Phần lớn từ khi sinh ra bạn vốn đã được ông bà, cha mẹ vạch sẵn cho lộ trình : học hành chăm chỉ, có tấm bằng đại học, ra trường có thể xin việc ở một công ty ổn định, hoặc làm ở một vị trí thật "oách" để làm rạng danh cả họ.
Thế là bạn được người khác "lập trình" sẵn, bạn chẳng mảy mảy hoài nghi cái mình đang theo đuổi có thực sự là điều làm bạn hạnh phúc? Có thực sự là đam mê? Có phải là mục đích sống của bạn hay không? Đơn giản là bạn chỉ làm theo một cách vô thức điều mà tất cả mọi người đều làm, hàng triệu con người ngoài xã hội đều làm thì chắc chắn nó phải đúng chứ, phải không?
Vì sao tư duy chạy theo số đông bị coi là một bước lùi khiến bạn dậm chân tại chỗ? Dưới đây là một số lý do được tác giả Kiên Trần đưa ra trong "Đừng chạy theo số đông", có thể là lời khuyên giá trị dành cho bạn!
Chạy theo số đông là bạn dành phần lớn cuộc đời để "tưới cây" cho nhà người khác
Xuân dành 7 năm làm việc chăm chỉ, trở thành nhân viên xuất sắc của một ngân hàng có tiếng. Cô được cấp trên khen thưởng, được bạn bè trầm trồ, được đồng nghiệp tán tụng.
Thế nhưng, cuộc đời của Xuân thì vô cùng tẻ nhạt. 7 năm qua, cô 'triệt tiêu' tất cả sở thích, lối sống yêu thích của mình. Xuân không còn sở thích học vẽ, học ngôn ngữ, đi du ngoạn Nam Mỹ, tập gym như 6 năm trước. Cô bận, cô không có thời gian, cô mệt. Lý do rất chính đáng.
Cho tới một ngày, cô nhận ra. Mình đã TƯỚI SAI CÂY.
Có lẽ bạn cũng vậy?
Ngày càng nhiều người chấp nhận dành ra từ 8-9 tiếng mỗi ngày cho một công việc mà mình không hề hứng thú. Họ như cái xác không hồn ngày này qua ngày khác trên con đường đến nơi làm, đến cuối ngày cạn kiệt sức lực, họ nằm dài xem phim, lướt facebook và đi ngủ lúc 1,2 giờ sáng. Tất cả chỉ để mong hai tiếng "ổn định".
Tác giả Kiên Trần cho rằng: "Bạn dành hơn nửa ngày của bạn. Nhìn xa hơn là hơn nửa cuộc đời của bạn để tưới cây của người khác. Bạn dành phần lớn thời gian, sức lực, trí tuệ làm giàu cho doanh nghiệp của người ta. Không phải bạn. Tất nhiên về bản chất điều này không có gì sai trái. Về bản chất, bạn đang làm việc có ích cho xã hội và bạn được trả tiền. Cái sai ở đây là bạn dành quá nhiều nước để tưới cho cái cây của người khác đến mức bạn không còn nước để tưới cái cây của chính bạn. Điều này diễn ra trong nhiều năm. Kết quả là cây của người khác tươi tốt."
Nhà kinh tế học John Maynard Keynes của thế kỉ 20, đánh giá: "Sự khó khăn không nằm nhiều ở việc phát triển những ý tưởng mới mà tập trung ở việc thoát khỏi những ý tưởng cũ". Với thế giới đầy biến động như hiện nay, tư duy Đừng chạy theo số đông của Kiên Trần sẽ cho bạn tự biết rằng cái gì là ổn định trong thời thế này.
Bạn cần dự án riêng
Những gì đã "cũ" thường sẽ được thay bằng cái "mới" cần thiết hơn. Cuộc sống cũng như vậy, khi bạn không còn tiềm năng, không còn sức trẻ, bạn sẽ dễ bị đào thải hơn. Và cái áp lực bị đào thải do tuổi tác có thể thấy rất nhiều ở những môi trường công sở. Lúc này, điều bạn cần suy xét lại là làm sao để tăng giá trị tăng trưởng cho bản thân. Một khi bạn tích lũy được điều này, bạn sẽ không bị bó buộc, không bị lệ thuộc vào bất cứ một ai, một tổ chức hay hoàn cảnh nào.
Ví dụ bạn mất việc, nhưng bạn có một kênh YouTube 1 triệu người Subscribed. Kênh YouTube giống như một cái hệ thống đường xá trên mảnh đất Minecraft của bạn, nó cứu bạn. Nó đi với bạn suốt đời và nó liên tục mở rộng.
Thay vì đi làm, xây dựng đô thị cho người khác, bạn ở nhà làm video, xây dựng đô thị trên chính mảnh đất của bạn. Video hay kênh YouTube ở đây chỉ là một ví dụ điển hình rất nhỏ. Bạn không nhất thiết phải theo con đường làm YouTuber. Nhưng bạn cần hiểu rằng đây là sự khác biệt rõ nhất của việc xây trên đất người khác và xây trên đất chính mình.
"Mình có một lượng người theo dõi khoảng vài chục nghìn bạn trên Facebook. Có nhiều người nhiều hơn thế. Nhưng số đông chỉ có vài trăm. Có những bạn dùng Instagram và có lượng follows khổng lồ. Đây là một dạng tài sản trên mảnh đất.
Mình có viết một vài cuốn sách best seller. Trong đó có cuốn này. Đây giống như một dạng tài sản trên mảnh đất của mình. Giống như xây một cái hệ thống trường học trên Minecraft nếu bạn thích tư duy hình tượng giống mình." – tác giả Kiên Trần chia sẻ.
