Chuyện tế nhị rắc rối
Trong măng tây có một chất hữu cơ chứa sulfur gọi là acid asparagusic, và chỉ măng tây mới có acid này. Các loại thực phẩm khác, thực vật hay động vật, đều không có.
Tuy nhiên, quy kết cho acid asparagusic trực tiếp gây ra mùi hăng, khó chịu của nước tiểu cũng không đúng. Vì bản thân acid asparagusic không có mùi, đúng hơn, acid này rất ít bay hơi.
Khi ăn măng tây, acid asparagusic bị các enzyme trong hệ tiêu hoá biến đổi thành các hợp chất chứa sulfur. Các hợp chất hữu cơ chứa sulfur được cho là gây mùi hôi kiểu như mùi trứng ung chẳng hạn. Điều rắc rối là, khi ăn thịt, ăn tỏi cũng tạo ra các hợp chất sulfur. Vậy sulfur kiểu nào tạo ra mùi đặc trưng được mệnh danh là nước tiểu măng tây (asparagus urine)?
Hầu hết giới khoa học đều thừa nhận acid asparagusic là thủ phạm gián tiếp tạo ra mùi hương đặc trưng đấy, nhưng rồi đành chấp nhận giải thích theo kiểu huề tiền rằng, mùi hương măng tây là tổng hợp của tùm lum hợp chất sulfur hữu cơ với tỉ lệ nào đó. Thiệt rắc rối!
Rắc rối chồng lên rắc rối
Chừng 15-30 phút sau khi ăn măng tây là nước tiểu đã bốc mùi đặc trưng rồi. Nhưng chỉ khoảng 60-80% người sau khi ăn măng tây mới ngửi được mùi hương độc đáo này. Như vậy, số người còn lại cơ thể của họ chẳng lẽ lại ‘may mắn’, ăn măng tây mà không tạo ra hương măng tây hay sao?
Nhiều thực nghiệm đã chứng tỏ rằng, làm gì có chuyện ngoại trừ sinh lý… may mắn đến thế. Đi vào toilet là chuyện riêng tư. Vào rồi, thưởng thức được mùi nước tiểu măng tây của chính mình hay không, cũng là chuyện riêng tư.
Người ta chọn ra hơn 300 người tình nguyện đã từng nhận biết được mùi nước tiểu măng tây’của chính mình để ‘đánh hơi’ nước tiểu của những người ‘may mắn’. Kết quả: 300 người dũng cảm này đều nhận ra hương măng tây ở nước tiểu của những người ‘may mắn’ kia. Té ra, những người ‘may mắn’ ăn măng tây, song lại không thể ‘thưởng thức’ được hương măng tây trong nước tiểu của chính mình.
Đấy là do họ có vấn đề về… khứu giác, chứ người khác vẫn nhận ra ‘mùi hương’ của họ!
Công ty về di truyền, 23andMe, trong một nghiên cứu vào năm 2010 đã đi đến kết luận, những người ‘may mắn’ này bị rối loạn nhiễm sắc thể (autosomal), do đó không thể nhận ra mùi nước tiểu măng tây bằng khứu giác (không thể cung cấp thông tin cho các thụ thể khứu giác).
Té ra, những kẻ “may mắn” không thưởng thức được mùi hương của “nước tiểu măng tây” đều có vấn đề về khứu giác.
Yêu thích măng tây và ao ước sự nhiệm mầu
Măng tây được xem là thức ăn lành mạnh, và chưa bị có khuyến cáo nào liên quan đến an toàn thực phẩm. Theo trường Y tế Công cộng của đại học Havard, măng tây giàu vitamin K (giúp đông máu), nhiều vitamin B, đặc biệt là folate giúp điều hoà homocysteine, một loại acid amin không tham dự vào tổng hợp protein (gây rủi ro trong bệnh tim mạch). Măng tây cũng chứa nhiều chất chống viêm, chất chống oxýt hoá như vitamin C, beta-caroten, vitamin E, các khoáng vi lượng kẽm, mangan, selen… là những yếu tố làm giảm rủi ro ung thư.
Sự yêu thích măng tây còn bị đẩy mạnh tới mức có thông tin cho rằng, măng tây làm tăng cường bản lĩnh đàn ông (cải thiện sản xuất testoterone). Sự nhiệm mầu này chưa được kiểm chứng.
Măng tây được tiêu thụ ở Việt Nam từ những năm 60, đã được trồng ở nhiều nơi trong nước và là món ăn phổ biến, nào là súp măng tây, măng tây xào tỏi… sinh tố măng tây, nhưng chưa thấy người trong nước than phiền mùi nước tiểu măng tây. Vì họ ‘thẹn’ không nói, hay có lẽ Trời thương dân Việt còn nghèo, nên tháo mấy cái gene rắc rối đó ra chăng?
Cho đến nay, vẫn chưa có cách nào loại bỏ mùi hương của nước tiểu măng tây. Nếu yêu thích măng tây và ao ước sự ‘nhiệm mầu’, bạn đành phải ‘sống chung với lũ’. Và nếu lãng mạn, bạn có thể theo cách của văn hào Marcel Proust (Pháp) : Măng tây đã biến cái bô của tôi thành lọ nước hoa. (*)
Vũ Thế Thành