Friday, March 17, 2023

SỰ THẬT CHẾT CHÓC VỀ CÔNG VIỆC CỦA "NHỮNG CÔ GÁI RADIUM"

Từ năm 1917 – 1926, hàng trăm phụ nữ ở Mỹ làm công việc quét sơn lên kim đồng hồ. Loại sơn khiến cho kim đồng hồ phát ra ánh sáng xanh huyền ảo là nhờ có chứa radium. Vì vậy, họ được gọi là “những cô gái radium”.


“ Những cô gái radium” là cụm từ dùng để gọi những phụ nữ làm việc trong nhà máy đồng hồ của Tập đoàn Uranium Hoa Kỳ (USRC) trong khoảng thời gian từ năm 1917 – 1926.


Công việc của những nữ công nhân này là quét sơn lên những chiếc kim và mặt số trên đồng hồ. Loại sơn đặc biệt này giúp chúng phát sáng trong đêm tối. Điều này khiến nhiều người cảm thấy nó giống như một phép thuật.

Được nhà máy khẳng định là an toàn và được trả lương cao, hàng trăm phụ nữ làm công việc trên. Thế nhưng họ không hề biết rằng công việc này vô cùng nguy hiểm và có thể khiến họ trở nên ốm yếu, có nguy cơ tử vong.


Nguyên do là bởi loại sơn khiến cho kim và mặt số trên đồng hồ phát sáng là nhờ có thành phần radium. Radium là nguyên tố phóng xạ được nhà bác học Marie Curie tìm ra. Vào đầu những năm 1900, sự nguy hiểm khi con người tiếp xúc với radium chưa được biết đến.


Do đó, nhiều nữ công nhân vê lọn chổi sơn kim đồng hồ có chứa radium bằng chính môi của mình. Hậu quả là các nữ công nhân nuốt một lượng nhỏ radium mỗi ngày. Thậm chí, bụi phóng xạ bay đầy trong không khí khi sơn được trộn. Lúc ấy, tóc và quần áo của các nữ công nhân cũng phát ra ánh sáng xanh. Vì không biết điều này nguy hiểm nên họ còn coi đó như một xu hướng làm đẹp và rất được ưa chuộng.


Niềm vui của các công nhân không kéo dài lâu khi lần lượt có nhiều người đổ bệnh. Trong đó, nổi tiếng là trường hợp của nữ công nhân Mollie Maggia, 22 tuổi. Vào năm 1922, cô buộc phải nghỉ làm sau khi bị đau răng.


Bác sĩ phải nhổ những chiếc răng sâu. Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi cô bị đau đầu và xuất hiện những khối u trong miệng, cổ họng. Chúng phát triển rất nhanh khiến hơi thở của Mollie ngày càng hôi thối khó chịu. Tiếp đến, Mollie không thể đi lại do hai chân ngày càng đau. Cuối cùng, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân căn bệnh, cách điều trị. Vì vậy, cô tử vong khi 24 tuổi. Sau đó, nhiều đồng nghiệp của cô cũng chết vì căn bệnh lạ như vậy.


Trước cái chết của nhiều nữ công nhân, Tập đoàn Uranium Hoa Kỳ phủ nhận trách nhiệm về cái chết của Mollie và các đồng nghiệp cô trong gần 2 năm.


Trước sức ép của dư luận, Tập đoàn Uranium Hoa Kỳ mới thuê chuyên gia để điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, dù biết cái chết của các nữ công nhân do tiếp xúc với radium nhưng tập đoàn tìm cách che giấu, bưng bít thông tin.


Phải đến năm 1925, bác sĩ nổi tiếng Harrison Martland công bố kết quả nghiên cứu sau khi tiến hành các xét nghiệm chứng minh các nữ công nhân như Mollie tử vong vì nhiễm độc radium.

Theo: Kiến Thức
Link tham khảo: