Theo các báo cáo truyền thông tổng hợp, hai nhà làm phim người Úc, Leon Deschamps và Shayne Thomson, đã quay một bộ phim tài liệu ở Vịnh Shark, Tây Úc vào năm 2018. Không cần kịch bản, cả hai cố gắng dùng máy dò kim loại để truy tìm kho báu trên bãi biển, đến chiều tối thì vô tình đào được một bức tượng Phật bằng đồng có hình tượng Phật sơ sinh bị vùi trong cát đỏ. Bức tượng cao 15 cm và chỉ nặng hơn một kg.
Hai nhà làm phim đã bị hấp dẫn bởi bức tượng và có linh cảm rằng nó là một hiện vật bất thường. Vì vậy, trong vài năm sau đó, cả hai đã đi du lịch khắp nơi, tích lũy được ít nhất 50.000 đô la Mỹ, luôn cố gắng tìm ra giá trị thực của nó và cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn tại sao nó lại xuất hiện ở Úc.
Leon Deschamps và Shayne Thomson
Cho đến gần đây, cả hai đã tham gia chương trình "Antiques Roadshow" của BBC, và cuối cùng đã có một kết quả xác định chính xác và có thẩm quyền hơn.
Lee Young, một chuyên gia về nghệ thuật châu Á và là chủ sở hữu của công ty đấu giá Dore & Rees, cho biết rằng tượng Phật sơ sinh này đã được tạo ra ở Trung Quốc trong thế kỷ 15, gọi nó là "kho báu của thế giới", vô cùng hiếm có. Ông nói: "Bức tượng Phật trước mặt tôi có lẽ thuộc về một 'người có địa vị' nào đó vào thời cổ đại, và hình hài tượng Phật bé nhỏ như thế này là để kỷ niệm ngày lễ Phật Đản".
Theo ước tính của ông Lee Young, giá khởi điểm của di vật văn hóa thời nhà Minh này là 3.000 đến 5.000 bảng Anh. Nhưng vì nó đã được khai quật ở một nơi đặc biệt nên mức giá đấu giá của nó thậm chí có thể lên tới 100.000 bảng Anh.
Ian MacLeod, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Tây Úc, người đã giám định hơn 35.000 đồ đồng cho bảo tàng, cũng xác nhận thông qua phân tích bằng kính hiển vi rằng bức tượng "không phải là đồ giả". Ông nói: “Ngay cả khi bạn sử dụng các kỹ thuật hóa học tinh vi nhất, bạn cũng không thể làm giả lớp gỉ tinh xảo trên đồ đồng này".
MacLeod tin rằng bức tượng đã nằm nguyên vẹn dưới cát ít nhất một trăm năm và đã được sử dụng trong một khoảng thời gian đáng kể trước khi bị chôn vùi. Ông xác nhận rằng lịch sử của di tích văn hóa này có thể bắt nguồn từ thời nhà Minh, trùng hợp với thời điểm Trịnh Hòa đi về phương Tây.
Bản thân Deschamps suy đoán rằng bức tượng có thể đã bị một hạm đội kho báu của nhà Minh bỏ lại vào năm 1421, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy hạm đội của Trịnh Hòa đã đến thăm bờ biển Úc sớm hơn các nhà thám hiểm châu Âu vào thế kỷ 17.
Jocelyn Chey, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Trung Quốc của Đại học Sydney, nói rằng ngay cả khi hạm đội Trung Quốc đã đến thăm Tây Úc, điều đó cũng không chứng minh được rằng bức tượng Phật thực sự là tàn dư của hạm đội Trung Quốc. Nhưng bức tượng Phật này phải là đồ cổ Trung Quốc lâu đời nhất từng được tìm thấy ở Úc.
Deschamps cho biết trong một tuyên bố rằng họ vẫn chưa tìm được nơi “an cư” thích hợp cho bức tượng Phật linh thiêng này: “Chúng tôi không coi mình là chủ nhân của bức tượng Phật, mà là những người bảo vệ bức tượng, và hy vọng rằng chính phủ Úc sẽ hợp tác với chính phủ Trung Quốc và người dân địa phương để đồng tài trợ cho nghiên cứu khảo cổ tại địa điểm này nhằm giúp điều tra thêm về nguồn gốc của bức tượng Phật".
Theo: Hàn Vũ - Epochtimes
Thanh Hương biên dịch
Link tham khảo: