Trung Vũ Đại Vương - Trần Thủ Độ (1194 – 1264) là quyền thần số một của nước ta thời nhà Trần, sinh thời ông tàn nhẫn quyết đoán và mưu lược nên để lại nhiều ý kiến khen chê khác nhau từ xưa đến nay. Nhưng những câu chuyện được ghi lại trong lịch sử lại cho thấy một khía cạnh khác về Trần Thủ Độ, một tấm gương chí công vô tư hiếm có nghìn đời.
Đại Việt Sử Ký toàn thư chép như sau :
Quyền át cả vua
“Trần Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế, ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”, Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: "Quả có đúng như những lời hắn nói thật”. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho”.
Trần Thủ Độ nghiêm giữ quốc pháp
“Linh Từ Quốc Mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Trần Thủ Độ rằng: “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư ?".
Trần Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa". Nói xong, đem vàng lụa thưởng cho.”
“Linh Từ Quốc Mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Trần Thủ Độ rằng: “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư ?".
Trần Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa". Nói xong, đem vàng lụa thưởng cho.”
Không vì tình riêng mà bố trí quan lại
“Có lần Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc Mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!" Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa”.
“Có lần Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc Mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!" Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa”.
Công tư phân minh, rạch ròi giữa nước và nhà
“Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng, Thủ Độ tâu: ‘An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?’. Vua bèn thôi. Trần Thủ Độ tuy làm Tể tướng nhưng mọi việc đều để ý chu tất, vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất”.
Lời bàn:
Quyền lực là một thứ gây nghiện và là con dao hai lưỡi, nó có thể đem lại thành công nhưng cũng có thể đẩy người ta xuống vực. Khoảng cách giữa trung thần và loạn thần cũng chỉ cách nhau có một đường tơ. Muốn giữ vững thành công lâu dài thì phải khống chế được dục vọng của cá nhân. Chỉ có giới hạn được nó thì mới không vượt qua đường tơ ngăn cách vinh nhục kia.
Vậy nên từ cổ chí kim, chỉ có những bậc đại trí đại huệ mới có thể nghiêm giới bản thân, trở thành những vĩ nhân danh truyền thiên cổ. Trần Thủ Độ là một tấm gương như thế. Ông không những đã hoàn thành xuất sắc vai trò người đắp nền cho nhà Trần sau này mà còn rất sáng suốt khi ở đỉnh cao quyền lực, ngay cả tình cảm vợ chồng và thân tộc cũng không mảy may làm ảnh hưởng sự anh minh của mình. Dẫu rằng nhiều lời khen chê cách cai trị và hành xử của ông, nhưng xét trên phương diện công trạng đối với quốc gia và thi hành chính trị gương mẫu thì người viết cho rằng Trần Thủ Độ có thể coi là một bậc chính nhân quân tử cầm quyền vậy.
Minh Bảo / Theo: ntdvn