Sunday, May 28, 2023

NGƯỜI MỸ ĐÃ KIẾN TẠO NỀN CÔNG NGHIỆP LIÊN XÔ NHƯ THẾ NÀO?

Nước Nga và Liên Xô thường được miêu tả là cường quốc đáng gờm. Danh tiếng này được thổi bùng nhờ hai cuộc chiến tranh: Chiến tranh Napoléon và Thế chiến Hai. Thực tế, trong cả hai trường hợp, Nga (sau này là Liên Xô) chỉ thắng nhờ liên minh với cường quốc kinh tế hàng đầu đương thời.

Nhà máy thủy điện Dnepr của Liên Xô được xây dựng năm 1927, đây là đập thủy điện lớn nhất châu Âu khi đó. (Miền công cộng)

Nga đánh bại Napoléon nhờ liên minh với Vương quốc Anh; và Thế chiến Hai - nhờ liên minh với Mỹ. Trong cả hai trường hợp, sức mạnh kinh tế, công nghiệp và công nghệ hàng đầu của thời đại đã hỗ trợ Nga, mang lại cho nước này nguồn cung và tín dụng gần như vô hạn.

Người Mỹ công nghiệp hóa cho Liên Xô

Ngay từ thời kỳ đầu của Liên Xô, những người Bolshevik đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Bộ phim cuối cùng mà Vladimir Lenin xem trước khi qua đời là đoạn băng ghi hình dây chuyền lắp ráp Ford ở Detroit. Liên Xô mơ ước bắt chước chủ nghĩa công nghiệp Mỹ.

Công nghiệp hóa của Liên Xô được miêu tả là "sự cạnh tranh" với tư bản chủ nghĩa phương Tây. Đó là một lời nói dối. Trên thực tế, đó là một sự mô phỏng tỉ mỉ của chủ nghĩa công nghiệp Mỹ. Mỹ đã xây dựng nên cái gọi là cường quốc công nghiệp Liên Xô. Các công ty, công nghệ, kỹ sư Mỹ đã biến Liên Xô thành một cường quốc.

Hầu hết việc chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ sang Liên Xô đều được đích thân Saul Bron giám sát. Sinh ra ở Odessa năm 1887, ông lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Zurich. Sau Cách mạng tháng 10, ông trở thành nhân vật chủ chốt trong chính sách kinh tế của Liên Xô, đặc biệt là ngoại thương.

Saul Bron là thành viên của Hội đồng Kinh tế Tối cao và là Giám đốc điều hành của nhiều công ty nhà nước. Ông đứng đầu Exportkhleb (một công ty xuất khẩu ngũ cốc sang phương Tây) và Ngân hàng Ngoại thương Vneshtorgbank. Ông giám sát hầu hết thương mại của Liên Xô với các nước tư bản.

Khi Stalin chọn Mikoyan làm bộ trưởng ngoại thương, Mikoyan đã do dự và không chắc liệu mình có xoay xở được hay không. Sau đó, Stalin đảm bảo với ông ta rằng sẽ cử đến một số người có kinh nghiệm, đặc biệt là Saul Bron, người có thể "tạo lực đẩy cho bất kỳ bộ trưởng nào".

Vào những năm 1920, Liên Xô không được Mỹ công nhận nên không thể đàm phán trực tiếp. Nhưng, một số nhân vật ở Washington D.C. mà điển hình là Thượng nghị sĩ William Borah, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, lại có cái nhìn thiện cảm với Liên Xô. Nhờ vậy, một số loại giao dịch ủy quyền đã có thể tiến hành.

Đại diện chính cho thương mại Xô-Mỹ là Tập đoàn Thương mại Amtorg được thành lập tại New York vào năm 1924 bằng cách sáp nhập Công ty Allied American (Alemerico) của Armand Hammer với Công ty trao đổi sản phẩm quốc tế (Prodexco) và Liên hiệp Arcos America (chi nhánh tại Hoa Kỳ của Hiệp hội Hợp tác toàn Nga, còn được gọi là "Ngôi nhà Nga" hoặc "Ngôi nhà Xô viết" ở Vương quốc Anh).

Lối vào tòa nhà 261 Fifth Avenue ở thành phố New York, nơi Amtorg đặt trụ sở chính từ 1929 đến 1941. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Năm 1927, Stalin bổ nhiệm Saul Bron làm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Thương mại Amtorg. Về mặt lý thuyết Amtorg là một tập đoàn của Mỹ. Trên thực tế, đó là một ủy ban của Liên Xô do Bộ Chính trị kiểm soát. Sau tất cả, Amtorg là tập đoàn độc quyền kiểm soát tất cả thương mại Xô-Mỹ.

Với tư cách là người đứng đầu Amtorg, đích thân Saul Bron đã tìm kiếm và lựa chọn các đối tác Mỹ - những người sẽ giúp đỡ quá trình công nghiệp hóa của Liên Xô. Một trong những phát hiện đầu tiên của Bron là Albert Kahn - kiến ​​trúc sư công nghiệp Detroit.

Albert Kahn. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Năm 1929, Hiệp hội Albert Kahn giành được một hợp đồng lớn về thiết kế và giám sát việc xây dựng Nhà máy máy kéo Stalingrad. Nó được mô phỏng theo nhà máy Máy thu hoạch Quốc tế Milwaukee. Kahn đã chuẩn bị các bản vẽ kiến ​​trúc và kỹ thuật bao gồm đường bộ và đường sắt.

Albert Kahn ký kết cùng Saul Bron. Nguồn: Agritura.

Công ty Kahn tổ chức đầy đủ toàn bộ quá trình. Họ mua vật tư, máy móc, thiết bị của Mỹ, cung cấp chuyên gia Mỹ. Nói một cách đơn giản, Nhà máy máy kéo Stalingrad giống như bộ xếp hình LEGO - các chi tiết được sản xuất tại Mỹ và lắp ráp tại Liên Xô dưới sự giám sát của Mỹ.

Nhà máy máy kéo Stalingrad được lắp ráp từ các chi tiết, máy móc đúc sẵn tại Mỹ và vận chuyển bằng đường biển. Kahn cung cấp nhân sự chủ chốt - giám sát thi công, chuyên gia lắp đặt, quản đốc. Nó được xây dựng từ các chi tiết của Mỹ và được cài đặt bởi người Mỹ.

Tất cả các công việc sưởi ấm, hệ thống ống nước, hàn và điện đều do người Mỹ giám sát. Cứ 20-30 công nhân Liên Xô thì có một quản đốc người Mỹ. Văn phòng tuyển dụng đặt tại số 255 đường West Congress, Detroit cung cấp hầu hết lực lượng lao động có trình độ cho nhà máy Stalingrad.

"Các cấu kiện thép kết cấu được công ty McClintic-Marshall Products (thuộc Tập đoàn Thép Bethlehem) đúc sẵn ở New York, được vận chuyển ở trạng thái tháo rời tới Stalingrad, qua Biển Đen và Volga, sau đó được lắp ráp dưới sự giám sát của các công trình sư và kỹ sư người Mỹ do công ty của Kahn lựa chọn".

Hiệp hội Kahn đã ủy quyền cho hơn 100 công ty Mỹ cung cấp và hỗ trợ việc xây dựng. Tất cả vật liệu xây dựng, thiết bị và dụng cụ đều do Mỹ sản xuất. Kahn thậm chí còn thiết kế một tuyến đường sắt đặc biệt để đưa vật liệu từ cảng Stalingrad đến công trường.

(Vào năm 1941 và 1942, Nhà máy máy kéo Stalingrad là nơi sản xuất chính của những chiếc xe tăng T-34 nổi tiếng đã đóng góp rất nhiều vào chiến thắng của Liên Xô. T-34 được tôn vinh là điển hình của thiên tài kỹ thuật Liên Xô. Không sai. Nhưng nó được lắp ráp trên các nhà máy và cơ sở hạ tầng do Mỹ xây dựng.)

Năm 1930, công nghiệp Liên Xô mở rộng quy mô. Kahn được giao nhiệm vụ thiết kế và giám sát hầu hết các công trình xây dựng công nghiệp của Liên Xô theo Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và 5 năm lần thứ hai: hơn 550 nhà máy và cơ sở trên khắp Liên Xô, tất cả ngành công nghiệp xe tăng, ô tô và máy kéo của Liên Xô, v.v. với giá 2 tỷ USD.

Tất nhiên, sự tham gia đông đảo của các kiến ​​trúc sư và kỹ sư người Mỹ vào quá trình công nghiệp hóa của Liên Xô sẽ rất có vấn đề. Đó là lý do tại sao nó được cải trang. Liên Xô thành lập Cục Thiết kế và xây dựng Nhà nước (Gosproektstroy) với quy mô khổng lồ để làm vỏ bọc cho các chuyên gia Mỹ sống và làm việc tại Liên Xô.

Ban đầu công việc được tiến hành từ văn phòng Detroit, Mỹ. Sau đó, phần lớn công việc được chuyển đến văn phòng ở Moscow, nơi nó được thực hiện với sự hỗ trợ của các nhân viên Liên Xô do người Mỹ hướng dẫn và giám sát.

Các kỹ sư của Kahn đã đi khắp Liên Xô để xây dựng "máy kéo, ô tô, động cơ máy bay, xưởng đúc, lò rèn, chế tạo thép, máy cán; luyện kim, ổ bi, nhôm, amiăng; nhà máy sản xuất máy móc và công cụ; nhà máy dệt, nhà máy chế biến thực phẩm".

Chẳng mấy chốc, họ đã xây dựng những nhà máy lớn hơn ở Kharkiv và Chelyabinsk.

Một nhóm kỹ sư Liên Xô tại văn phòng Nhà máy Máy kéo Chelyabinsk ở Detroit, Mỹ vào năm 1930. Nguồn: Smedata.

Kahn cho phép sản xuất linh hoạt, làm cho nhà máy trở nên "phổ cập hơn" không chỉ cho sản xuất dân dụng mà còn cho sản xuất quân sự.

Kahn biết ông đang giúp Liên Xô chuẩn bị cho một cuộc chiến. Năm 1931, ông nói:

"Không nghi ngờ gì về việc Nga đã chuẩn bị đầy đủ nhất có thể cho một sự kiện như vậy, cũng như không nghi ngờ gì về việc nhiều nhà máy mới hơn được lên kế hoạch để sản xuất vật liệu chiến tranh khi cần thiết."

Sau khi các kỹ sư của Kahn rời đi, họ đã để lại bản thiết kế, tính toán và thông số kỹ thuật của mình. Họ để lại các chuyên gia Liên Xô được đào tạo ở Mỹ, những người có thể sử dụng các mô hình này và mô phỏng chúng với những thay đổi tối thiểu.

Trong khi Albert Kahn là người lập kế hoạch chính cho công nghiệp hóa của Liên Xô, hàng trăm công ty đã tham gia. Công ty Arthur McKee đã thiết kế và giám sát xây dựng nhà máy thép lớn nhất của Liên Xô ở Magnitogorsk, được mô phỏng theo nhà máy của Tập đoàn Thép Hoa Kỳ ở Gary, Indiana.

Henry Ford cũng tham gia. Năm 1929, ông ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe GAZ ở Nizhny Novgorod, cung cấp thiết bị, máy móc và công nghệ cho nhà máy này.

Henry Ford đàm phán với Saul Bron. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Đại tá Hugh Lincoln Cooper, thuộc Công binh Lục quân Hoa Kỳ, là cố vấn xây dựng chính và giám sát toàn bộ quá trình xây dựng đập thủy điện Dnepr - công trình vẫn được xem là đại diện cho sức mạnh ý chí và niềm tự hào của Liên Xô.

Hugh Lincoln Cooper bên đập thủy điện Dnepr. Nguồn: Moma.

Cái giá của cuộc cách mạng công nghiệp hóa của Liên Xô

Bây giờ đến câu hỏi, Liên Xô đã trả tất cả số tiền cho những thứ kể trên như thế nào? Nhập khẩu công nghệ từ Mỹ có vẻ tốn rất nhiều tiền. Đúng, và đó là lý do tại sao Stalin phải vắt kiệt người dân của mình. Để trả tiền nhập khẩu, ông ta đã xuất khẩu tất cả thực phẩm ra nước ngoài. Đó cũng là một phần lý do của nạn đói Holodomor.

Nạn đói Holodomor những năm 1930. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Năm 1930, Stalin phải trả tiền mua thiết bị cho công ty Caterpillar Inc., ông ta viết thư cho Molotov:

"Chúng ta cần tăng xuất khẩu ngũ cốc tối thiểu từ 1-1,5 lên 3-4 triệu pood mỗi ngày. Nếu không, chúng ta có nguy cơ mất các nhà máy luyện kim và máy móc mới. Chúng ta cần phải mạnh mẽ thực thi xuất khẩu."

Để xây dựng sức mạnh quân sự của mình, Stalin dựa vào nhập khẩu công nghệ. Để trả tiền cho việc nhập khẩu này, ông ta đã lấy tất cả thực phẩm và bán ra nước ngoài. Kết quả là hàng triệu người chết đói hoặc phải ăn thịt đồng loại.

Vậy điều gì đã xảy ra với tất cả những nhà quản lý và kỹ sư được đào tạo ở Mỹ, có quan hệ với Mỹ này? Phải chăng họ sẽ là công cụ cho sức mạnh mềm của Mỹ? Đúng. Chính vì lý do này mà họ đã bị xử lý hàng loạt trong cuộc Đại thanh trừng 1937-1938, tất nhiên bao gồm cả công thần Saul Bron.

Saul Bron khi bị bắt giữ. Nguồn: Rusidea.

Bron bị bắt vào ngày 25 tháng 10 năm 1937. Ông bị cáo buộc là thành viên của một tổ chức khủng bố chống Liên Xô; đang âm mưu chuẩn bị, cùng với Tomsky, một hành động khủng bố chống lại Stalin; và là một đặc vụ của tình báo Anh. Sau 5 tháng trong nhà tù Lubyanka, vào ngày 21 tháng 4 năm 1938, ông bị troika (Hội đồng quân sự gồm ba thành viên của Tòa án tối cao Liên Xô) xét xử kín. Ông bị kết án tử hình và bị xử tử cùng ngày. Bron được chôn trong một ngôi mộ tập thể tại Kommunarka, Butovo, gần Moscow, một trong những địa điểm hành quyết hàng loạt trong Đại khủng bố của Stalin vào những năm 1930–1950.

Huyền thoại “tự cung tự cấp”, “tự lực tự cường”

Sự "tự cung tự cấp" và "tự lực tự cường" của Liên Xô hoàn toàn là giọng điệu tuyên truyền. Công nghiệp hóa của Liên Xô dựa phần rất lớn vào sự trợ giúp, chuyên môn và nhập khẩu công nghệ của Mỹ. Và rốt cuộc, Liên Xô vẫn không trở nên tự cung tự cấp. Nó có quá nhiều điểm nghẽn công nghệ.

Ví dụ, một trong những điểm nghẽn này là nhiên liệu. Liên Xô có dầu Azerbaijan, nhưng không thể sản xuất nhiên liệu hàng không có chỉ số octan cao. Sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 4% nhu cầu nhiên liệu B-78 (Б-78) - thứ cần thiết cho các máy bay quân sự Yak-1, Yak-3, MiG-3, LaGG-3, Il-2, Il-4, Pe-2, Yer-2, Su-2.

Liên Xô không gặp vấn đề gì trong việc sản xuất nhiên liệu hàng không có chỉ số octan thấp cho các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom lỗi thời, ví dụ như chiếc máy bay chiến đấu I-15 - được những phi công không may phải sử dụng nó gọi là "quan tài bay". Trong khi đó, hàng không Liên Xô hiện đại phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu nhập khẩu.

Tại sao? Một số người cho rằng đây là kết quả của sự thiếu quan tâm. Tuy nhiên, còn có một thuyết âm mưu. Người ta nghi ngờ rằng khi xây dựng nền công nghiệp của Liên Xô, người Mỹ có thể cố tình để lại một số hạn chế. Quân đội Liên Xô sẽ chỉ được kích hoạt đầy đủ nếu chọn là đồng minh của Mỹ.

Lần giở tài liệu lịch sử, chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều dự án của Mỹ về chế tạo "máy kéo" (có thể chuyển đổi nhanh chóng sang sản xuất xe tăng), ô tô, luyện kim. Nhưng không tìm thấy một đề cập nào về việc người Mỹ xây dựng Hải quân Liên Xô.

Liên Xô có muốn một hải quân hùng mạnh không? Chắc chắn là có. Cho đến tận ngày nay, hàng hải vẫn là ưu tiên quan trọng bậc nhất để đảm bảo giao thương, hậu cần, an ninh, quân sự. Nước Anh đã sống sót trước Đức Quốc xã một phần nhờ lực lượng hải quân hùng mạnh của mình. Cũng nhờ việc chiếm lĩnh đại dương mà tiếp tế của Đồng minh không bị gián đoạn, trong khi phe Trục thì đầu đuôi không giúp được nhau. Quay trở lại năm 1932, Liên Xô phê duyệt chương trình "hạm đội lớn", thiết kế và đóng các thiết giáp hạm lớn. Nhưng lúc này, trớ trêu thay, họ phải tự làm. Người Mỹ không giúp gì cả. Liên Xô đóng tàu trên xưởng đóng tàu của Sa hoàng bằng công nghệ của riêng họ.

Kết quả là Hải quân Liên Xô rất tốn kém và siêu rối loạn chức năng. Năm 1941, Hạm đội Biển Đen của Liên Xô lần lượt mất tàu ngầm Shch-204 vào tháng 6 khi đối đầu với hải quân Bulgaria, và mất tàu khu trục chủ công Moskva vào tháng 9 khi đối đầu với hải quân Romania. Trong suốt những năm chiến tranh, phe Trục kiểm soát hoàn toàn biển Baltic. Năm 1943, Stalin cấm thiết giáp hạm lớn hơn tàu quét mìn rời căn cứ nếu không có lệnh trực tiếp. Kết quả là hầu hết các thiết giáp hạm của Liên Xô chỉ ở đó cho đến năm 1945. Hải quân của Liên Xô phần lớn là vô dụng.

Tại sao Liên Xô không tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ cho hải quân như họ đã làm cho lục quân? Dù chưa có bằng chứng xác đáng nào, nhưng người ta nghi ngờ rằng người Mỹ sẽ không giúp xây dựng một lực lượng có khả năng gây nguy hiểm cho họ. Họ đã chuẩn bị cho Liên Xô cho cuộc chiến tranh lục địa và chỉ thế mà thôi.

Tóm lại, Liên Xô không tự cung tự cấp, nó phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu công nghệ. Công nghiệp hóa thời đầu của Liên Xô là có thật và thành công. Nhưng nó được quản lý từ nước ngoài và có một số hạn chế (có thể có chủ đích của Mỹ) khiến Liên Xô trở thành một cường quốc rất mong manh. Nó không thể tự mình chiến đấu trong một cuộc chiến lớn.

Stalin có thể không nhận ra điều đó ngay lập tức. Ông ta có thể đã tin vào sức mạnh và sự bất khả chiến bại của mình. Đức tấn công Liên Xô vào ngày 22 tháng 6 năm 1941 và phải đợi đến ngày 29 tháng 6, Stalin mới nhận thấy mọi thứ đang diễn ra tồi tệ như thế nào. Vì vậy, vào ngày 6 tháng 7, tướng Golikov đã bay tới London để đảm bảo hợp đồng cho vay, cầu xin sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Và người Mỹ đã giúp đỡ. Họ đáp ứng mọi nhu cầu của Liên Xô, cung cấp thực phẩm, thiết bị, chất nổ (nghe có vẻ buồn cười, nhưng vì lý do nào đó, việc sản xuất chất nổ là một hạn chế lớn của Liên Xô), xe cộ.

Lính Liên Xô lái xe tải Studebaker của Mỹ xuất khẩu. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Đến đây phần nào chúng ta có thể giải thích quyết định phát động chiến tranh với Liên Xô của Hitler. Ông ta có vẻ hiểu đúng khía cạnh quân sự của cuộc chiến. Ông ta đã đúng khi cho rằng cuộc tấn công của Đức sẽ phá hủy nền kinh tế Liên Xô. Thật vậy, đến tháng 8 năm 1941, Đức đã phá vỡ hoàn toàn chuỗi cung ứng và công nghệ của Liên Xô.

Tuy nhiên, điều mà Hitler không hiểu là người Mỹ sẽ đáp ứng đầy đủ, 100% mọi nhu cầu của Liên Xô, từ thực phẩm đến xe tải, từ nhiên liệu có chỉ số octan cao đến chất nổ. Hitler không lường trước Mỹ sẽ hồi sức cấp cứu cho Liên Xô.

Tóm lại, nhờ diện tích rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng chiến thắng trong một số cuộc chiến lớn, nên khả năng tự cung tự cấp, tự lực tự cường của Nga và Liên Xô đã luôn được thổi phồng. Thực tế là, mọi cuộc chiến lớn không có đồng minh phương Tây của Nga và Liên Xô đều kết thúc trong thảm họa, ví dụ như Chiến tranh Livonia (1558-1583), Chiến tranh Krym (1853-1856), Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979-1989).

Hữu Đức / Theo: ntdtv

Tài liệu tham khảo:

– “The Soviet Problem with Two “Unknowns”: How an American Architect and a Soviet Negotiator Jump-Started the Industrialization of Russia”, Sonia Melnikova-Raich
– Военная академия тыла и транспорта. Тыл Советской Армии в Великой отечественной войне 1941—1945 гг. Ч. 1. Л., 1963. C. 46.

Link tham khảo: