Loài chim hải âu cổ rụt có số lượng đông đảo nhất ở Iceland (Ảnh: Guide).
Iceland là một quốc gia nổi tiếng với nhiều món ăn truyền thống dễ khiến du khách lần đầu thưởng thức "giật mình" như hải cẩu, tinh hoàn cừu... Trong số đó, món gây nhiều tranh cãi nhất và cũng được nhắc tới nhiều nhất, chính là gỏi tim chim hải âu.
Về mặt địa lý, Iceland là nơi có số lượng chim hải âu cổ rụt nhiều nhất thế giới, khoảng 10 đến 15 triệu con.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hải âu cổ rụt hiện là loài động vật được pháp luật bảo vệ. Ví dụ như tại Na Uy, chính phủ quy định rất rõ việc săn bắt loài chim này là hành vi phạm pháp.
Trong khi đó, ở Iceland và quần đảo Faroe, hải âu cổ rụt được phép săn bắt. Và món gỏi tim của loài chim này cũng trở thành món truyền thống của người dân bản địa, phổ biến ở những vùng biển tại quốc gia này.
Nhưng không phải ai cũng đủ can đảm thưởng thức suất ăn có phần rùng rợn. Để giảm bớt "nỗi sợ hãi", người dân đã tìm cách chế biến "dễ ăn" hơn đó là trộn cùng nước sốt với các loại gia vị đặc trưng vùng miền.
Món gỏi tim gây nhiều tranh cãi (Ảnh: Trip Advisor).
Gỏi tim chim hải âu từng trở thành món ăn gây tranh cãi trong dư luận, đặc biệt là nhiều tờ báo du lịch thế giới. Những năm gần đây, khi thế giới đang nâng cao nhận thức về việc săn bắt động vật hoang dã, món ăn này trở nên không còn phổ biến như trước. Đa số người còn thưởng thức món ăn này thường thuộc thế hệ trước hoặc còn ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa truyền thống.
Chim hải âu cổ rụt là loài bản địa duy nhất ở Đại Tây Dương. Loài này sinh sản trên các bờ biển ở Bắc Âu, quần đảo Faroe, Iceland và miền đông Bắc Mỹ.
Vào những tháng mùa đông, chúng sống trên biển cách xa đất liền, ở châu Âu về phía nam như Địa Trung Hải và ở Bắc Mỹ đến Bắc Carolina.
Giống như nhiều loài chim biển khác, chúng ăn cả cá và động vật phù du. Hiện nay, Iceland đang là quốc gia chiếm phần lớn số lượng loài chim này với khoảng 10 đến 15 triệu con. Trong đó, quần đảo Westman thuộc Iceland là khu vực đảo chiếm số lượng đông đảo nhất.
Loài chim này thường bị săn bắt để lấy trứng, lông và thịt. Hiện chúng còn bị săn bắt ở Iceland và quần đảo Faroe vì chưa được pháp luật bảo vệ.
Huy Hoàng / Theo: Dân Trí
Link tham khảo: