Mà hễ thèm thuồng ơ cá bống kho thì lại nhớ đến câu ca dao: “Ví dầu tình bậu muốn thôi/ Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra/ Bậu ra bậu lấy ông câu/ Bậu câu cá bống, ngắt đầu kho tiêu/ Kho tiêu, kho mỡ, kho hành/ Kho ba lạng thịt để dành bậu ăn”. Câu ca dao mang chút ngậm ngùi về cái nghèo, thời khó ngày xưa. Món ăn ngon một thời gắn với con sông quê. Chứ còn câu chuyện thì thua, chẳng biết ất biết giáp gì cả.
Nay tình cờ đọc câu chuyện “Tình bậu muốn thôi” của ông già Nam Bộ, tôi thấy thích vô cùng vì tôi hiểu được câu chuyện. Ông già Nam Bộ kể, xưa có anh nọ làm ăn khá giả, cưới hai cô vợ.
Anh mướn thợ về nhà vẽ một tấm biển thếp vàng treo trước cửa nhà vỏn vẹn hai chữ Nho: Nhơn lực. Anh muốn khoe mình giàu có là do tài năng sức lực, đâu phải do trời phật. Cô vợ bé thấy anh xem thường trời đất nên muốn tìm cơ hội ra đi, thoát khỏi anh chồng ngạo mạn. Cô bèn dùng son mà gạch thêm hai lằn ngang trên đầu chữ Nhơn. Với hai lằn ngang ấy, chữ Nhơn thành chữ Thiên.
Người chồng ra lệnh cho đến giờ ngọ mà người vợ bé không sửa lại thành chữ Nhơn thì đuổi cô ra khỏi nhà, cô không được xin tiền bạc, quần áo gì hết. Cô vợ bước ra khỏi nhà. Cô đi về hướng đông, gặp một ông câu.
Cô đến chân đồi với túp lều tranh của ông câu và cô ngỏ lời xin làm vợ ông câu. Cô bắt con cá bống ngắt đầu kho tiêu, bỏ thêm mỡ thêm hành. Hàng ngày cô đi câu cá đổi thức ăn, mua thêm “ba lượng thịt” cho ông chồng (ông câu) được ngon miệng. Ông câu cảm mếm lòng hy sinh cố gắng học hành ngày đêm. Và ông câu đã thi đậu và có lễ vinh quy báo tổ rỡ ràng.
Nên theo ông già Nam Bộ thì câu hát:
“Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra, bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống ngắt đầu kho tiêu.
Kho tiêu, kho mỡ, kho hành
Mua ba lượng thịt để dành anh ăn
Anh ăn không hết để dành
Để trong quyển sách, để ngoài án thơ”.
Mấy năm trôi qua, ông chồng trước của cô lâm cảnh túng bấn. Mùa màng thất bát khiến anh phá sản.
Câu chuyện của ông già Nam Bộ khuyên ai đừng vì đồng tiền mà trở mặt với nhau. Và muốn được thành công danh toại phải nhờ cả hai, phải nhờ trời phật và phải cố gắng cho tận nhân lực. Ông bà ta hay khuyên con cháu “có trời mà cũng có ta”.
Mỗi một câu chuyện được ông già Nam Bộ vẽ ra cho chúng ta thấy những nét đẹp mộc mạc chan hòa của vùng đất Nam Bộ, cuộc sống với những phong tục tập quán của người miền quê qua giọng văn chân thành và dung dị.
Người ta giới thiệu ông già “là nhà văn Việt Nam, không riêng cho Nam Bộ. Dù cả đời chỉ nhích từ Cà Mau tới Sài Gòn, phong cảnh và tâm cảnh của ông chỉ xê dịch trên sông nước miệt vườn. Nhưng ông già Nam Bộ khẳng định “không có người miền Nam mà chỉ có người Việt Nam”. Ông già Nam Bộ ấy chính là nhà văn Sơn Nam.
Cảm ơn ông già Nam Bộ đã kể lại câu chuyện “Tình bậu muốn thôi”.
Mai Kha / Theo: vinhlongonline