Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu 1765, mất năm Ất Dâu 1825, tổ tiên của Trịnh Hoài Đức ở làng Phúc Hà, huyện Trường Lạc, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Đầu thời nhà Thanh (1644 – 1911), ông nội của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Hội không cam chịu đổi cách ăn mặc, cắt tóc (không chịu gióc bím theo lệnh của nhà Thanh), dong thuyền theo đường biển di cư sang Đại Việt, lưu ngụ ở vùng đất Trấn Biên (ngày nay thuộc tỉnh Biên Hòa).
Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, Trịnh Khánh lúc nhỏ theo học thi thư, lớn lên thông cả lục nghệ, tài viết đại tự (chữ lớn) và nổi tiếng la cao thủ cờ. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 – 1765) Trịnh Khánh nhờ nạp quyên được làm chức Cai thu tại An Trường, sau rời ra Ba Trường Quy Nhơn, Quy Hóa và Bả Canh làm Cai đội.
Năm Ất Mùi 1775, Trịnh Hoài Đức được 10 tuổi thì thân sinh là Trịnh Khánh mất, Trịnh Hoài Đức theo mẹ dời vào ở Phiên Trấn (thuộc Gia Định, ngày nay là phía bắc thành phố Hồ Chí Minh). Trịnh Hoài Đức được mẹ cho theo học với thầy Võ Trường Toản ở Gia Định, được thầy dạy cho thông thạo các sách Kinh ,Sử,Tử, Tập; Tam giáo Cửu lưu (các loại sách trên là các sách thuộc các trường phái của Trung Quốc). Năm Canh Tý 1780, Trịnh Hoài Đức 15 tuổi vào ở rể nhà họ Lê, có nơi nương tựa và có điều kiện để học hành hơn, đến năm Mậu Thân 1788, lúc bấy giờ lực lượng của Nguyễn Ánh đánh chiếm Gia Định, Trịnh Hoài Đức ra ứng cử được Nguyễn Ánh cho làm chức Hàn lâm viện Chế cáo.
Mộ danh thần Trịnh Hoài Đức.
Năm Kỷ Dậu 1789, Trịnh Hoài Đức giữ chức Điền Tuấn Sứ huyện Tân Bình, coi việc mở mang vùng tam giác sông Mê Kông và xã định chế độ điền thổ trông coi việc trồng trọt mở mang nghề nông, đồng thời lo việc trù biện lương thực cho quân đội. Năm Nhâm Tý 1792, Trịnh Hoài Đức thi Đình được tuyển vào làm Thị giảng Đông cung. Năm Quý Sửu 1793, Trịnh Hoài Đức được theo hầu Thái tử Cảnh trấn giứ thành Diên Khánh, mùa đông năm ấy quân nhà Tây Sơn bất ngờ bao vây thành, đến mùa xuân năm Giáp Dần 1794, được Nguyễn Ánh cho quân tới cứu viện, Trịnh Hoài Đức phản công thừa thắng đuổi quân Tây Sơn chạy tới trấn Phú Yên, cũng trong năm 1794, Trịnh Hoài Đức được giữ chức Ký lục dinh Trấn Định (ngày nay là Mỹ Tho).
Năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là vua Gia Long, phong cho Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư Bộ Hộ, cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) cầu phong. Tháng 8 năm Quý Hợi 1803, trịnh Hoài Đức hoàn thành sứ mệnh trở về đến kinh thành Thăng Long, sau đó vào năm Gáp Tý 1804, hộ giá vua Gia Long về kinh đô Phú Xuân (Huế ngày nay), về kinh sư, Trịnh Hoài Đức vẫn được vua Gia Long cho giữ chức Thượng thư Bộ Hộ như trước.
Năm Mậu Thìn 1808 vua Gia Long cho đặt chức Gia Định thành thành Tổng trấn, đến năm Nhâm Thân 1812, Trịnh Hoài Đức lại được điều về kinh đô làm Lễ bộ Thượng thư, kiêm quản Khâm Thiên giám, năm Quý Dậu 1813, Trịnh Hoài Đức lại được thăng chức Lại bộ Thượng thư. Đến năm Bính Tý 1816, vua Gia Long cho rằng Gia Định là một thành lớn ở phương Nam, lại có việc giao thiệp với các nước lân bang rất là hệ trọng, cần có người giỏi trấn giữ mới được, vì vậy vua Gia Long liền phái Lại bộ Thượng thư là Trịnh Hoài Đức giữ chức Gia Định Hiệp Tổng Trấn một lần nữa. Năm Canh Thìn 1820, vua Gia Long mất, Hoàng thái tử Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mệnh, triệu trịnh Hoài Đức về kinh đô Phú Xuân làm việc ở bộ Lại.
Mộ Trinh Hoài Đức và phu nhân (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có hình voi phục rất độc đáo.
Vua Minh Mệnh rất coi trọng vị Khai quốc công thần Trịnh Hoài Đức, vì vậy Trịnh Hoài Đức trở thành nguyên lão của triều nhà Nguyễn, lúc triều đình có chính sự quan trọng đều có sự tham gia của Trịnh Hoài Đức. Năm Tân Tỵ 1821, vua Minh Mệnh phong cho trịnh Hoài Đức hàm Hiệp biện đại học sỹ, nhưng lãnh Lại bộ Thượng thư, cũng trong năm đó Trịnh Hoài Đức hộ giá vua Minh Mệnh đi tuần du các tỉnh ở Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và sau đó ra đến kinh thành Thăng Long, đến dầu tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1822, Trịnh Hoài Đức lại hộ giá vua Minh Mệnh về đến kinh đô Phú Xuân.
Tháng 7 năm Quý Mùi 1823, Trịnh Hoài Đức nhân khó nhọc quá độ sinh bệnh, ông bèn dâng biểu cầu xin vua Minh Mệnh cho trở về gia quán tại Gia Định, cho được thỏa nguyện “cáo chết quay đầu về núi”. Nhưng vua Minh Mệnh cho cho Trịnh Hoài Đức về Gia Định nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, vua Minh Mệnh cấp cho Trịnh Hoài Đức 2000 quan tiền và săng gỗ ngói gạch để ông làm nhà riêng để ở. Sau đó vua minh Mệnh cho Trịnh Hoài Đức về Gia Định nghỉ ngơi 3 tháng, và đến tháng 5, năm Giáp Thân 1824, Trịnh Hoài Đức lại trở ra kinh đô Phú Xuân, lại lãnh Lại bộ Thượng thư kiêm quản Lễ bộ sự vụ, nhưng lúc bấy giờ Trịnh Hoài Đức cũng đã già, và bệnh cũ lại tái phát. Vào tháng 3 năm Ất Dậu 1825, Trịnh Hoài Đức mất, hưởng thọ 60 tuổi.
Sauk hi mất, Trịnh Hoài Đức được vua Minh Mệnh phong tặng cho hàm Thái Bảo, Cần Chánh Điện Đại học sỹ (trật Chánh nhất phẩm), đạt văn thụy là Van Khác, và cho gấm đỏ gấm tống mỗi thứ 4 cây, so sa nhiễu đoạn mỗi thứ 4 cây, nhiễu lụa 11 cây, tiền 2500 quan, gạo 500 vuông, dầu 3000 cân. Vua Minh Mệnh còn cho bãi triều ba ngày, khiến quan đến tế. Ngày an tang Trịnh Hoài Đức, Hoàng Thái tử Miên Tông đến nhà thay mặt vua Minh Mệnh ban ngự tửu, lại phái 400 lính Thần Sách hộ tống đến bến sông Hương, cấp hai tên mộ phu để canh giữ mồ mả.
Trong lịch sử triều nhà Nguyễn, có rất ít người được đối đãi long trọng như Trịnh Hoài Đức, nhìn chung, ông vốn là một khai quốc công thần, suốt cả cuộc đời và sự nghiệp làm quan của mình, ông đều hết lòng phò tá nhà Nguyễn, cho nên đến khi mất ông mới được đối đãi một cách long trọng như vậy.
Đóng góp về mặt văn chương của Trịnh Hoài Đức cho nền văn học của nước ta ở đầu thế kỷ thứ XIX cũng là rất lớn. Thơ Nôm của ông hiện nay còn lại cũng khá nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là bài Đi sứ cảm tác. Các tác phẩm chính của Trịnh Hoài Đức còn lại cho đến ngày nay là: Lịch Đại ký; Cấn trai thi tập; Bắc sứ thi tập; Khanh Tế lục; Gia Định tam gia thi tập; Gia Định thành thông chí.
Trong đó, bộ Gia Định thành thông chí, là một địa phương chí ra đời sớm và sáng giá nhất về xứ Nam Kỳ xưa. Với công trình này của Trịnh Hoài Đức, không những giúp cho người Việt Nam am hiểu về miền đts mới của tổ quốc, mà còn cho người nước ngoài am hiểu về đất Nam Kỳ xưa một cách tường tận. chính vì vậy mà ngay từ khi chiếm đóng Nam Kỳ, một học giả người Pháp là Aubaret đã dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp hồi cuối thế kỷ XIX.
Vương Quốc Hoa