Cây cà tím là loài cây bản địa được trồng nhiều ở Myanmar, Bắc Thái Lan và Việt Nam. (Ảnh: pexels)
Cà tím, trong dân gian gọi nôm na là “cà dái dê”, có tên khoa học là Solanum melongena. Mặc dù tên gọi phổ biến là cà tím nhưng loài cây thuộc họ cà này có đến 3 loại khác nhau, cho ra quả với những màu sắc khác nhau là tím, xanh và trắng. Tuy vậy, tất cả chúng đều có công dụng như nhau.
Cây cà tím được trồng khắp Đông Bắc Ấn Độ và vùng Tây Nam Trung Quốc từ hơn 1.500 năm trước. Đây cũng là loài cây bản địa được trồng nhiều ở Myanmar, Bắc Thái Lan và Việt Nam.
Trong khoảng 82g cà tím tươi sẽ có chứa các chất dinh dưỡng như: Năng lượng, Carbs, chất xơ, Protein, Mangan, Folate, Kali, Vitamin K, Vitamin C và một lượng nhỏ khoáng chất khác bao gồm Niacin, Magiê, Đồng…
Cà tím tác dụng tốt cho cơ thể
- Tốt cho tim mạch: Hàm lượng Kali trong cà tím giúp ổn định nhịp tim và Flavonoid có chức năng giảm lượng Cholesterol xấu, tăng lượng Cholesterol tốt cho cơ thể, chính những điều này sẽ giúp cả nhà giảm ngay nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chính vì thế, các nhà dinh dưỡng thường khuyên người muốn phòng bệnh tim mạch nên ăn cà tím.
Các nhà dinh dưỡng thường khuyên người muốn phòng bệnh tim mạch nên ăn cà tím. (Ảnh: pexels)
- Tăng cường hệ miễn dịch: Sự hiện diện của chất chống oxy hóa là Vitamin C và Phyto trong cà tím là lý do giúp cả nhà khỏe mạnh hơn, sẵn sàng chống lại dịch bệnh từ môi trường bên ngoài.
- Cải thiện trí nhớ: Chất dinh dưỡng Phyto có trong cà tím không chỉ giúp cả nhà tăng hệ miễn dịch mà còn giúp loại bỏ các độc tố, tăng lưu lượng tuần hoàn não, tăng khả năng phân tích và duy trì trí nhớ.
- Giúp xương chắc khỏe: Trong cà tím chứa Phenolic, giúp xương chắc khỏe dự phòng loãng xương. Ngoài ra trong cà tím chứa lượng chất Sắt và Canxi – chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho xương chắc khỏe.
- Ngăn ngừa thiếu máu: Hàm lượng chất Sắt trong cà tím có vai trò quan trọng trong phát triển hồng cầu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và giúp chuyển hóa Protein hiệu quả.
- Tốt cho mắt: Trong cà tím chứa một chất rất tốt cho mắt chính là Anthocyanin – đây là một hợp chất hòa tan, tốt cho hệ thần kinh trung ương vì vậy dự phòng đục thủy tinh thể và mắt nhìn rõ, khỏe hơn.
Trong cà tím chứa lượng chất Sắt và Canxi – chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho xương chắc khỏe. (Ảnh: pexels)
- Chất chống oxy hóa: Trong cà tím, hàm lượng Anthocyanin rất cao. Chất này có tác dụng bảo vệ cực tốt cho cơ thể con người, nếu tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu Anthocyanin có thể giúp chống lại các gốc tự do xâm nhập, từ đó làm giảm nguy cơ gây ung thư. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cà tím là "rau củ chống ung thư", đặc biệt đối với những người thường xuyên ăn thịt đỏ, ăn lượng rau không đủ.
Ngoài ra, Anthocyanin trong vỏ cà tím cũng có tác dụng ngăn ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não, làm chậm quá trình lão hóa, vì vậy ai muốn giữ cho cơ thể khỏe mạnh, trẻ đẹp thì ăn cà tím cả vỏ là lựa chọn vô cùng hoàn hảo.
- Làm đẹp: Lượng chất xơ hòa tan trong cà tím rất tốt cho hệ tiêu hóa cùng lượng nước đáng kể và ít calo sẽ làm bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm cân hiệu quả. Vitamin B3 và Vitamin A sẽ giúp tóc khỏe, mọc nhiều, giữ được độ ẩm cho tóc và ngăn ngừa rụng tóc.
Lượng chất xơ hòa tan trong cà tím rất tốt cho hệ tiêu hóa cùng lượng nước đáng kể và ít calo sẽ làm bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm cân hiệu quả. (Ảnh: pexels)
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cà tím là loại rau củ có lượng Vitamin P kỷ lục. Mỗi 1kg cà tím chứa tới 7.200mg vitamin P - mức được đánh giá là rất cao theo bảng phân loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe hiện nay.
Vitamin P là loại vitamin chủ yếu trong việc làm tăng cường sự kết dính giữa các tế bào, giảm bớt lượng cholesterol và duy trì sự dẻo dai của các mạch máu. Vì vậy, đối với người cao tuổi, ăn cà tím có thể giúp phòng ngừa được bệnh cao huyết áp và xơ cứng động mạch.
Theo các nhà khoa học Mỹ, ăn cà tím là một trong những biện pháp hàng đầu để giảm cholesterol trong máu.
Lưu ý khi ăn cà tím
Cà tím tốt, giàu dưỡng chất tuy nhiên chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều, dù là ăn sống, nước ép hay cà tím đã qua chế biến. Chỉ ăn khoảng 200g/ lần, 2-3 bữa/ tuần.
Vì trong cà tím có chứa Solanine là một chất vị đắng và có độc với cơ thể. Ngoài ra, cà tím còn chứa một lượng Nicotine cao hơn bất kỳ loại trái nào khác.
Cà tím tốt, giàu dưỡng chất tuy nhiên chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều. (Ảnh: pexels)
Những người có tiền căn dị ứng, hen suyễn, cơ địa dễ tạo sỏi thận nên hạn chế sử dụng do trong cá tím còn có chứa một lượng Oxalate có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi, chứa một số hoạt chất tác dụng như Histamin gây ra tình trạng ngứa viêm miệng và tăng mẫn cảm.
Cách dùng đúng là nên ngâm cà tím với một ít giấm hoặc muối trước khi chế biến hay dùng chanh và nên ăn kèm đa dạng các món khác để làm giảm hoạt tính của những chất này.
Không đun ở nhiệt độ quá cao: Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ mất nhiều Vitamin và chất dinh dưỡng, nên để lửa ở mức nhỏ – vừa để nấu cà.
Nấu chín kỹ: Cà tím nấu không chín kỹ khi ăn sẽ bị ngứa ở ngoài da và miệng do một loại Protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại Histamin hàm lượng cao. Vì thế, nên chế biến thành các món kho hoặc hầm ở lửa nhỏ, vừa không làm mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có, mà còn có một món ăn ngon, bổ dưỡng.
Tố Như / Theo: ntdvn