Nếu một ngày nào đó công ty cho bạn nghỉ việc, hoặc bạn chán ngấy công việc bạn đang làm và phải tự giải thoát, bạn chỉ còn cách bấu víu vào hai thứ tài sản này và một ít tiền để dành nếu có.
Cái bạn thật sự cần, đó là bạn cần dành thời gian, sự sáng tạo, kiến thức để xây thành phố của chính bạn. Đúng vậy, của chính bạn. Bạn muốn mảnh đất của bạn không cần phải trù phú như công ty X kia, nhưng ít nhất nó phải ra cái thành phố. Nói nôm na, nếu một mai bạn bị mất việc, bạn vẫn sống được, thành phố của bạn vẫn vận hành và "nuôi" được bạn. Thành phố của bạn là chỗ dựa của bạn để bạn bấu víu. Một tòa nhà và một cái hồ không thể đủ. Bạn cần xây dựng một thành phố.
Hãy trân trọng thị trường
Đằng sau năng lực của bạn, kinh nghiệm sống của bạn chính là những động lực không ngừng học hỏi. Nhưng phải học cho đúng. Thể loại công việc và bằng cấp từ xưa đến nay được xem như là hai thứ quan trọng của bạn. Nhưng với thị trường ngày nay, hai thứ này dường như không còn nhiều ý nghĩa.
Theo Kiên Trần đánh giá: "Cái quan trọng là bạn đang ở THỊ TRƯỜNG nào. Nó thiếu (under-served) hay thừa mứa (over-served). Đây là cái DUY NHẤT bạn cần tập trung. Không phải bằng cấp. Không phải công việc."
Bạn vẫn kiếm ít tiền hơn nhiều so với người bán nước mía. Đơn giản bởi họ ở THỊ TRƯỜNG under-served (chưa được khai thác) còn bạn ở thị trường over-served (thừa mứa). Lỗi mà 99% các bạn gặp phải đó là KHÔNG TẬP TRUNG tìm thị trường UNDER-SERVED. Chúng ta chạy theo tính hào nhoáng. Sự tự hào. Cao siêu. Lời hứa. Và sự chính thống.
Chạy bàn là một thị trường thừa mứa (over-served). Bạn có thể tự hào vì bạn lao động. Học hỏi. Nhưng bạn đang ở sai thị trường. Bạn chạy bàn là bạn đói. Một nhà hàng có đến 20 người chạy bàn. Một đất nước có một đội ngũ chạy bàn hùng hậu. Bạn chạy bàn, bạn đói. Tương tự với các thị trường HOT. Dần dần trở nên over-served.
Vì vậy hãy trân trọng thị trường. Hãy linh hoạt trong trong cách học. "Bởi công việc bạn có ý nghĩa, cao siêu với bạn bao nhiêu nhưng nếu thị trường không quan tâm, thì TẤT CẢ TRỞ NÊN VÔ NGHĨA. Bao nhiêu bằng cấp cũng chỉ để trang trí. Và công việc có vớ vẩn bao nhiêu, thấp kém, không có bằng cấp bao nhiêu, nhưng nếu thị trường under-served, bạn cũng trở thành kingpin!" – Kiên Trần.
Dành thời gian cho "cây" nhà bạn
Bạn dành thời gian cho điều gì, bạn sẽ càng đạt được thành tựu cho điều đó. Dù bạn là ai, nghèo hay giàu, tỷ phú hay người thường thì cũng có 24 giờ như nhau, nhưng cách một tỷ phú thường bỏ tiền ra để mua thời gian khác với người bình thường. Họ cần thời gian. Rất nhiều thời gian. Rất rất nhiều thời gian. Họ cần kiến. Những con kiến chăm chỉ, cần mẫn, chấp nhận đánh đổi thời gian và tuổi trẻ. Để họ không chỉ giải phóng cuộc đời họ, họ còn trở nên giàu có hơn bạn, nhiều lần.
Cuộc đời mỗi người chúng ta gói gọn trong 7000 ngày, ăn uống, làm việc, chơi game, lướt facebook chiếm hết phần lớn thời gian. Thời gian là hữu hạn và ít ỏi, chúng ta không thể trì hoãn nó để khoác lên mình cái vỏ bọc bận rộn, dù bận thật (hay bận giả) để đổi lại thời gian là "tưới cây" cho nhà người khác.
Bản thân tôi:
Sáng mình tập gym. Người khác thì không. Sau năm năm họ như chung cư xuống cấp còn mình vẫn tươi tốt.
Mình dành 2-5 tiếng đọc mỗi ngày. IQ của mình ngày càng tăng.
Mình dành thời gian nuôi dưỡng phát triển cộng đồng trên Facebook. Sản xuất nội dung chất lượng cao. Lượng followers của mình ngày càng tăng. Càng nhiều người thu được giá trị.
Mình dành thời gian giúp đỡ những người xung quanh. Dành thời gian chăm chút cho gia đình. Bạn bè. Họ quý mình vì mình dành 100% tâm trí của mình cho họ thay vì hơn nửa tâm trí ở "công việc".
Vì vậy, hãy dành thời gian tưới cây nhà bạn từ ngay hôm nay!
Đôi khi chạy theo số đông chưa chắc đã là an toàn, đặc biệt trong tình thế biến động của cuộc sống ngày này, bạn sẽ có nguy cơ bị loại bỏ hoặc bị "nuốt chửng" giữa một thế giới với tỷ lệ cạnh tranh cao. Nếu bạn muốn thoát khỏi sự bó buộc của số đông, tư duy ĐỪNG CHẠY THEO SỐ ĐÔNG là cách gần như duy nhất!
Mọt Sách / Theo: Báo Dân Sinh