn Độ đang làm lu mờ sức hấp dẫn của ‘Giấc mơ Mỹ’. Thực tế cho thấy Giấc mơ Mỹ đang bị thay thế bằng giấc mơ khởi nghiệp tại Ấn Độ”.
Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện gần đây của các “Kỳ lân” tại Ấn Độ (dùng để chỉ những công ty trị giá hơn 1 tỷ đôla) cho thấy đất nước này bắt đầu tự xây dựng được các công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, Khosla cảnh báo: “Hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ tương đối trẻ nên còn quá sớm để nói đến tác động toàn cầu của Giấc mơ Ấn Độ”.
Một trở ngại khác là hầu hết các hình mẫu CEO gốc Ấn vẫn là nam giới và trên thực tế, tất cả các CEO gốc Ấn của Thung lũng Silicon đều là đàn ông. Bà Rai nhận định: “Sự đại diện của phụ nữ gần như… không có gì nên đa dạng giới tính trong tầng lớp CEO Ấn Độ vẫn còn là… kỳ vọng của tương lai!”.
Lê Tây Sơn / Theo: saigonnhonews
Link tham khảo: