Tuesday, July 26, 2022

DI SẢN KIẾN TRÚC CHỢ LỚN: HÝ TƯỢNG TRÊN MIẾU VŨ

Cộng đồng Hoa kiều Quảng Đông có số lượng đông đúc, và phát triển mạnh nhất trong vùng Chợ Lớn. Sự hưng vượng ấy thể hiện rõ nét qua kiến trúc miếu vũ do cộng đồng Quảng Đông đóng góp, xây dựng và bảo tồn. Ở công trình Hội quán Tuệ Thành, còn gọi là Miếu Thiên Hậu, vì nơi đây thờ vị nhân thần chính là Bà Thiên Hậu, còn được người dân quen gọi là Chùa Bà.

Sân thiên tĩnh ở Hội quán Tuệ Thành với mảng “hí tượng” trang trí do lò Đồng Hòa và Bửu Nguyên tạo tác.
KIẾN TRÚC BỀ THẾ, KHANG TRANG

Dựa theo bia ký, đại tự sau những lần trùng tu, Hội quán Tuệ Thành ban đầu mang kiến trúc chữ Khẩu, với khoảng trống giữa bốn dãy nhà hợp lại tạo thành sân thiên tĩnh trước chánh điện để lấy ánh sáng trời, cũng là nơi đặt lò thiêu hương thông nhang khói. Theo quan niệm người Hoa, thiên tĩnh cũng là nơi linh thần ngự giá. Kiến trúc này khác biệt với kiểu thức chùa miếu của Việt Nam, với tòa thiêu hương thường đặt phía sau hoặc bên ngoài khu vực chính điện.

Đến năm 1908, với sự phát triển của cộng đồng Quảng Đông, bình đồ kiến trúc Hội quán Tuệ Thành mở rộng thêm một sân thiên tĩnh có trung điện ở giữa làm điểm kết nối, tạo thành lối kiến trúc “nội công – ngoại quốc”, với kết cấu công trình là hệ cột đỡ bằng gỗ cao rộng, bề thế nhờ lối sử dụng kỹ thuật “chồng rường giá chiêng”, tức hệ cột nâng đỡ phần rường lên hai trụ chống và trên đó là thanh gối lên ngang trụ, tạo độ cao cho công trình. Những khoảng trống giữa “giá chiêng” được che khuất bằng các mảng, miếng điêu khắc trang trí trên gỗ các đề tài hoa lá, mai điểu, linh thú đầy sống động.

Hội quán Tuệ Thành có không gian kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nhất vùng Chợ Lớn.
Cấu kiện mái ngói cũng mang kiểu thức riêng, sử dụng ngói âm dương nhưng phần nổi nhỏ tạo thành hình ống nên còn gọi là mái ống, khung nhà cao vóng, tựa ấn triện nên còn được gọi là “kiến trúc hình Ấn”. Các hàng cột cái, cột phụ chống đỡ bộ vì kèo được khỏa lấp sự đơn điệu bằng hệ thống liễn đối, quãng kết nối giữa các gian được treo các bức đại tự, tạo thành một quần thể trang trí liền mạch, thể hiện trên đó là những kỹ thuật tinh túy của người Hoa du nhập vào Chợ Lớn ở các lĩnh vực chạm khắc, thư pháp, hội họa, đắp nổi, sơn thếp, đúc ghép… hình thành một công trình tâm linh, nhưng mang đậm dấu ấn của văn hóa, nghệ thuật.

Chi tiết đục chạm tinh xảo trên nền gỗ ở đôi liễn gian trung điện của Hội quán Tuệ Thành.
TIẾU TƯỢNG VÀ HÝ TƯỢNG

Ngoài giá trị đặc biệt của hơn 400 hiện vật cổ được bảo lưu, gìn giữ từ thời xây miếu, dấu ấn đặc biệt mang rõ phong cách Quảng Đông ở Hội quán Tuệ Thành còn là quần thể tượng trang trí trên nóc mái và các bờ bao của hội quán. Kiểu thức này được giới nghiên cứu gọi là “tiếu tượng” (tượng nhỏ) còn gọi là con giống (tiếu: con, tượng: giống), hay “hí tượng” (tượng vui), là nghề đặc trưng của vùng Phật Sơn, Quảng Đông, được các nghệ nhân gọi là Cóng Chảy Xí (Công Tử Sư – ông thầy nặn tượng) mang sang Chợ Lớn, phát triển ở vùng đồn Cây Mai từ thế kỷ 19, với các hiệu lò nổi tiếng như Đồng Hòa, Bửu Nguyên, Chợ Lớn Mai Sơn, chuyên trang trí nóc mái miếu vũ, nơi tôn nghiêm, mục đích tạo không khí vui tươi, hòa hợp, gần gũi, là chi tiết thú vị để kết nối ranh giới giữa linh thiêng và phàm tục.

Cụm “hý tượng” miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường sống động trên nóc mái Hội quán Tuệ Thành.
Nghệ thuật tạo tác “tiếu tượng” chỉ dành phục vụ kiến trúc chùa miếu và tồn tại đến đầu thế kỷ 20, khi chuỗi lò gốm vùng Cây Mai giải thể, chuyển về Biên Hòa, Lái Thiêu, nghệ thuật này cũng thất truyền từ đó. Và riêng ở Việt Nam, nhắc đến quần thể “tiếu tượng”, Hội quán Tuệ Thành chính là một công trình đồ sộ nhất, đặc biệt nhất, mang đậm dấu ấn và phong cách của người Hoa kiều đến từ Quảng Đông.

Hình ảnh tiên đồng – ngọc nữ trong cụm trang trí “hí tượng” ở Hội quán Tuệ Thành.
“Hý tượng” trang trí miếu vũ ra đời vào giai đoạn giữa thế kỷ 16, và khi đến vùng Chợ Lớn – cùng với sự phát triển của gốm trang trí, gia dụng thuộc dòng Cây Mai, và sự hưng vượng của bang hội Quảng Đông – đã tạo nên dấu son về nghệ thuật trang trí kiến trúc. Kiểu thức trang trí “tiếu tượng” ở Hội quán Tuệ Thành còn được gặp lại ở rất nhiều công trình tương tự như Đình Minh Hương Gia Thạnh, Tam sơn Hội Quán, Phước An Hội Quán… đến các chùa miếu thuộc tỉnh thành lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, và miền Tây Nam bộ.


Đề tài trang trí quần thể “hý tượng”, “tiếu tượng” ở Hội quán Tuệ Thành rất đa dạng, từ hình tượng linh thần, tiên giới, đến phàm tục… tất cả kết nối nhau theo từng cụm hình khối, liên hoàn, hoặc phân cách bằng các mảng đề tài cảnh vật cặp đôi như Tùng – Lộc, Phù Dung – Trĩ, Bát Bửu – Cổ Đồ, Mai – Điểu…

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH