Dễ hiểu khi đa số mọi người thấy phương thức này là man rợ. Tuy nhiên đây từng được xem là một trong các biện pháp hành hình nhân đạo nhất ở nước Pháp.
Án tử hình rất phổ biến ở Pháp trước cách mạng. Đối với giới quý tộc, phương pháp tử hình điển hình là chặt đầu. Đối với dân thường, biện pháp thường là treo cổ. Một số hình thức ít phổ biến và tàn bạo cũng được thực hành.
Khi Tiến sĩ Joseph-Ignace Guillotin đề xuất phương pháp hành quyết mới (bằng máy chém) trước Quốc hội Pháp, ý đồ của ông là cung cấp một cách xử tử nhân đạo hơn so với các hình thức trước đó. Đối với vị tiến sĩ này, đây cũng là cách hành quyết bình đẳng áp dụng cho mọi tội phạm bất kể đẳng cấp trong xã hội.
So với các phương thức hành quyết hiện nay (như bắn súng hay treo cổ), thì nghịch lý thay, máy chém vẫn khá hơn khi xét ở góc độ gọn và ít gây đau đớn.
Máy chém từng là phương pháp tử hình phổ biến tại Pháp.
Trên thực tế, Tiến sĩ Guillotin chế tạo ra máy chém với ý tưởng là tạo ra cách thức nhân đạo nhất có thể để thi hành tử hình đối với tử tù. Theo ông Guillotin, tù nhân sẽ không cảm thấy đau đớn, cái chết đến gần như tức thời. Tử tù sẽ duy trì sự sống chỉ trong 10-13 giây. Người ta tin rằng tử tù chỉ như bị đánh bất tỉnh bởi lực mạnh và sự mất máu.
Vụ hành quyết công khai cuối cùng bằng máy chém
Vào sáng sớm ngày 17/6/1939, tử tù Eugène Weidmann (người Đức) trở thành người cuối cùng bị hành quyết công khai bằng máy chém ở Pháp. Y bị kết tội bắt cóc và sát hại nhiều người, bao gồm một người Mỹ nổi tiếng.
Đầu tiên Eugène Weidmann bắt cóc một du khách Mỹ, vũ công Jean de Koven. Sau đó y sát hại 2 phụ nữ và 4 nam giới ở khu vực Paris vào năm 1937.
Các nạn nhân khác của Weidmann bao gồm một phụ nữ bị y lừa bằng lời đề xuất cho làm giáo viên dạy trẻ, một tài xế, một nhà môi giới bất động sản…
Sinh ra ở Frankfurt-am-Main vào năm 1908, Weidmann ngay từ đầu đã tỏ rõ là một tội phạm không thể cải tạo được. Y đã được đưa tới một cơ sở giam giữ thanh thiếu niên phạm tội và đã phải ngồi tù vì các tội trộm cắp ở Canada và Đức trước khi tới Paris vào năm 1937.
Sau một phiên xét xử thu hút sự chú ý của công luận và báo giới, Weidmann bị kết án tử hình.
Sáng 17/6/1939, Weidmann được đưa ra phía trước nhà tù Saint-Pierre, nơi một máy chém và một đám đông huyên náo đang đợi sẵn anh ta. Trong số những người có mặt tại đó có tài tử điện ảnh huyền thoại Christopher Lee, khi ấy mới 17 tuổi.
Weidmann được đưa vào vị trí trong máy chém. Không một chút chậm trễ, trưởng nhóm hành quyết Jules-Henri Desfourneaux đã ra lệnh thả lưỡi đao rơi xuống.
Trớ trêu thay đám đông không hề theo dõi vụ hành quyết với thái độ nghiêm trang. Ngược lại, họ hành động một cách huyên náo, lộn xộn. Khủng khiếp nhất, họ còn lấy khăn mùi soa để chấm… làm kỷ niệm.
Tờ báo Paris-Soir thời đó đã tố cáo đám đông là vô trật tự và “đáng tởm”. Đám đông này đã khiến buổi hành quyết kéo dài ngoài giờ, đến lúc mặt trời lên cao hơn và người ta có thể chụp được những bức ảnh rõ ràng.
Sau sự kiện bất ngờ này, giới chức Pháp cuối cùng kết luận rằng việc hành quyết ở nơi công cộng hầu như không có tác dụng răn đe, mà ngược lại khuyến khích những hành vi xấu trong con người.
Hành vi “điên loạn” của đám đông Pháp đó trở nên bê bối tới mức Tổng thống Pháp khi đó là Albert Lebrun đã lập tức ra lệnh cấm tiến hành công khai tất cả các vụ hành quyết khác trong tương lai.
Hamida Djandoubi – tử tù mắc tội sát nhân, là người cuối cùng bị tước mạng sống dưới “Lưỡi đao Quốc gia” này, vào năm 1977. Tuy nhiên, chiếc máy chém chỉ chính thức chấm dứt hoạt động vào tháng 9/1981, khi nước Pháp bãi bỏ án tử hình.
TK / Theo: Dân Việt
Link tham khảo: