Thi sĩ Đinh Hùng (1920-1967) là một nhà thơ tình nổi tiếng thời tiền chiến. Ngoài việc ký tên thật Đinh Hùng, ông còn dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết.
Ông sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), là con út của cụ Hàn Phụng. Thuở nhỏ ông theo học bậc tiểu học tại trường Sinh Từ, rồi bậc trung học tại trường Bưởi (Hà Nội).
Sau khi đậu “cao đẳng tiểu học” hạng bình thứ và được học bổng theo ban chuyên khoa để thi tú tài bản xứ thì “thần Ái tình đã hiện đến cùng một lúc với sự thành công đầy hứa hẹn trên” (theo lời kể của ông Vũ Hoàng Chương), khiến ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ.
Thi sĩ Đinh Hùng.
Năm 1943, ông theo sống với chị là bà Thục Oanh. Cũng năm này, ông cho xuất bản tập văn xuôi “Đám Ma Tôi” và đăng thơ trên Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan, Giai Phẩm Đời Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn… Nhưng ông thật sự bắt đầu nổi tiếng với bài thơ “Kỳ Nữ” mà Thế Lữ chọn in trong truyện “Trại Bồ Tùng Linh”.
Năm 1944, ông Vũ Hoàng Chương cưới bà Thục Oanh rồi về Nam Định, thi sĩ Đinh Hùng ở lại Hà Nội và cho ra đời giai phẩm “Dạ Đài”, với sự cộng tác của một số bạn như Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch,…Cũng trong năm này, Đinh Hùng tản cư theo báo Cứu Quốc. Sau đó, ông về Thái Bình dạy học cùng người vợ mới cưới, Nguyễn Thị Thanh. Khi ấy, ông Vũ Hoàng Chương và vợ cũng đang tản cư về ở nơi đó.
Năm 1949, ông cùng vợ con trở lại Hà Nội. Tại đây ông cho ấn hành giai phẩm “Kinh Đô Văn Nghệ” (1952) và tập thơ “Mê Hồn Ca” (1954).
Tháng 8 năm 1954, ông cùng vợ con vào Sài Gòn, lập ra tờ nhật báo “Tự Do”, có sự cộng tác của Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong,…
Năm 1955, nhật báo trên đình bản, ông cộng tác với Đài Phát Thanh Sài Gòn, giữ mục Tao Đàn, chuyên về thơ ca, cho đến hết đời.
Trong những năm tháng ở Sài Gòn, Đinh Hùng viết tiểu thuyết dã sử “Cô Gái Gò Ôn Khâu”, “Người Đao Phủ Thành Đại La” và làm thơ trào phúng trên báo Tự Do, báo Ngôn Luận.
Năm 1961, ông cho in tập “Đường Vào Tình Sử” – tác phẩm này được trao giải thưởng Văn Chương Thi Ca năm 1962.
Sau khi ông mất, nhà xuất bản Giao Điểm cho phát hành tác phẩm “Ngày Đó Có Em” vào ngày 16 tháng 10 năm 1967.
Ngoài những tác phẩm vừa kể trên, Đinh Hùng còn có 8 tác phẩm chưa xuất bản: “Tiếng Ca Bộ Lạc” (thơ), “Tiếng Ca Đầu Súng” (hồi ký), “Dạ Lan Hương” (văn xuôi), “Sử Giả” (tùy bút), “Vần Điệu Giao Tình” (cảo luận) và 3 kịch thơ: “Lạc Lối Trần Gian”, “Phan Thanh Giản”, “Cánh Tay Hào Kiệt”.
(Thi sĩ Đinh Hùng)
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng nàỷ
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Thương hàng gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi — Em nói đi
Em muốn đôi ta mộng chốn nào
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Chuyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,
Nắng trong hoa, với gió ven hồ
Dành riêng em đấy. Khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa
Rồi buổi u sầu, em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt,
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười
Ca khúc “Mộng Dưới Hoa”
(Nhạc sĩ Phạm Đình Chương)
(Lời 1):
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng
Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
Mây ngàn gió núi đọng trên mi
Áo bay mở khép nghìn tâm sự
Hò hẹn lâu rồi em nói đi
Nếu bước chân ngàn có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối
Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu
Đêm nào nghe bước mộng trôi mau
Gió ơi gởi gió lời tâm niệm.
Và nguyện muôn chiều ta có nhau.
(Lời 2):
Tôi cùng em, mơ những chốn nào
Ước nguyện chung giấc mộng trăng sao
Sánh vai một mái lầu phong nguyệt
Hoa bướm vì em nghiêng cánh chao
Hy vọng thơm như má chớm đào
Anh chờ em tới hẹn chiêm bao
Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng
Hoa lệ ân tình môi khát khao
Bước khẽ cho lòng nói nhỏ
Bao nhiêu mộng ước phù du
Ta say thành mộng nghìn thu
Núi biếc sông dài ghi nhớ
Ôi chưa gặp nhau như đã ước thề
Mây hồng giăng tám ngã sơn khê
Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng
Và mộng em cười như giấc mê.
Trần Lê Túy Phượng
Theo: Đọt Chuối Non