Miễn Bá Cao rất lo lắng về con chim thiên nga trắng này, lỡ xảy ra việc gì làm sao có thể ăn nói nói với quốc vương đây? Cho nên trên đường, ông ta đích thân cho nó ăn uống, không phút nào dám lười nhác. Ngày nọ Miễn Bá Cao đến bên hồ Miện Dương 沔阳, thấy thiên nga vươn dài cổ ra, há mỏ lấy sức thở, Miễn Bá Cao trong lòng không nỡ, bèn mở lồng mang thiên nga đến bên bờ nước để cho nó uống. Nào ngờ thiên nga sau khi uống xong, “vụt” một tiếng, nó vỗ cánh bay lên không. Miễn Bá Cao bổ về phía trước, nắm được một cộng lông vũ, ngơ ngẩn một lúc lâu, mắt trân trân nhìn theo thiên ngay bay mất tăm mất dạng. Miễn Bá Cao cầm cộng lông vũ mà thẩn thờ, trong đầu suy nghĩ: “Làm sao đây? Đi tiến cống chăng? Đem thứ gì dâng cho Đường Thái Tông? Hay là trở về? nhưng sao dám đi gặp quốc vương Hồi Hột?” Đám tuỳ tùng nói rằng: “Thiên nga đã bay đi mất, tìm cách nào bổ cứu đi”. Nghĩ trước nghĩ sau, Miễn Bá Cao quyết định tiếp tục đi về phía đông, ông ta dùng một vuông lụa trắng cẩn thận bọc chiếc lông vũ lại, trên vuông lụa viết một bài thơ:
Thiên nga cống Đường triều
Sơn trùng lộ cánh diêu
Miện Dương hồ thất bảo
Hồi Hột tình nan phao
Thướng phụng Đường thiên tử
Thỉnh tội Miễn Bá Cao
Vật khinh nhân nghĩa trọng
Thiên lí tống nga mao
Núi non muôn trùng đường sá lại xa xôi
Đến bên hồ Miện Dương mất đi báu vật
Nhưng tình ý của quốc vương Hồi Hột đối với triều Đường khó mà mất được
Nay dâng vật này lên thiên tử Đại Đường
Xin thứ tội cho Miễn Bá Cao
Lễ vật tuy nhẹ nhưng đủ để biểu thị tình nghĩa hai nước sâu nặng
Từ xa ngàn dặm đến xin dâng tặng chiếc lông thiên nga)
Miễn Bá Cao mang trân bảo và lông chim thiên nga, đi ngày đi đêm không nề gian khổ, chẳng bao lâu tới được Trường An. Đường Thái Tông tiếp kiến, Miễn Bá Cao dâng lên chiếc lông thiên nga. Thái Tông đọc qua bài thơ, lại nghe Miễn Bá Cao tỏ bày, không những không trách tội mà lại cảm thấy Miễn Bá Cao chân thành trung thực, không làm nhục sứ mệnh, bèn trọng thưởng cho ông.
Từ đó, câu “Thiên lí tống nga mao, lễ khinh nhân nghĩa trọng” 千里送鹅 毛, 礼轻人义重 trở thành khiêm từ hoặc khắc hoạ việc giao lưu tình cảm lễ nghĩa qua lại với nhau.
Phụ lục
La Bí 罗泌 (1131 – 1189): tự Trường Nguyên 长源, hiệu Quy Ngu 归愚, người Lư Lăng 庐陵 Cát Châu 吉州 (nay là Cát An 吉安 Giang Tây 江西), văn học gia thời Nam Tống. Ông từ nhỏ đã có tài, giỏi thi văn, không theo con đường khoa cử. Tác phẩm có bộ Lộ sử 路史 thuật lại những truyền thuyết và sự thực lịch sử từ thời thượng cổ trở đi có liên quan đến lịch sử, địa lí, phong tục, dân tộc ... tài liệu rộng lớn, là tác phẩm tập đại thành lịch sử thần thoại.
Dich giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguồn: THƯỜNG DỤNG ĐIỂN CỔ
常用典故
Biên soạn: Tôn Lập Quần 孙立群, Lí Ái Trân 李爱珍
Thượng Hải đại học xuất bản xã, 2005